IV. VẤN ĐỀ DÂN CHỦ CƠ SỞ VÀ TĂNG CƯỜNG TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH
1.2. Thực trạng của quá trình thực hiện DCC Sở vùng các dân tộc thiểu số
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách Dân chủ cơ sở thực sự là việc làm rất khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo các báo cáo, ở những cộng đồng dân tộc thiểu số, các chỉ số phát triển đã ngày càng được nâng cao. Chính phủ Việt Nam có những chính sách khuyến khích sự tham gia của các dân tộc thiểu số vào quá trình ra quyết định. Số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia vào các cấp chính quyền tính tại cấp tỉnh là 17% và cấp huyện là 19% (Báo cáo Nghèo WB 2003). Trong một số địa bàn số liệu này còn cao hơn rất nhiều. Việc triển khai Quy chế Dân chủ cơ sở đã được thực hiện rộng khắp trên các địa phương trong cả nước. Tính đến
năm 2000, 17% số xã, phường, thị trấn chưa triển khai được quy chế này là những khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc triển khai hàng loạt các chương trình, dự án thuộc các nguồn vốn khác nhau đã như là những nhân tố thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Việc phân cấp, tăng cường năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã và thôn trong quá trình triển khai dự án đã tạo ra các cơ hội cho người dân tham gia tích cực vào chương trình. Song song với quá trình này, các yêu cầu áp dụng các phương pháp nghiên cứu, tham vấn của các bên tài trợ cùng với việc triển khai Quy chế Dân chủ cơ sở một cách sâu rộng đã tạo nên những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, đối với một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa trừu tượng, những con số cụ thể không nói lên được hết ý nghĩa. Chính vì thế, trong những năm qua, đã có một số tác giả chuyên tâm cho việc nghiên cứu về vấn đề này và đưa ra những số liệu thống kê đầy đủ; nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng, không thể dựa vào các số liệu đó để có thể đưa ra những nhận xét chính xác về chất lượng. Những nhận xét chung nhất được đưa ra là: Việc ban hành Quy chế Dân chủ cơ sở đã góp phần nâng cao vị thế của người dân và giúp họ được trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển. Dù vậy, không có bất cứ một tài liệu nào trả lời được cho câu hỏi: “Vị thế” ấy như thế nào và đã đáp ứng được nhu cấu phát triển bền vững chưa?
Theo Hoàng Chí Bảo sau 3 năm triển khai quy chế Dân chủ cơ sở, đến năm 2000 đã triển khai việc thực hiện trên 83% số xã phường, thị trấn và đã đạt được những kết quả khả quan. Việc hiểu biết và được thông tin về quy chế lên đến 97% số hộ gia đình nắm được quy chế DCCS. “Trong 14 việc mà quy chế quy định dân được biết thì đã thực hiện được 8-10 việc; Trong 6 việc mà Quy chế quy định dân được bàn và quyết định trực tiếp thì thực hiện được 4 việc; Trong 8 việc mà Quy chế quy định dân được bàn, tham gia góp ý để HĐND quyết và UBND thi hành thì đã thực hiện được 4 việc; Trong 10 việc mà Quy chế quy định dân được giám sát kiểm tra thì thực hiện được 7 việc.” Đây mới chỉ là những số lượng công việc đã thực hiện được mà chưa thể có nhận xét được chính xác về chất lượng. (Hoàng Chí Bảo, 2000: Tác động của quy chế dân chủ ở cơ sở đối với việc thực hiện xóa đói giảm nghèo ở nông thôn từ góc nhìn đánh giá chính sách - Kỷ yếu hội thảo Việc đánh giá chính sách và hoạch định chính sách giảm nghèo).