Nếu như phông tiếp nhận là những nhân tố khách quan quy định và ảnh hưởng tới quá trình dịch tác phẩm của dịch giả, thì tầm đón nhận của dịch giả chính là những nhân tố chủ quan ảnh hưởng tới việc dịch. Như đã đề cập, mĩ học tiếp nhận hiện đại cho rằng: “Chủ thể tiếp nhận không bao giờ là tờ giấy trắng. Người đọc luôn có những hiểu biết về các chuẩn mực và quy tắc của thể loại cũng như về các tác phẩm văn học khác. Người đọc có khả năng đối chiếu hư cấu và hiện thực các thi pháp bên trong tác phẩm và
chức năng thực tiễn của ngôn ngữ”[; 150]. Trương Đăng Dung cũng đã nhận xét rằng: “Ấn tượng thẩm mĩ xâm nhập vào tầm đón đợi của người đọc, can thiệp đến cái nhìn thế giới và thái độ sống của anh ta. Qua việc đọc mà người đọc buộc phải có sự đánh giá những kinh nghiệm sống và định kiến của mình, tức là buộc phải có kiểu nhận xét mới về các sự việc”[; 154]; và “tác phẩm văn học mang tính đối thoại giống như một bảng tổng phổ, cứ mỗi lần đọc chúng ta lại nghe những tiếng vang mới hơn”[; 150]. Theo H. R. Jauss thì tầm chờ đợi của tác phẩm là bình ổn khác với tầm chờ đợi của người tiếp nhận vốn luôn biến đổi, có thể chuyển dạng. Iser cũng cho rằng: “Tác phẩm văn học có giá trị thường xúc phạm cái nhìn và chuẩn mực đánh giá của người đọc, hướng người đọc tiếp cận những mã mới của sự hiểu. và người đọc tự do cụ thể hóa tác phẩm theo nhiều cách khác nhau, không có sự giải thích văn bản duy nhất đúng”[; 156]. Như vậy, đối với mỗi độc giả khác nhau thì việc tiếp nhận tác phẩm cũng khác nhau tùy thuộc vào vốn hiểu biết và những kinh nghiệm sống của họ.
Đối với các dịch giả dịch thơ Đường tầm đón nhận tác phẩm thể hiện trước hết ở niềm say mê, hứng thú thưởng thức cái “vị Đường”. Tiếp đến là sự am hiểu, thông tuệ Hán học, có tầm hiểu biết sâu rộng về văn hóa, văn học trung Quốc, nắm vững ngôn ngữ tiếng Việt và có phong cách của một người nghệ sĩ sáng tạo. Thực tế mỗi một dịch giả dịch thơ Đường đều thể hiện cái năng lực và vốn hiểu biết của mình trên văn bản dịch.
Tùng vân Nguyễn Đôn Phục là người tiên phong trong phong trào dịch và giới thiệu thơ Đường trên Nam Phong tạp chí. Vốn là một cựu nho học, ông thể hiện rất rõ ý thức dịch thuật để bảo tồn và giới thiệu cổ học cho lớp tân học không thạo Hán học. Ông đã chọn dịch các tác phẩm thơ Đường theo từng thể thơ và giữ theo nguyên điệu. Nhiều bản dịch của Tùng Vân theo lối giới thiệu và bảo tồn thể cách rất đặc sắc, vừa lột tả được cái thần của nguyên tác, vừa có cách diễn đạt rất phù hợp với cách cảm của người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những bản dịch nhằm bảo tồn thể điệu mà không tránh khỏi những trường hợp gò bó, gượng ép.
Tản Đà là một nhà thơ và một dịch giả thơ Đường xuất sắc nhất của những thập niên đầu thế kỉ XX. Trần Thanh Đạm đã từng nhận xét: “Trong việc khơi nguồn để đưa hồn thơ Đường tái sinh vào thơ Việt, thi sĩ Tản Đà là một trong những người có công phu và công lao vào loại bậc nhất”[;214]. Ông quan niệm: “Trong việc dịch đến chỗ nào khó mà thường là chỗ hay của nguyên văn, thời phải dùng sức hơn, khi đó phải dùng cách tưởng tượng”[; ]. Là một nhà thơ lãng mạn nên khi dịch ông thường chọn những thi phẩm thiên về đề tài tình yêu, tình cảm vợ chồng đôi lứa mang đậm chất trữ tình sâu lắng có nội dung nhẹ nhàng, sâu sắc, giàu hình ảnh. Khi dịch ông không câu nệ nhiều vào việc chữ nghĩa, điển tích, điển cố mà chủ yếu ông dùng cái tâm, cái cảm thổi hồn mình vào đó để lột tả hết cái hay,cái thâm thúy sâu sắc của thơ Đường. Một trong những thành công lớn nhất khi dịch là ông đã Việt hóa hồn thơ Đường bằng thể lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc, giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm, giản dị, tinh tế. “Rõ ràng có những bài dịch thơ Đường của Tản Đà đọc lên không còn thấy chút bóng dáng nào của nguyên tác, mà cứ tưởng như đọc một bài ca dao, một khúc ngâm và một đoạn trữ tình của thơ Việt Nam”[; 5].
Ngô Tất Tố là một nhà văn có tài về nhiều mặt trong đó có dịch thuật. Ông chọn dịch thơ Đường là vì: “Hán học đã tàn, tài lệu của việc khảo cứu đã sắp mai một”[;8]. Nếu đem so sánh với Tản Đà là một thi sĩ nên các bài dịch của ông có phần sáng tạo, tài hoa của một nhà thơ. Còn Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà khảo cứu nên các bản dịch khá trung thành với nguyên tác. Tuy nhiên không phải vì thế mà thơ ông không hay vì bản dịch của ông là những bản dịch công phu, phần lớn là những bản dịch mang tính hiện thực cao. Đánh giá về ông trong cuốn “Ngô Tất Tố” - NXB văn hóa Hà Nội, năm 1962 có viết: “Trong cuốn Đường thi của ông phần nhiều là những bài thơ hay tiêu biểu cho thơ ca thời Thịnh Đường, có nhiều bài dịch đạt. Ở nước ta có nhiều người dịch thơ Đường, Ngô Tất Tố là một dịch giả có công phu và nghệ thuật”.
Trần Trọng Kim không phải là nhà thơ mà một nhà giáo dục, một nhà chính trị. Thơ dịch của ông thoát ý, chuyển tải được nội dung, sát nghĩa
nhưng không tài hoa và không có những bài xuất sắc, chúng đều đều ngang nhau. Có thể khẳng định ông là một dịch giả tận tụy. Cuốn Đường thi được ông dịch trong hoàn cảnh đặc biệt bị lưu đày sang đảo Chiêu Nam nên các bản thơ dịch thấm đẫm tâm trạng cá nhân. Ông thường chọn dịch những bài thơ về lòng hoài cảm, nỗi xót thương, sự chia li và thiên nhiên đơn lẻ buồn tẻ, một nỗi buồn man mác thấm đượm trong thơ ông.
Tương Như là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Vốn là một người am hiểu sâu sắc thơ cổ Trung Quốc nhưng thơ Pháp đã giúp ông thoát khỏi sự gò bó của luật thơ chuyên chế đời Đường để hướng tới vần thơ rộng rãi của phong thơ mới. Khi làm thơ cũng như khi dịch ông thường chú trọng đến nhạc điệu, vần điệu và ý tưởng .
Khương Hữu Dụng là một nhà thơ tên tuổi cũng là một dịch giả tên tuổi của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong cuốn Khương Hữu Dụng – một đời thơ của NXb Đà Nẵng, năm 2006 có nhận xét: “Nếu suốt đời ông đã làm thơ như một ám ảnh thì cũng có thể nói suốt đời ông đã dịch thơ như một ám ảnh”. Ông dịch thơ đến độ say mê như một ám ảnh, chẳng khác nào ông say mê sáng tác thơ. Thúy Toàn nhận xét: “Ông dịch thơ như tiến hành một cuộc trò chuyện không dứt với những tâm hồn đồng điệu, chứ không phải là chuyện ngẫu hứng hay chuyện không có việc gì làm thì lấy đó để lấp vào chỗ trống thời gian”[; 5]. Từ những năm ba mươi của thế kỉ trước ông đã tìm dịch những nhà thơ cổ điển Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên…coi là những người bạn tâm tình để giãi bày tâm sự của mình. Và ông đã quan niệm “dịch là đối thoại”. Có người đã nói rằng ông là người rất cầu kì trong từng con chữ, chẳng vì thế mà ông không bằng lòng với các bản dịch của nguười đi trước, mặc dù thừa nhận những bản dịch ấy là hay, nhưng có chỗ chưa thật đạt và ông lại cất công đi dịch lại.
Đỗ bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản là những cựu nho học uyên thâm. Cũng xuất phát từ lòng yêu mến thơ Đường, hai cụ cựu học đã bỏ ra bốn năm trời để dịch. Trong bản dịch chúng ta thấy hai cụ đã thể hiện rõ lối chơi tao nhã của người xưa. Và cũng như nhiều dịch giả khác dịch thơ Đường,
hai cụ muốn giãi bày tâm tình của mình ở trong đó. Các bản dịch rất chi tiết và công phu.
Trần Trọng San cũng là một nhà cựu nho uyên thâm, là cử nhân văn khoa. Vì thế mà các bản dịch thơ được kê cứu rất chi tiết, công phu. Không chỉ có vậy bản dịch thơ có rất nhiều bài hay và các bản dịch nghĩa được đánh giá là bài nào cũng hay cả. Lời thơ bay bổng, từ ngữ giàu nhạc điệu, âm hưởng bởi ông là một cử nhân văn học tinh tường Hán học lại ảnh hưởng của lối viết Tây học.
Trúc Khê là một nhà thơ về nhiều mặt trong đó dịch thuật có nhiều thành công. Có thể nói cùng với Tản Đà, Nhượng Tống, Trúc Khê đã là một cửa nhập khẩu Đường thi vào hồn Việt. Ông đã dịch Đường thi bằng tâm hồn của một nhà thơ. Thơ ông trong chữ nghĩa, trong cách lập dàn ý, gần với thơ cổ điển thường sáng rõ, chừng mực, tỉnh táo nhưng đôi khi hơi hướng của thời đại cũng phả vào đó những nét nhòe lãng mạn. Đối với việc dịch thơ, ông không quá câu nệ về hình thức thể loại, cốt sao chuyển tải được nội dung. Dù thế nhưng ông khá sành trong cảm thụ thơ.
Nguyễn Thế Nữu không phải là nhà thơ cũng không phải là một nhà văn, mà ông là một kĩ sư nông học. Những năm về nghỉ hưu với lòng mến mộ và yêu thích thơ Đường từ lâu, ông đã dịch khoảng 50 bài thơ Đường. Ông là một người rất tâm huyết nên khi dịch ông đã dịch từng từ của bài thơ rồi sau đó mới bắt tay vào dịch thơ. Cách làm của ông cố tiếp cận phương pháp khoa học rồi mới thổi hồn vào cho bản dịch của mình. Có bài đã nhiều người dịch của ông vẫn vừa sát, vừa có hồn. Các bài thơ dịch của ông vì thế đều theo nguyên thể.
Ngô văn Phú là một nhà thơ. Ông cũng là một dịch giả dịch nhiều thơ Đường trong đó có thơ Lý Bạch. Nhưng do số lượng các bản dịch đồ sộ nên chất lượng các bản dịch cũng chưa thật hay.
Phạm Sán là một bác sĩ y khoa nên việc dịch thơ thơ Đường cũng là niềm ham mê và yêu thích của ông. Các bài thơ dịch của ông đều chú trọng dịch theo nguyên thể.
Đỗ Trung Lai là một nhà thơ, nhà họa sĩ cũng giống như các dịch giả khác với lòng yêu thơ Đường từ nhỏ, mặc dù là người Tây học nhưng ông đã dành nhiều tâm huyết để dịch ba đỉnh cao của thơ Đường là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Các bản dịch rất công phu, ông đã dịch các bài thơ theo chủ đề nội dung để độc giả tiện theo dõi. Hơn nữa các bản dịch có lời thơ bay bổng, sâu sắc, từ ngữ giàu vần điệu.
Như vậy, các dịch giả dịch thơ Đường đều xuất phát từ lòng yêu thích, ham mê thơ Đường và mỗi dịch giả lại có tầm đón nhận các bản dịch phụ thuộc vào vốn hiểu biết, vào tài năng và phong cách của mình
KẾT LUẬN
Dịch Đường thi trong đó có thơ Lý Bạch, đọc và thưởng thức các tác phẩm dịch đó cũng là một trong những hướng tiếp nhận văn học . Chính công việc này các dịch giả đã thể hiện sự sáng tạo của mình trong văn bản và phát huy được tính độc lập, sáng tạo ở trong đó. Thông qua quá trình phiên
dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam, chúng tôi đã bước đầu tuyển chọn và thống kê các bản dịch thơ ở trên báo, tạp chí, trong SGK, sách giáo trình từ đầu thế kỉ thứ XX trở lại đây. Quá trình thống kê và mô tả việc dịch thuật thơ Lý Bạch ở Việt Nam của chúng tôi đã cung cấp một cái nhìn hệ thống, lịch đại đối với việc tiếp nhận thơ Lý Bạch. Cũng qua việc thống kê ấy đã cho chúng ta thấy những biến đổi trong quá trình tiếp nhận thơ Lý Bạch ở từng thời kì lịch sử của dân tộc.
Quá trình khảo sát, thống kê thơ Lý Bạch ở Việt Nam chính là tiền đề để chúng tôi nghiên cứu cận cảnh về dịch phẩm và dịch giả. Về dịch phẩm, chúng tôi thấy số lượng các tuyển tập thơ dịch không ngừng tăng lên và kéo theo đó là cách tiếp nhận các tác phẩm thơ của Lý Bạch giữa các dịch giả là khác nhau. Cụ thể trên bản dịch đều thể hiện được tinh thần nguyên tác nhưng cách diễn giải tác phẩm của các dịch giả là hoàn toàn khác nhau dù giống nhau về thể loại thơ chuyển dịch theo nguyên thể hay theo các thể loại chuyển dịch khác như lục bát, song thất lục bát. v. v. ; hoặc có thể không giống nhau về thể loại thơ chuyển dịch. Điều này có nghĩa, dịch phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào phông tiếp nhận và tầm đón nhận của chính mỗi dịch giả. Qua thời gian, các dịch phẩm thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng đã khẳng định sức sống trường tồn của mình. Tác phẩm với tư cách là trung tâm tạo nghĩa đã mở ra muôn vàn cách hiểu khác nhau. Từ đầu thế kỉ XX trở lại đây, với sự xuất hiện không ngừng của các dịch phẩm thơ Đường và thơ Lý Bạch đồng nghĩa với việc các số lượng các dịch giả mở rộng không chỉ là những nhà thơ, nhà văn mà còn có cả các lĩnh vực khác như nhà nghiên cứu, bác sĩ, kĩ sư, họa sĩ. v. v. Điều này chứng tỏ rằng sức lan tỏa của thơ Đường trong đó có thơ Lý Bạch đã mở rộng không gian tiếp nhận ở nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Bối cảnh thời đại đã ảnh hưởng tới việc tiếp nhận ấy. Những năm gần đây khi xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa diễn ra trên toàn thế giới thì nhu cầu giao lưu văn hóa, văn học giữa các dân tộc trở thành vấn đề tất yếu. Quan hệ giao lưu Việt – Trung cũng ngày càng mở rộng và cũng chính điều này ảnh hưởng rất nhiều tới việc tiếp nhận văn học Trung Quốc ở Việt Nam.
Khóa luận của chúng tôi mới chỉ bước đầu thống kê và tuyển chọn thơ Lý Bạch ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay bằng chữ Quốc ngữ và việc khảo sát còn mang tính tương đối do sự hạn chế về mặt tài liệu. Chúng tôi mong muốn có thể sưu tầm được nhiều tư liệu hơn nữa để có cái nhìn thật hệ thống về bức tranh dịch thuật thơ Lý Bạch ở Việt Nam.