Dịch vụ công cộng và vui chơi giải trí

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đinh tính về trẻ em khuyết tật tại An Giang và Đồng Nai (Trang 65 - 67)

V. CÁC PHÁT HIỆN CỦA CUỘC NGHIÊN CỨU

5.6. Dịch vụ công cộng và vui chơi giải trí

Những hoạt động giải trí

Dù ở nhà, trong cộng đồng, hay ở trường, hầu hết trẻ khuyết tật đều tham gia vào nhiều trò chơi mang tính dân gian và vận động nhiều -chủ yếu là mang tính tự phát và thiếu sự hướng dẫn, bảo vệ của người lớn. Các em thường tự tổ chức chơi với nhau, mà thông thường là chơi với những trẻ không khuyết tật, trong các trò mèo đuổi chuột, đá cầu, đá banh, kéo co, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, chơi năm mười, chơi keng, chơi keo, chơi bi, chơi nhảy dây, chơi đá cầu, thậm chí đá banh. Tuy nhiên, với những em khuyết tật vận động nặng (như cụt chân) hoặc rối loạn hành vi (động kinh, hoặc loạn vận động), thì cơ hội tham gia các hoạt động trên rất hạn chế. Song, trong ý thức, các em đều rất muốn chơi, và ngay cả khi không thể chơi, thì vẫn vui lây vì các bạn. Ví dụ em Trường, học sinh lớp 4, bị cụt một chân sau một tai nạn, ở xã Phú Vinh, Đồng Nai, nên trong các giờ ra chơi chỉ có thể nhìn các em khác chơi mà không thể tham gia bất cứ hoạt động nào. Mặc dù không thể chơi, em vẫn rất vui: “em ấy vẫn vui khi nhìn các bạn tham gia trò chơi” - theo lời kể của cô giáo chủ nhiệm. Thông thường, trong các cuộc chơi như vậy, hầu hết trẻ khuyết tật được tham gia hoàn toàn bình đẳng với những trẻ không khuyết tật. Ngay cả khi khả năng của các em kém hơn các bạn bình thường một chút, các em lại nhận được sự khích lệ và giúp đỡ của các bạn bình thường để được chơi hết mình:

Có những cháu bị khoèo chân không thể chạy nhanh được. Vậy mà cháu vẫn chơi chạy thi với đám bạn bình thường trong xóm. Các cháu chia ra thành hai đội và cùng chạy. Sợ bạn đau không chạy được, một cháu khỏe nhất trong nhóm cõng bạn và chạy thật nhanh để bên kia không đuổi kịp.

(Theo lời kể của một bà mẹ có con bình thường, xã Gia Canh, Đồng Nai). Hãn hữu cũng có trường hợp bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ đầu chỉ vì các bạn bình thường không thích. Số này thường rơi vào những trẻ chậm phát triển trí tuệ nên không hiểu hiệu lệnh và luật chơi, hoặc có những rối loạn hành vi gây trở ngại trong các trò chơi. Ví dụ một cháu 17 tuổi, xã Phú Vinh, bị chậm phát triển trí tuệ, vẫn đến trường học nhưng các bạn không bao giờ cho em chơi cùng. Vì vậy, em phải ngồi lại lớp một mình trong các giờ ra chơi. Còn một em khác, năm nay hơn 10 tuổi. Em có thể đi lại thoải mái, có điều thỉnh thoảng cứ lao vào nắm tay người đi đường. Em này rất thích chơi bi nhưng chẳng trẻ nào cho chơi cùng. Gia đình đành mua bi về cho em chơi một mình hoặc chơi với người em trai.

Một vài trường hợp ngoại lệ, dù khuyết tật nhẹ không ảnh hưởng đến vận động, song lại bị bạn bè chế giễu nên mặc cảm và không hứng thú gì với các trò chơi như vậy. Ví dụ, em gái 17 tuổi bị tật ở tay trái do bỏng nước sôi, xã Khánh Hòa, An Giang, chỉ vì mặc cảm với cánh tay trông có vẻ nhăn nhúm của mình mà từ chối tất cả các cơ hội giao lưu với bạn bè trong các trò chơi như thế: “Em

chưa từng chơi với các bạn vì em ngại các bạn chê. Thỉnh thoảng có bạn trêu em có làn da xấu xí, em buồn và không muốn chơi với các bạn ấy”.

Bên cạnh những trò chơi dân gian, các cộng đồng địa phương hoặc các trường hòa nhập vẫn chưa có những hoạt động vui chơi, giải trí, giáo dục thể chất phù hợp với các dạng khuyết tật của trẻ. Chính quyền địa phương thỉnh thoảng có phát quà cho trẻ khuyết tật vào những ngày lễ Trung Thu, Tết), chứ hầu như chưa có những hoạt động cộng đồng trong đó trẻ khuyết tật được tham gia cùng những trẻ không khuyết tật. Trường hợp điển hình là xã Gia Canh, tổ chức sinh hoạt hè cho cả trẻ không khuyết tật và trẻ khuyết tật tại các nhà văn hóa ấp, song chưa mang tính đại diện. Các trường hòa nhập, trong khi là môi trường dung hòa cho trẻ khuyết tật và trẻ thường, song lại thiếu các trò chơi hoặc dụng cụ tập cho những trẻ khuyết tật vận động nặng. Môn giáo dục thể chất rơi vào tình cảnh tương tự, khiến nhiều trẻ bị khuyết tật vận động chỉ ngồi nhìn các bạn chạy nhảy, vui chơi trong các giờ thể dục hoặc hoạt động ngoại khóa. Vẫn chưa có hình thức trò chơi nào tỏ ra phù hợp với những trẻ chậm phát triển trí tuệ trong môi trường hòa nhập.

Các trường chuyên biệt lại tỏ ra trội hơn về việc tạo ra môi trường chơi phù hợp với các dạng tật cho trẻ, song lại thiếu cơ hội cho các trẻ hòa nhập với môi trường bên ngoài. Các trò chơi trong môi trường này rất phong phú và hoàn toàn phù hợp với dạng tật và sở thích của trẻ. Song trong các trò chơi ấy vẫn vắng mặt những trẻ không khuyết tật, nên chưa thực sự tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tìm hiểu các bạn không khuyết tật và ngược lại. Ngoài những giờ học chính, trường dạy cho các em các môn năng khiếu như âm nhạc, nữ công gia chánh, hội họa. Nhiều trẻ say mê những môn này và coi đó là cách các em giải trí. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi giao lưu với bên ngoài bằng cách mời các cá nhân, tổ chức, và trẻ từ những trường bình thường, tới dự các buổi giao lưu văn nghệ, các buổi hội chợ trưng bảy sản phẩm của trẻ, hay các buổi phát quà từ thiện cho trẻ khuyết tật. Song hầu hết những buổi như vậy diễn ra trong trường, chứ không phải ngoài cộng đồng. Điều này vô tình cô lập trẻ khuyết tật trong thế giới nhỏ bé của mình, để cho xã hội bên ngoài nhìn vào và xem chúng như những đứa trẻ kỳ lạ:

Một lần chúng tôi dẫn các cháu đi dự đám cưới một thày giáo trong trường. Trong đoàn có cả các cháu khiếm thính không nói được. Trong bữa ăn hôm đó, các cháu nói chuyện với nhau bằng ký hiệu. Cả một tập thể nói chuyện theo cách đó. Những người đi ăn cưới thấy lạ, cứ đứng lại, nhìn chằm chằm, không hiểu gì cả”

Hoạt động giải trí trong các trung tâm bảo trợ xã hội còn rất nghèo nàn ngoại trừ trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật và mồ côi Biên Hòa. Lý do chính là vì các cơ sở này tập trung vào nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ khuyết tật là chính chứ chưa đủ điều kiện quan tâm đến khía cạnh tinh thần và vui chơi của trẻ. Ngoài mấy cái đu quay và mấy quả bóng màu hay những vật dụng tương tự để trẻ có thể nghịch, thì chẳng còn gì để trẻ chơi đùa. Trong khi ấy Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật và mô côi Biên Hòa lại chuẩn bị và tổ chức khá tốt các hoạt động vui chơi, giải trí và phát triển tinh thần cho trẻ ở đây. Khuôn viên và các phòng học được trang hoàng theo cách “môi trường học tập thân thiện”, có treo các sản phẩm của trẻ (như mây tre đan, tranh ảnh…) Ngoài các trò chơi theo dạng tật và khả năng của trẻ (nhảy dây, đá bóng, đu quay…), trẻ còn được học năng khiếu như vẽ tranh, âm nhạc, và phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng trung tâm lại tổ chức dã ngoại và nghỉ hè cho các cháu (tắm biển, múa hát)… Song vẫn thiếu những cơ hội để các cháu thực sự hòa nhập với các cộng đồng bên ngoài (tương tự như các trường chuyên biệt).

Ngoài trò chơi và các buổi giao lưu, trẻ khuyết tật thường xem tivi (nhất là xem phim và các trò chơi truyền hình), đọc báo, nghe đài hay tự làm những việc mà các em thích như vẽ tranh, cắt dán… Hình thái này tương đồng với tất cả dạng tật và trong mọi bối cảnh. Với những em không thể chơi bất cứ trò chơi nào vì tình trạng khuyết tật của mình quá nặng hay do mặc cảm, hoặc bị các bạn không đón nhận, thì những hoạt động như vậy được xem là cách giải trí phù hợp nhất. Ví dụ một bé 14 tuổi, xã Gia Canh, Đồng Nai, nghỉ học từ lớp 2 vì bị động kinh. Sợ em bị nguy hiểm đến tính mạng, gia đình giữ em ở nhà là chủ yếu, ít khi cho em đi sang hàng xóm chơi một mình. Cách giải trí của em là vẽ tranh. Em vẽ tất cả những gì em thích liên quan đến em. Thấy hoặc tưởng tượng ra gì em cũng vẽ. Em đòi mẹ mua bút vẽ và giấy. Mẹ đáp ứng và em vẽ hàng ngày. Có trẻ khuyết tật bị chậm phát triển trí tuệ rất nặng (16 tuổi, xã Gia Canh), đến mức không biết tên mình là gì, chẳng tự phục vụ được, thế mà vẫn thích nghe những bài hát trên đài hoặc tivi. Em không thể nói được nhưng có thể phát âm theo tiếng nhạc và mỗi khi em muốn nghe hát thì lại tới đập tay vào tivi hoặc đài.

Dịch vụ công cộng

Các công trình kiến trúc, hệ thống giao thông, công viên, nhà vệ sinh công, và các khu vui chơi giải trí ở hai tỉnh hầu như chưa quan tâm đến nhu cầu của người khuyết tật. Ở An Giang, gần đây mới có một công viên quan tâm tới khía cạnh này. Công viên này nằm ở trung tâm Long Xuyên. Theo một chuyên viên của phòng bảo trợ xã hội, đây là công trình đầu tiên của tỉnh xây dựng khu vệ sinh có lối đi dành cho người khuyết tật. Cách thiết kế này cũng xuất hiện ở trường trẻ khuyết tật An Giang- cũng ở trung tâm Long Xuyên. Các hành lang của trường đều được lát gạch thô ở giữa để trẻ khiếm thị có thể tự dò đường. Còn ở Đồng Nai, có dịch vụ xe bus miễn phí cho trẻ khuyết tật học ở trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Biên Hòa (trường chuyên biệt). Song các em phải có thẻ xe bus do nhà trường làm giúp. Những trẻ khuyết tật trong cộng đồng và trong các trường hòa nhập chưa hẳn đã tiếp cận được dịch vụ này. Ngoại những ví dụ trên, nhóm nghiên cứu chưa từng nghe hoặc quan sát một công trình nào có những thiết kế dành cho người khuyết tật.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đinh tính về trẻ em khuyết tật tại An Giang và Đồng Nai (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)