Nhu cầu cải cách quy trình dân chủ cơ sở và cách thức tiến hành

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 45 - 46)

IV. VẤN ĐỀ DÂN CHỦ CƠ SỞ VÀ TĂNG CƯỜNG TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH

2.Nhu cầu cải cách quy trình dân chủ cơ sở và cách thức tiến hành

Những lời phàn nàn của cán bộ cấp cơ sở về việc triển khai Quy chế Dân chủ cơ sở như là một hình thức làm nặng thêm các công việc của họ cũng như việc họ không hiểu rõ ràng thấu đáo về dân chủ cơ sở cùng với việc thực hiện DCCS mang nặng tính hình thức như hiện nay ở khắp nơi trên cả nước và đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số đã cho thấy cần thiết phải có những cải cách về việc triển khai quy trình thực hiện quy chế DCCS.

Nhận định về kết quả của 5 năm triển khai chương trình dân chủ cơ sở, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí rằng người dân mới chỉ tham gia vào thực hiện dân chủ thông qua bầu trưởng thôn, bầu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu quốc hội. Các rào cản cho việc tham gia của người dân vào các công việc của các cấp chính quyền còn hạn chế và qua thực tế cho thấy để cải thiện tình hình này cần thiết phải thực hiện hơn nữa sự phân cấp xuống cho cấp xã. Việc không chủ động được ngân sách xã và các kế hoạch thì việc huy động người dân tham gia vào quá trình ra quyết định cũng là vấn đề khó khăn đối với chính quyền xã.

Việc cải cách quy trình dân chủ chỉ có thể thực hiện được với sự tham gia sâu rộng của người dân khi chúng ta lật ngược lại quy trình - đó là kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của một xã phải được xây dựng tại cấp xã chứ không phải là kế hoạch áp đặt từ trên xuống. Và để thực hiện Dân chủ cơ sở, trên thực tế có hàng loạt các chính sách liên quan cũng như có rất nhiều các bên tham gia. Không chỉ có mối quan hệ giữa người dân trong một xã với cán bộ cấp cơ sở tại xã và ngược lại. Việc thực hiện dân chủ cơ sở phải được tiến hành đồng bộ giữa các cấp chính quyền, người dân với cán bộ và các tổ chức xã hội. Một bức tranh không mấy khả quan khi năng lực cán bộ yếu, lực lượng thiếu, ngân sách hạn hẹp. Còn người dân với các rào cản về trình độ văn hóa, việc thiếu thông tin và cả thái độ tự ty, chán nản đã là những nhân tố không mấy tích cực cho sự tham gia của họ vào việc thực hiện dân chủ cơ sở. Muốn cải cách quá trình dân chủ cơ sở, không thể không bắt đầ từ việc khắc phục các tình trạng đó.

Trong các nhóm dân tộc thiểu số, quan hệ họ hàng thân tộc, láng giềng gắn bó từ lâu đời cũng đem đến cho họ những sự hỗ trợ nhất định, nhất là trong việc giải quyết các khó khăn trước mắt. Nhưng trong quá trình tham gia và ra quyết định, ảnh hưởng của quan hệ họ hàng nhiều khi có những tác động tiêu cực đến việc điều hành của cán bộ xã. Các nghiên cứu đánh giá cho biết, khi được hỏi về vấn đề này, hầu như người dân đều né tránh không đề cập đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong quá trình cải cách quy trình dân chủ cơ sở, chúng ta không đề cập đến việc khắc phục tình trạng này.

Trong các xã ngoài chính quyền địa phương có hàng loạt các hội đoàn thể khác mà về nguyên tắc là có tính độc lập với chính quyền. Mỗi hội có tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng của riêng mình và có nhiệm vụ động việc người dân nhất là các hội viên của minh tham gia vào các công việc mà chính quyền đề ra. Ngoài ra họ còn có chức năng phản biện cho chính quyền. Và như vậy, ngoài thiết chế chính thức là chính quyền địa phương thì việc tham gia của các thiết chế phi chính thức khác là vô cùng quan trọng. Vì thế, việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hội đoàn là một trong những nhu cầu cấp bách.

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 45 - 46)