Quan niệm về sốc và bối cảnh bị tổn thương

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 46 - 48)

V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỐI MẶT TỐT NHẤT VỚI CÁC CÚ SỐC VÀ SỰ THAY ĐỔI LỚN

1.Quan niệm về sốc và bối cảnh bị tổn thương

Trong Khung phân tích sinh kế bền vững vẫn được sử dụng khi thiết kế các dự án phát triển, một trong những yếu tố có khả năng tác động đến chiến lược hay kế hoạch mưu sinh luôn được nhấn mạnh, chính là bối cảnh bị tổn thương và những cú sốc. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy trong tất cả các chương trình, chính sách, dự án (chính phủ và phi chính phủ) đã được thực hiện, việc phân tích bối cảnh bị tổn thương hay ảnh hưởng của các cú sốc chưa thật sự rõ nét và chỉ nhấn mạnh đến các tác động của tự nhiên chứ chưa đề cập nhiều đến tác nhân gây sốc từ các chủ trương, chính sách hay sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện xã hội khác. Mặt khác, khi đề cập đến các tác động của những yếu tố mang bản chất của sốc, phần nhiều những nghiên cứu, đánh giá chỉ thiên về sự ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Trong khi đó, trên thực tế, các yếu tố này bao giờ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các khía cạnh cuộc sống của mỗi cộng đồng: Đời sống kinh tế, vật chất, mạng lưới xã hội, hành vi văn hoá, tâm lý, thói quen, v.v… Những đánh giá dự án tiền khả thi hay đánh giá tình hình nghèo đói chỉ thiên về phân tích các nguyên nhân liên quan đến điều kiện tự nhiên, năng lực lao động, bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý xã hội chứ chưa chỉ ra được các đặc trưng tâm lý tộc người cũng như các trạng thái cảm xúc của họ trước các tác động của chủ trương, chính sách hay dự án (Điều này có thể nhận thấy rất rõ trong các báo cáo PPA mà các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ thực hiện trong những năm 1999- 2004). Nghiên cứu của chúng tôi ở nhiều địa phương cho thấy, diễn biến thực tế của nhiều cộng đồng phức tạp hơn nhiều những gì đã được mô tả. Và một trong nhiều vấn đề mà chúng tôi nhận ra, đó là trạng thái choáng ngợp trước các diễn biến quá nhanh của thực tế do các chủ trương, chính sách mang lại. Vì thế, một trong những vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đó chính là ảnh hưởng của các chủ chương, chính sách

tới trạng thái tâm lý cộng đồng mang bản chất của sốc. Để làm được điều này, trước hết cần minh định và thống nhất về khái niệm “sốc” hay khái niệm “bối cảnh bị tổn thương”.

Tất nhiên, ảnh hưởng của một trận động đất, một cơn bão có sức công phá lớn, một trận lũ… sẽ tạo nên những cú sốc. Việc giảm thiểu diện tích rừng tự nhiên, mức độ đe doạ tuyệt chủng của một số loài động vật quý hiếm hay sự tổn thương của tầng ôzôn sẽ tạo nên những bối cảnh bị tổn thương trực tiếp hay gián tiếp đến sinh kế của người dân. Nhưng ai trong số chúng ta có thể khẳng định rằng, việc triển khai một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước lại không tạo nên những hiệu ứng mang bản chất của sốc hay tạo ra một bối cảnh bị tổn thương?

Khái niệm “Sốc”, không phải dưới góc độ sinh học mà dưới góc độ kinh tế - văn hoá - xã hội, hiện nay thường được dùng để chỉ trạng thái lo lắng, bất an, rối loạn, bối rối, mất phương hướng của một cá nhân hay cộng đồng trước các tác động của tự nhiên (động đất, thiên tai, bão lũ…) hay do con người gây ra (chiến tranh, sự xâm lăng, sự áp đặt văn hoá - lối sống… của quốc gia này đối với quốc gia khác, cộng đồng này lên cộng đồng khác, cá nhân này lên cá nhân khác). Khái niệm "Sốc văn hóa" được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà nhân học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973). Khi đó, "Sốc văn hóa" là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối... khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường xã hội hay văn hóa khác biệt. Nó gây ra tình trạng khó hòa nhập trong môi trường mới và không biết nên làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh. Theo thời gian, khái niệm “Sốc” ngày càng được dùng nhiều, không chỉ để mô tả trạng thái cá nhân mà còn cho cả các cộng đồng và nội hàm của nó cũng được mở rộng hơn.

Cho đến trước ngày giải phóng (năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam), nền kinh tế của đa số các dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn còn trong tình trạng khép kín, tự cung tự cấp và lệ thuộc nhiều vào tự nhiên; xã hội của họ vận hành chủ yếu dựa vào các thiết chế tự quản với vai trò điều hành của một bộ máy do dân bầu và những luật tục được để lại từ nhiều đời. Từ khi chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập, nhiều chủ trương chính sách đã được thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho người dân làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, xóa bỏ giai cấp, xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo… Nhờ những chủ trương, chính sách này, cuộc sống của người dân các dân tộc thiểu số đã được cải thiện về căn bản. Đó là thành tựu không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, cũng chính việc thực hiện các chủ trương, chính sách về mặt nào đó cũng là tác nhân gây sốc (toàn diện hoặc cục bộ). Ở nhiều nơi, người dân đã không thể bắt nhịp cùng với sự thay đổi và choáng ngợp trước những yếu tố mới được đưa đến nhưng không có hoặc thiếu sự chuẩn bị chu đáo về tri thức, tâm lý và tinh thần. Có rất nhiều trường hợp có thể lấy làm dẫn chứng cho nhận định này: Các cuộc vận động xuống núi định canh định cư, các dự án tái định cư phục vụ cho các công trình thuỷ điện - thuỷ lợi, các chủ trương về thay đổi quyền sở hữu đối với các nguồn tài nguyên đất và rừng, sự thay đổi về thể chế và quá trình cơ cấu lại tổ chức xã hội, v.v… Nhận xét về việc di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, TS. Lê Trần Chấn viết: “Sự hình thành hồ chứa đã buộc một bộ phận dân cư phải rời bỏ quê hương, làng bản, mồ mả tổ tiên đến nơi mới gần như hoàn toàn xa lạ. Sự phân chia dòng họ, sắc tộc, là điều khó tránh khỏi. Không loại trừ khả năng phải thay đổi phương thức sản xuất, tập tục truyền thống, đời sống tâm linh đã được hình thành, phát triển và tồn tại qua nhiều thế hệ. Hoàn toàn đúng khi cho rằng, những người dân ở vùng lòng hồ phải

làm lại cuộc đời sau khi di chuyển” (Nguồn: Di dân tái định cư công trình thuỷ điện Sơn La - một số vấn đề cần quan tâm, tạp chí Khoa học online, số 6-2003). Rõ ràng là đối với cuộc sống của những người dân thuộc diện phải di rời ở đây có những biểu hiện của những tác nhân gây sốc hay bối cảnh bị tổn thương. Dưới đây, chúng tôi xin phân tích một số khía cạnh liên quan đến những hiệu ứng mang bản chất của sốc do các chủ trương, chính sách xã hội mang lại.

Một phần của tài liệu DỰ ÁN BƯỚC ĐẦU TỔNG KẾT CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ TÌM KIẾM CÁC CƠ CHẾ NHẰM NÂNG CAO TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH (Trang 46 - 48)