Phông tiếp nhận và tầm đón nhận 1 Phông tiếp nhận:

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 95 - 98)

Phông tiếp nhận trong mĩ học tiếp nhận chính là nghiên cứu về bối cảnh văn hóa - xã hội và thời đại đã ảnh hưởng và quy định đến dịch giả như thế nào? Tìm hiểu bối cảnh văn hóa – xã hội và thời đại đối việc dịch thuật thơ Đường, trong đó có thơ Lý Bạch ở Việt Nam từ đầu thế kỉ thứ XX trở lại đây chúng ta sẽ thấy một bức tranh tổng thể về việc tiếp nhận.

Từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quan hệ văn học Việt Nam và Trung Quốc ở vào thế rất không thuận chiều so với những thế kỉ trước. Đó là do sự chi phối mạnh mẽ của thực dân Pháp. Ngay từ buổi đầu xâm lược, dù theo đường lối “đồng hóa” hay “hợp tác” thực dân Pháp cũng đều xem việc tách Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu để nô dịch. Trước sự đô hộ xâm lược của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có những biến chuyển quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội…trong đó có văn hóa, văn học. Đây được coi là giai đoạn giao thời, là buổi “hỗn hợp văn hóa Đông - tây” trong nền văn hóa, văn học dân tộc. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chính phủ bảo hộ Pháp lần lượt bãi bỏ chế độ khoa cử ở Nam Kì rồi Bắc Kì và Trung Kì. Hán học vốn đã suy vi từ trước giờ lại càng lụi tàn. Âm mưu của thực dân Pháp chủ trương bằng mọi cách phổ biến chữ Quốc ngữ, tranh thủ chữ Quốc ngữ thành công cụ nô dịch để tuyên truyền cho văn hóa Pháp. Chính quá trình xã hội hóa chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỉ thứ XIX đã khiến cho các nhà nho yêu nước có tư tưởng duy tân đầu thế kỉ XX, tiêu biểu là phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907) nhận thấy nhận thấy “chữ Quốc ngữ là “lợi khí” trên con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” và xác định việc dịch “sách các nước, sách Chi na”[; 134] ra chữ Quốc ngữ là một trong những con đường hữu hiệu nhất. Nhưng hoạt động này của phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã sớm bị thực dân Pháp đàn áp. Thực dân Pháp đã phong bế quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau làn sóng Tân Thư này. Điều này đã hạn chế nhiều mặt đến giao lưu văn hóa, văn học Việt Trung. Hướng hoạt động của các nhà duy tân đầu đầu thế kỉ đã khiến cho thực dân Pháp phải lưu tâm và chú ý hơn nữa tới chữ Quốc ngữ. Đây chính là lí do chủ yếu khiến cho thực dân Pháp bỏ tiền mở các tòa báo, tạp chí lớn như Nam Phong tạp chí, Đông

Dương tạp chí. Trước sự lấn át của xu hướng chạy theo tư tưởng học thuật, lối sống phương Tây, sự đứt gãy với văn hóa truyền thống là nguy cơ trước mắt khiến cho nhiều người lo sợ cho cái phần hồn quốc túy của quốc dân. Trong bối cảnh ấy, một số nhà nho có vốn tân học đã có ý thức dịch những vốn văn hóa của truyền thống để bảo tồn và hơn thế nữa để bắc nhịp cầu nối với các thế hệ chỉ được đào tạo theo vốn tân học, nối giữa truyền thống với hiện đại, đáp ứng nhu cầu đọc và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Dịch thuật văn chương trong đó có thơ Đường và thơ Lý Bạch gắn lền với ý thức xây dựng nền văn hóa, học thuật mới trong bối cảnh giao thời văn hóa Đông – Tây. Cũng vì thế, nó có vai trò quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ. Trong thời kì này, báo chí phát triển nên dịch thuật văn chương nói chung và thơ Đường nói riêng chủ yếu được giới thiệu và phổ biến rầm rộ trên các báo, tạp chí bằng chữ Quốc ngữ như đã thống kê ở chương một. Từ những năm 1950 trở đi phong trào dịch thuật thơ Đường trên các báo, tạp chí thưa thớt dần và chuyển nhiệm vụ dịch các thi phẩm sang cho các tuyển tập. Đây là điều bình thường khi đã trải qua giai đoạn giao thời, văn học Việt Nam đang có nhu cầu khẳng định mình trong việc xây dựng một nền văn học hiện đại có bản sắc riêng.

Từ đầu thập niên 1940 trở đi, sinh hoạt văn hóa mới có phần hài hòa hơn giữa sáng tác và dịch thuật – dấu hiệu của một nền văn học đang trên đà ổn định, phát triển. Từ thời điểm này đã xuất hiện những tập dịch thơ Đường như Đường thi của Ngô Tất Tố (1940), Đường thi của Trần Trọng Kim (1944), Đường thi trích dịch của Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản (1958), Thơ Đường của Nam Trân (1962). v. v. Hầu hết các dịch giả trong các dịch giả trong các tuyển tập thơ dịch đều rất quan tâm đến dịch thuật kết hợp với khảo cứu, giới thiệu. Có thể nói sự kết hợp giữa dịch thuật và khảo cứu là nét nổi bật trong dịch thuật văn học từ đầu những năm 1940. Đây là kết quả của quá trình nhận thức về vai trò của văn học cổ điển Trung Quốc trong sự phát triển của nền văn học dân tộc. Đặc biệt từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, mối quan hệ giữa hai nước Việt Trung cũng dần được củng cố. Vì thế số lượng tác phẩm dịch được nghiên cứu rất nhiều.

Năm 1979, khi cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra thì cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới việc dịch thuật.

Đặc biệt là vào giai đoạn những thập kỉ cuối của thế kỉ XX đến nay,chúng tôi thấy các tuyển tập thơ Đường nói chung, trong đó có thơ Lý Bạch vẫn không ngừng xuất hiện như: Thơ Đường – Tản Đà dịch do Nguyễn Quảng Tuân biên soạn (1989); Thơ Lý Bạch do Trúc Khê dịch (1992); Thơ Đường của Trần Trọng San(1997); Đường thi tuyển dịch của Lê Nguyễn Lưu (1997); Thơ Đường bình chú của Nguyễn Thế Nữu (2000); Thơ Đường chuyển lục bát của Cao Bá Vũ (2002); Thơ Lý Bạch của Ngô văn Phú (2005); Thơ Đường của Phạm Sán (2007); Đường thi ngẫu dịch của Trương Nam Hương (2007); Lý Bạch những bài Đường thi nổi tiếng của Đỗ Trung Lai (2008). v. v. Những dịch phẩm thì ngày càng được chọn lọc hơn, số lượng các nhà nghiên cứu về thơ Đường cũng ngày càng tăng lên như Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đình Sử, Lê Đức Niệm. v. v. Để có được sự phát triển ấy là do mối quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng mở rộng. Nhất là trong thời điểm hiện nay xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang được đẩy mạnh giữa các quốc gia, dân tộc trên tất cả các mặt.

Trải qua mối thời kì khác nhau với những biến động xã hội khác nhau, thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng có những quá trình tiếp nhận và phát triển riêng của mình. Bối cảnh văn hóa xã hội chính là những nhân tố khách quan đã quy định và ảnh hưởng tới việc dịch của dịch giả.

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 95 - 98)