Những tác nhân gây sốc hay tạo ra bối cảnh tổn thương của chính sách

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 48 - 53)

V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỐI MẶT TỐT NHẤT VỚI CÁC CÚ SỐC VÀ SỰ THAY ĐỔI LỚN

2. Những tác nhân gây sốc hay tạo ra bối cảnh tổn thương của chính sách

2.1. Bước chuyển đột ngột về điều kiện tự nhiên

Trường hợp này đã từng xảy ra trong quá trình vận động người dân các dân tộc thiểu số đang du canh du cư ở các khu vực núi cao và núi giữa hạ sơn (xuống núi) định cư hoặc trong các chương trình tái định cư bắt buộc để xây dựng các công trình thuỷ điện - thuỷ lợi. Đa số các trường hợp này thường bị điều chuyển đến những vùng đất mới mà ở đó các điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, thuỷ văn, thảm thực vật…) tương đối xa lạ. Trong cuộc sống du canh – du cư hoặc cuộc sống ở những nơi cư trú cũ do chính họ lựa chọn, họ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nhiều tri thức cần thiết để mưu sinh và ổn định cuộc sống. Cũng trong các điều kiện tự nhiên và sinh kế ấy, họ đã thiết lập nên những mạng lưới, tổ chức xã hội và niềm tin tôn giáo bền vững, đủ sức chống lại sự xâm nhập của các yếu tố văn hoá ngoại lai không tương thích. Nhưng khi được chuyển đến những nơi ở mới với các điều kiện tự nhiên xa lạ, các tri thức bản địa cũ rất ít có khả năng vận dụng để thực hiện sinh kế, trong khi các kiến thức mới chưa kịp được tích hợp và họ chưa có đủ thời gian chuẩn bị cần thiết. Họ không biết các đặc tính của đất, khả năng cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt hàng năm, không biết phải trồng loại cây nào cho thích hợp, mùa vụ ra sao… Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, một bộ phân dân tái định cư thuỷ điện Sông Đà đã từ Tây Nguyên hồi cư về quê cũ cũng chính vì lý do đó. Có những cộng đồng trong một thời gian dài vẫn không thể thích ứng được với các điều kiện mới, cuộc sống rất khó khăn, như người Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (xem thêm Mai Thanh Sơn và cộng sự, 2007,

tài liệu đã dẫn).

2.2. Bước chuyển đột ngột về quyền tiếp cận tài nguyên

Một trong những vấn đề nhạy cảm và nóng nhất hiện nay, chính là việc chuyển đổi quyền sở hữu đối với các nguồn tài nguyên tự nhiên. Trước đây, mỗi thôn làng đều có những sở hữu riêng về đất đai, rừng núi, sông suối. Các sở hữu đó không chỉ được các thôn làng khác tôn trọng mà còn được nhà nước thừa nhận. Trong khu vực thuộc quyền sở hữu của mình, người dân trong các thôn làng được toàn quyền khai thác các nguồn tài nguyên (đất đai, thực vật và động vật). Từ khi có những chính sách mới về đất đai, nhất là từ sau khi Luật đất đai được ban hành lần đầu (1987), tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đều được đặt dưới quyền quản lý của nhà nước. Quyền quản lý tài nguyên của các thôn làng bị thu hẹp, người dân không còn được tự do khai thác các nguồn tài nguyên cơ bản để thực hiện các sinh kế của mình nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất chưa kịp chuyển đổi theo hướng chuyên canh, thâm canh, các sinh kế còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, người dân không khỏi bối rối.

Bên cạnh đó, đã nảy sinh những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực tự nhiên. Chính sách giao khoán quản lý và bảo vệ rừng được đánh giá là một trong những biện pháp tích cực và hiệu quả nhằm giảm thiểu nạn xâm hại các diện tích che

phủ. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, với cách thức thực hiện thiếu sự giám sát chặt chẽ và sự tham gia của người dân còn hạn chế, nó lại thể hiện những tiêu cực nhất định. Ví dụ: Khi giao rừng cho dân quản lý, không phải tất cả các thành viên trong thôn làng đều được nhận mà chỉ có một số ít gia đình được giao mà thôi. Như vậy số ít gia đình này vừa có nhiều quyền hạn hơn trong việc tiếp cận các khu rừng mà mình được giao, vừa có thêm thu nhập bằng tiền mặt từ nhà nước. Thông qua việc tạo nên sự bất bình đẳng trong lợi ích và khả năng tiếp cận tài nguyên rừng, nó sẽ tạo nên những khoảng cách giữa các thành viên trong cộng đồng. Một nghiên cứu mới đây tại xã Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho thấy, chỉ có 13 hộ gia đình trong tổng số 147 hộ dân của thôn Ma Lâm được giao khoán quản bảo vệ rừng. Điều đó đã gây nên sự bất bình trong số các hộ dân còn lại của thôn làng (xem Mai Thanh Sơn và cộng sự, tài liệu đã dẫn - 2007).

Ở một khía cạnh khác, còn thấy có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Thông thường, khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, chính quyền chỉ ghi tên người đàn ông với tư cách là chủ hộ. Điều này đã tạo nên một thông lệ xấu, khiến cho người phụ nữ cảm thấy dường như không có quyền đối với sở hữu gia đình. Trong bối cảnh các xã hội mẫu hệ, thông lệ đó còn có thể dẫn đến những xung đột không đáng có. Ví dụ, đối với các dân tộc mẫu hệ, sau ngày cưới, người đàn ông thường về ở trên đất nhà vợ. Theo truyền thống, nếu người vợ chết, mảnh đất ấy phải được trả lại cho gia tộc bên vợ. Nhưng nếu giấy chứng nhận sở hữu đất đứng tên người chồng, gia đình người vợ sẽ không còn quyền kế thừa nữa. Thực tế cho thấy, đã có những mâu thuẫn phát sinh từ nguyên nhân này (xem Mai Thanh Sơn và cộng sự, tài liệu đã dẫn - 2007).

2.3. Bước chuyển đột ngột trong cơ cấu kinh tế và phương thức canh tác

Nền kinh tế của đa số dân tộc thiểu số ở Việt Nam là khép kín, tự cung tự cấp và lệ thuộc dựa nhiều vào tự nhiên. Những miêu tả dân tộc học cho thấy, trong điều kiện kỹ thuật còn thô sơ, các tri thức bản địa luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thu nhập từ sản xuất. Mặc dù vậy, các sản phẩm của nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và thủ công nghiệp gia đình chưa bao giờ có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của cuộc sống ở phần lớn các dân tộc. Khai thác các sản phẩm sẵn có của tự nhiên luôn là một trong những nguồn thu quan trọng để ổn định cuộc sống. Đó là những cơ cấu kinh tế luôn bám sát vào tự nhiên, vào kinh nghiệm và khả năng tự điều chỉnh của cộng đồng. Các chủ trương chính sách của nhà nước trong mấy chục năm qua đã và đang tác động đến tận gốc rễ của cơ cấu kinh tế này, nhằm đưa chúng ra khỏi tình trạng khép kín, tăng năng lực sản xuất và hạn chế vai trò của tước đoạt tự nhiên. Quá trình này diễn ra với nhiều biện pháp đồng bộ: Tổ chức lại sản xuất, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ khuyến nông, đầu tư kỹ thuật… Tuy nhiên, do điều kiện về trình độ dân trí, thị trường, thói quen lâu đời… không phải bao giờ những nỗ lực của nhà nước cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. Mặt khác, do ở một số địa phương, công tác chuẩn bị chưa được thực hiện chu đáo, người dân thiếu thông tin, nên nhận thức của họ không theo kịp diễn biến của tình hình.

Ở khía cạnh thứ hai, các tập quán canh tác cũ đã được hình thành từ rất lâu đời, việc thay đổi không thể chỉ bằng các văn bản chủ trương, chính sách. Nó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về nhận thức, tri thức và cả về vật chất cho người dân. Thậm chí, ngay cả các cán bộ làm công tác quản lý kinh tế - xã hội và điều hành các dự án phát triển cũng cần có những nhận thức đúng đắn về một số vấn đề liên quan đến các hệ thống hay phương thức canh tác của người dân. Đơn cử một ví dụ: Du canh nương rẫy là phương thức canh tác của nhiều dân tộc thiểu số đang phân bố ở miền núi và cao nguyên từ Bắc vào Nam. Theo phân tích của các nhà nông học, hình thức canh tác này

cho năng suất cây trồng tương đối cao, nếu xét thuần tuý về hiệu quả kinh tế, có tính đến đầu vào và đầu ra. Trong điều kiện mật độ dân cư thấp, du canh không hẳn đã là tác nhân của hiện tượng suy giảm tài nguyên rừng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong thực tế, chỉ có rất ít dân tộc hay nhóm địa phương du canh theo kiểu “một đi không trở lại”, nghĩa là sau khi chuyển địa điểm canh tác họ không bao giờ quay lại làm ở những mảnh nương cũ. Điển hình cho kiểu canh tác này có một bộ phận người Hmông và người La Hủ đang sinh sống ở Tây Bắc Việt Nam. Đa số các dân tộc thiểu số khác đều du canh luân khoảnh theo mô hình du canh - du cư theo chu trình khép kín hoặc định cư nhưng du canh. Người Mường và các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái tuy định cư ở các thung lũng chân núi nhưng vẫn làm nương rấy du canh để tăng thêm thu nhập. Với phương thức canh tác này, người dân hầu như không sử dụng các loại phân bón. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết - sử dụng đất, chống xói mòn - rửa trôi và đảm bảo độ phì cho đất. Cây gậy chọc lỗ tuy bị đánh giá là loại công cụ thô sơ nhưng trong chừng mực nào đó, lại có tác dụng tích cực trong việc chống xói mòn - rửa trôi trên môi trường đất dốc (Lê Trọng Cúc, tài liệu đã dẫn và Đào Thế Tuấn: “Hệ sinh thái nông nghiệp” -1984). Một số giống cây trồng cũng có tác dụng nhất định trong việc giữ độ ẩm, chống rửa trôi hoặc tăng thêm độ phì cho đất.

Từ chỗ đang quen thuộc với phương thức mưu sinh cũ, với cây gậy chọc lỗ, con dao phát và chiếc cuốc bướm, phải chuyển sang các phương thức canh tác mới với những công cụ sản xuất xa lạ không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đó là chưa kể việc đưa các giống cây trồng mới, vật nuôi mới vào cũng không phải lúc nào cũng được người dân nhận biết và nắm bắt kỹ thuật nhanh chóng.

2.4. Bước chuyển đột ngột về lối sống

Các thôn làng của người dân tộc thiểu số xưa được hình thành ít nhiều mang tính tự phát. Nếp sống của mỗi thôn làng được duy trì dựa trên sự thoả thuận, hợp tác giữa các thành viên trong công xã. Ý chí, kết quả của sự thỏa thuận đó được thể hiện tập trung trong các bộ luật bất thành văn vẫn được gọi chung là “luật tục”. Không có bất kỳ một quy hoạch nào trong các thôn làng truyền thống của người dân tộc thiểu số, nhưng không vì vậy người ta có thể phản đối tính bất hợp lý trong sinh kế cũng như trật tự vậnhành xã hội của họ. Đơn giản vì người dân có những tiêu chí riêng để đánh giá về tính hợp lý đối với xã hội của mình.

Ở trên, chúng tôi đã đề cập đến việc du canh nương rẫy và coi đó như một trong những phương thức mưu sinh còn đang gây tranh cãi trong cách đánh giá giữa các nhà khoa học về tác động của nó đối với môi trường sinh thái. Trong phần này, chúng tôi muốn đề cập đến nó như một cơ sở xã hội. Không thể phủ nhận một thực tế là du canh nương rẫy là một phương thức canh tác để từ đó hình thành một lối sống, một phương thức sống. Từ trước đến nay, người ta vẫn quan niệm rằng, phương thức sống đó không ổn định. Nhưng trên thực tế, chính từ lối sống này, nhiều cấu trúc xã hội bền vững đã được hình thành. Việc can thiệp vào lối sống đó mặc nhiên sẽ phá vỡ các cấu trúc xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số. Kinh nghiệm này đã được đúc rút trong quá trình vận động định canh - định cư ở miền Bắc từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX nhưng cho đến nay không phải ở đâu người ta cũng áp dụng vào việc phân tích xã hội như một bài học.

Tương ứng với phương thức sống du canh - du cư là sự phân bố phân tán trên diện rộng của các thôn làng dân tộc thiểu số. Giữa khu vực cư trú và khu vực mà ở đó người dân thực hiện các sinh kế của mình hầu như không có ranh giới. Việc thực hiện sinh kế của các gia đình trong thôn làng, của các thôn làng trong một địa phương, một

khu vực hầu như không hề ảnh hưởng đến nhau. Với các cuộc vận động hạ sơn hay các chủ trương tái định cư bắt buộc, các thôn làng cổ truyền gần như đã bị phá vỡ về cơ cấu và từ trên cơ sở của các mảnh vỡ đó, đã hình thành nên các thôn làng mới không theo mong muốn, thói quen và tập quán mưu sinh của người dân. Trong nghiên cứu mới đây tại các điểm tái định cư của người Cơ Tu tại xã Mà Coiih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những người dân tỏ ra lúng túng trong các hoạt động ở trong chính ngôi nhà của mình. Tất cả đối với họ đều xa lạ. Một số tác giả cũng đã đề cập đến tình hình này ở các khu vực tái định cư khác và cho rằng “ Việc chia lô đất xây dựng nhà ở khu tái định cư theo kiểu ô bàn cờ, nhà bám mặt đường như khu đô thị không phù hợp với phong tục tập quán của người dân tộc...” (Trần Anh Cao: Quy hoạch di dân tái định cư - còn nhiều bất cập, Vnexpress ngày 16/3/2006).

2.5. Bước chuyển đột ngột trong cơ chế quản lý xã hội

Với 54 dân tộc, Việt Nam có sự đa dạng rất lớn về các hình thái thể chế, kinh tế - xã hội và văn hoá của các cộng đồng. Đối với đa số các dân tộc thiểu số, tổ chức xã hội truyền thống cao nhất là buôn, sóc, bản, làng (gọi chung là thôn làng). Trong các đơn vị ấy, các dạng tổ chức địa phương nảy sinh từ việc phụ thuộc lẫn nhau của các gia đình và yêu cầu cần hợp tác để mưu sinh. Cũng từ đó đã hình thành nên các mối quan hệ cộng đồng về tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng. Về hành chính, các thôn làng truyền thống dựa trên cơ sở của bộ máy tự quản được hình thành do dân cử với các tiêu chí quan trọng nhất là tuổi tác, kinh nghiệm và uy tín (có tác giả phân chia thành các nhóm quyền lực, bao gồm nhóm cố vấn - chủ yếu là các già làng, nhóm lập pháp - những người đứng đầu họ tộc, những người tham gia quân đội đã nghỉ hưu có kinh nghiệm và địa vị xã hội hoặc những người có khả năng mua các vị trí quyền lực và nhóm hành pháp là các trưởng thôn do dân làng bầu hoặc tin tưởng giao phó (xem: Tô Đông Hải - 2001). Các luật tục kiểm soát phong tục và các mối quan hệ xã hội đồng thời qui định các hành vi ứng xử của con người với tự nhiên và môi trường cũng như đặt ra lịch trình về thời vụ nông nghiệp gắn với chu kỳ sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Trong trường hợp xảy ra thiên tai hay nạn ngoại xâm, nó huy động sức mạnh tập thể để đối phó. Đó là dạng tổ chức xã hội tự quản, ít có sự can thiệp từ bên ngoài (tổ chức nhà nước, liên làng, siêu làng).

Đánh giá về cơ cấu tổ chức xã hội dạng này, các nhà khoa học nhận định: Một mặt ‘có thể nói rằng sự gắn kết mạnh mẽ trong cộng đồng thôn làng là một yếu tố cấu thành quan trọng tạo dựng sự bền vững của xã hội ở Việt Nam”, nhưng mặt khác, nó cũng lại thể hiện là một trong những yếu điểm lớn nhất do ‘sự cát cứ, kiến ấp, chia cắt và cuối cùng là địa phương chủ nghĩa. Nhược điểm này, nếu để phó mặc phát triển tự nhiên thiếu kiểm soát, sẽ cản trở sự phát triển của quốc gia ở qui mô thống nhất …”

Trong lịch sử, giữa nhà nước và thôn làng đã luôn tồn tại những mối quan hệ ít nhiều

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w