Hướng nghiệp và việc làm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đinh tính về trẻ em khuyết tật tại An Giang và Đồng Nai (Trang 67 - 69)

V. CÁC PHÁT HIỆN CỦA CUỘC NGHIÊN CỨU

5.7.Hướng nghiệp và việc làm

Mạng lưới hướng nghiệp dạy nghề và cơ hội việc làm

Việc dạy nghề và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật ở cả hai tỉnh đang gặp nhiều khó khăn kể cả đầu vào, quá trình dạy nghề, và tìm kiếm cơ hội làm việc cho trẻ. Ở Đồng Nai, trong khi mỗi huyện có một trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nhưng chỉ có bốn trung tâm lồng ghép chức năng dạy nghề cho trẻ khuyết tật: Định Quán, Trảng Bom, Long Thành - Nhơn Trạch, và ở Biên Hòa (trung tâm dạy nghề tỉnh). Trong khi ấy, ở An Giang lại chưa có một trung tâm dạy nghề nào dành cho trẻ khuyết tật. Việc dạy nghề cho trẻ khuyết tật được thực hiện thông qua trường trẻ khuyết tật của tỉnh. Trường này tập trung đủ số trẻ theo nguyện vọng của các xã và liên kết với các cơ sở dạy nghề (theo hợp đồng vụ việc). Các nghề chủ yếu là may, đan lát, nữ công gia chánh (gấp hoa, làm móng, cắt tóc), làm mộc, tin học, điện gia dụng. Song việc dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng không dễ vì cần có giáo viên chuyên trách về trẻ khuyết tật. Riêng khía cạnh này, hầu như tất cả các trung tâm dạy nghề chưa thể đáp ứng được.

Việc tìm đầu ra cho trẻ khuyết tật sau đào tạo gặp nhiều khó khăn và chưa mang tính bền vững do sự thiếu nhất quán về nhu cầu và khả năng đáp ứng giữa nhà tuyển dụng và trẻ khuyết tật. Các trung tâm dạy nghề, Sở LĐTB xã hội, hoặc cơ quan tổ chức dạy nghề chủ động, hoặc kết hợp với gia đình có trẻ khuyết tật, cố gắng tạo liên kết và ký kết hợp đồng với các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tuyển dụng trẻ khuyết tật sau đào tạo, song vẫn chưa tìm ra giải pháp mang tính bền vững do một số yếu tố: tính thời điểm của cơ hội; trình độ học vấn và sức khỏe của trẻ khuyết tật; yêu cầu kỹ thuật; và khoảng cách từ xí nghiệp đến gia đình trẻ. Thứ nhất, việc tìm được một cơ hội làm việc cho trẻ khuyết tật mang tính thời điểm. Có khi, một xí nghiệp muốn tuyển người, nhưng lại không có trẻ khuyết tật đủ tay nghề. Lại có khi, trẻ đã được đào tạo nhưng cơ hội lại qua đi mất. Thứ hai, trình độ học vấn của các trẻ khuyết tật thường chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông thường, các xí nghiệp mong muốn tuyển những người có trình độ học vấn (ban đầu là lớp 12, về sau là lớp 9, sau này khi không thể tìm đủ thì ít nhất là biết đọc và biết viết) - Theo các cán bộ lãnh đạo của Chi Cục bảo trợ xã hội Đồng Nai. Với tiêu chí ấy, người khuyết tật không phải ai cũng đáp ứng được. Sức khỏe của TKT cũng khiến nhiều nhà tuyển dụng do dự:

Như trong đợt vừa qua, cũng có cơ quan về địa phương yêu cầu giới thiệu người để làm việc nhưng họ không nhận người khuyết tật. Họ yêu cầu có sức khỏe tốt thì mới nhận. Họ sợ người khuyết tật làm ảnh hưởng đến kết quả làm việc. Họ làm vì lợi nhuận nên yêu cầu đó là hợp lý.

(Hội phụ nữ xã Gia Canh, Đồng Nai) Thứ ba, quy trình kỹ thuật, tiêu chí máy móc và thiết bị hỗ trợ sản xuất trong các xí nghiệp thường không phù hợp với trẻ khuyết tật. Vì lẽ đó, các xí nghiệp phải điều chỉnh những thiết bị đó (điều chỉnh lại bàn ghế) nếu muốn tuyển dụng trẻ khuyết tật. Thứ tư, nhiều khi xí nghiệp lại ở quá xa gia đình của TKT, khiến các em ngần ngại vì phải xa nhà và đi lại khó khăn. Mà điều này là phổ biến với hai huyện nghiên cứu, nơi người dân chủ yếu làm nương rẫy và hầu như không có cơ sở sản xuất nào. Ví dụ ở huyện Định Quán, có một trung tâm dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật. Ở đó trẻ được học đan lát và may mặc trong 2 năm qua. Nhưng xí nghiệp may mặc lại ở Biên Hòa, cách đó đến 70-80 km. Hoặc về đan lát, trẻ phải lấy nguyên liệu về nhà làm, rồi trả sản phẩm cho người đầu tư. Nhưng đầu ra với sản phẩm đan lát không ổn định nên các em cũng nản chí. Theo cán bộ chuyên trách trẻ em khuyết tật huyện Định Quán: “Nếu có công việc ổn định cho các em, hoặc có cơ hội việc làm thì việc tuyên truyền cho các em đi học nghề rất dễ. Còn bây giờ họ học xong vẫn chưa có đảm bảo là có việc ngay tại địa phương nên hầu hết các TKT ở đây đều ở nhà và làm phụ gia đình”.

Tuy nhiên, cả hai tỉnh đã có một số mô hình thành công trong việc dạy nghề, và tạo việc làm cho TKT. Đồng Nai có hai mô hình. Một là cơ sở sản xuất đồ may mặc Long Thành - thu dung gần 100 TKT (đã đến tuổi lao động), có nơi ăn, ở cho trẻ. Cơ sở này còn thiết kế máy móc và phân công lao động phù hợp với nhu cầu của xí nghiệp và dạng tật ở trẻ. Mô hình này đã hoạt động được 2 năm tại Đồng Nai. Chủ cơ sở này còn có một trung tâm bảo trợ TKT ở Long Thành. Theo kế hoạch, các trẻ này sẽ được dạy nghề và làm việc tại xí nghiệp may mặc nói trên. Mô hình thứ hai là Hội những người khuyết tật vươn lên tại Xuân Lộc - do một người khuyết tật về chân thành lập và quản lý. Hội này chuyên sửa chữa máy móc gia dụng và tin học. Phí sửa chữa được sử dụng để duy trì hoạt động, nuôi sống thành viên hội và dạy nghề cho các thành viên khác. Tổng số thành viên lên tới 20 người. Còn ở An Giang, cũng có một mô hình liên kết giữa trường trẻ khuyết tật tỉnh và cơ sở sản xuất đồ may mặc Kim Chi tại Long Xuyên. Tuy nhiên, đây chỉ là liên kết dựa trên các mối quan hệ cá nhân chứ chưa mang tính hệ thống và lâu dài.

Rào cản và động cơ từ phía gia đình

Hoàn cảnh nghèo khó, lòng thương hại của ba mẹ, và bệnh tình của trẻ là rào cản với việc học nghề của trẻ khuyết tật

Chi phí cho TKT trong quá trình học nghề cũng là mối trở ngại lớn đối với các gia đình và trẻ. Mặc dù theo chính sách bảo trợ xã hội, việc TKT học nghề được miễn phí và được phụ cấp trong ba tháng

đầu, nhưng các chi phí liên quan như đi lại, ăn ở, và khoảng cách giữa trẻ và gia đình thường làm các bậc cha mẹ và trẻ bận tâm. Trong khi rất nhiều bố mẹ còn quá nghèo (lo ăn từng bữa) thì họ chưa thể dành tiền cho việc đi lại của con họ, cho dù chỉ là rất ít. Đôi khi, việc đi về của các em, nếu không phải mất tiền, thì cũng được xem là làm mất cơ hội kiếm tiền cho gia đình:

Các em thường phải đi lại xa nhà. Nếu đi học thì mỗi ngày mất một ngày công lao động. Tỉnh có hỗ trợ kinh phí đi học nhưng bố mẹ thì ngại vì kinh tế gia đình còn khó khăn.

(Chuyên trách bảo trợ trẻ xã Bình Chánh, Châu Phú) Bên cạnh đó, còn nhiều bố mẹ vì sợ con cực khổ trong quá trình học nên không muốn cho con đi. Đó là nhận định phổ biến ở hai huyện nghiên cứu. Đa số bố mẹ khuyết tật đều nhìn nhận con cái họ là bị thiệt thòi “không bằng chúng bạn” và vì thế được ưu tiên hơn những đứa trẻ khác. Ở nhà, chúng thường được bố mẹ và gia đình chăm sóc. Còn khi đi học nghề, tức là phải sống xa nhà, chúng sẽ phải tự chăm sóc bản thân, bên cạnh những thách thức khác mà chúng chưa hề gặp do thiếu va chạm xã hội: “Hầu hết những trẻ khuyết tật trên 15 tuổi đã quen với việc nhà. Các em chưa từng đi xa và chưa có kinh nghiệm sống” (Theo cán bộ bảo trợ trẻ em huyện Định Quán, Đồng Nai).

Lại có những trẻ vì tật quá nặng mà chẳng thể học nghề. Tình trạng này cũng rất phổ biến ở cả hai huyện nghiên cứu. Trẻ thuộc nhóm này thường là chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi, hoặc có những bệnh hiểm nghèo như động kinh…

Còn khi không bị bó buộc bởi cái nghèo khó, thì gia đình lại là động lực thúc đẩy việc học nghề và thành công của trẻ khuyết tật nếu sức khỏe của chúng cho phép

Một số gia đình lại rất ủng hộ việc dạy nghề cho trẻ, và chủ động hướng nghiệp hoặc tạo động cơ cho trẻ đi học. Rất tiếc số này rất ít và thường là những hộ có kinh tế khá giả hoặc làm cán bộ, hoặc là những người biết lo trước về tương lai của gia đình họ. Ví dụ ở xã Gia Canh có một số ví dụ về trẻ khuyết tật nghe lời khuyên của bố mẹ đi học, rồi xin được việc và thành công. Dưới đây là tâm sự của trạm trưởng trạm y tế xã Gia Canh:

Hiện nay ở địa phương cũng có hai người khuyết tật, tự học may và mở tiệm sửa điện tử. Cả hai em này đều nỗ lực học nghề để có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Các em thường xuyên nhận lời khuyên của ba mẹ “Ba mẹ giờ còn trẻ, còn chăm sóc được con. Nhưng nếu ba mẹ già thì không chăm sóc được. Con phải cố gắng học lấy cái nghề để có thể lo cho bản thân… Cả hai trường hợp này đều thuộc hộ gia đình có kinh tế khá giả và các em cũng bị khuyết tật nhẹ, có thể tự làm việc được.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đinh tính về trẻ em khuyết tật tại An Giang và Đồng Nai (Trang 67 - 69)