Diễn giải nghĩa nguyên tác

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 72 - 93)

1. 8 Thơ Lý Bạc hở trên tạp chí (từ những năm 1960 đến nay)

2.1.2. Diễn giải nghĩa nguyên tác

Từ trước tới nay trong dịch thuật người ta thường đặt ra ba tiêu chuẩn là tín, đạt, nhã. Tín là nói đến tính chất khoa học, bản dịch phải đúng, phải trung thành tối đa với nguyên tác về nhiều mặt từ ý nghĩa đến chủ đề, từ nội dung đến hình thức, không xuyên tạc, không võ đoán. Nhã là nói về tính chất nghệ thuật, bản dịch phải lột được tinh thần nguyên tác, không những nêu bật được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ gốc mà còn phản ánh được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ chuyển. Thỏa mãn được hai tiêu chuẩn trên thì sẽ cho ta một bản dịch đạt. Có hai phương pháp dịch là trực dịch(dịch thẳng ) và ý dịch(dịch ý). Trực dịch coi trọng “từ”, “câu” nên chủ yếu vận dụng trong việc dịch cấu trúc câu và mặt chữ của nguyên tác. Còn ý dịch coi trọng “ ý” nên áp dụng cho một tập hợp câu biểu đạt một ý tưởng, một hình tượng tương đối hoàn chỉnh, sau đó vận dụng vào việc dịch phong cách, hàm ý và thần vận tổng thể của nguyên tác. Thực chất công tác dịch thuật trong đó có dịch thuật văn học không bao giờ là một việc đơn giản, dễ dàng, đặc biệt đối với dịch thuật thơ ca. Để bản dịch thơ truyền đạt được hết ý của nguyên tác là điều rất khó, nhất là với các bài thơ Đường có tính hàm súc cao “ ý tại ngôn ngoại”, mà bản dịch thơ lại bị giới hạn trong các hình thức thơ nhất định. Truyền đạt ý nguyên tác đã khó mà chuyển tải cái “thần” của tác phẩm, cái phong cách của tác giả trong tác phẩm lại càng khó hơn. Tìm hiểu vấn đề diễn giải nghĩa nguyên tác thực chất là đi xem xét quá trình tiếp nhận tác phẩm nguyên tác của dịch giả được thể hiện như thế nào trên bản dịch? Từ đó, chúng tôi thấy có rất nhiều bản dịch thơ về một tác phẩm nguyên tác và có nhiều khoảng trống thể hiện trên bản dịch so với nguyên tác. Như đã nói, trong phạm vi của một khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi không có điều kiện đối chiếu tất cả các tác phẩm của Lý Bạch với các bản dịch thơ của các dịch giả. Vì vậy, dưới đây chúng tôi chỉ chọn một số bài thơ trữ tình, hàm súc, đa nghĩa của Lý Bạch để đối chiếu, so sánh.

* Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng)

Bạn cố tri từ biệt ta tại lầu Hoàng Hạc ở phía tây, xuôi xuống Dương Châu (ở phía đông) giữa lúc mùa xuân nồng đượm hoa khói.

Ta cứ đứng nhìn theo bóng cánh buồm cô đơn của bạn mất hút giữa bầu trời xanh ngắt, chỉ thấy dòng sông Trường Giang (tựa như) chảy mãi phía chân trời xa [;46].

Đây là bài thơ viết về cảnh biệt li hết sức độc đáo của Lý Bạch, vì không thấy có những cảnh buồn xám lạnh, không có giọt lệ chia ly mà thay vào đó là cảnh sông nước, trời mây quyện chặt lấy mối tình bạn bè. Hai câu thơ đầu là thời gian, địa điểm đưa tiễn; hai câu thơ sau, nhà thơ đem tình cảm của mình hòa lẫn vào thiên nhiên. Rõ ràng sau khi tiễn bạn lên đường, nhà thơ đứng rất lâu trên bến sông theo dõi bóng bạn trên chiếc thuyền buồm cô lẻ và mất hút trên khoảng trời xanh thẳm. Nhà thơ mượn cảnh đó, đặc biệt mượn dòng sông Trường Giang dài rộng đó để thể hiện tình cảm của mình đối với bạn. Có rất nhiều bản dịch về bài thơ này.

Ngay từ đầu thế kỉ XX, với ý thức xây dựng một nền quốc văn mới bằng chữ Quốc ngữ mà một số nhà nho có vốn tân học đã có ý thức dịch những vốn văn hóa truyền thống để bảo tồn, hơn nữa để bắc nhịp cầu với các thế hệ chỉ được đào tạo theo vốn tân học. Vì thế trên Nam Phong tạp trí có rất nhiều bản dịch về bài thơ với mục đích giới thiệu và phổ biến cho thế hệ tân học.

Vô Danh dịch:

Khách từ giở gót xuống lầu

Đưa đường xuân khéo nhuộm mầu cỏ hoa Cánh buồm thấp thoáng nẻo xa

Bên giời man mác nước pha nửa vờ. [; 230]

Bản dịch này nếu đánh giá chúng ta sẽ thấy dịch rất thoát về mặt câu chữ so với nguyên tác. Bởi ở câu thứ nhất nguyên tác là “cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu” mà dịch như trên thì sẽ không thấy được địa điểm đưa tiễn bạn cụ thể ở đâu? Tiếp tục ở câu thơ thứ hai, bản dịch chưa dịch được rõ thời gian đưa tiễn (yên hoa tam nguyệt - vào tháng ba giữa lúc mùa xuân

nồng đượm hoa khói) và nơi bạn đến là Dương Châu. Đến câu thứ ba dịch vẫn chưa thật sát so với nguyên tác (cô phàm viễn ảnh bích không tận - bóng cánh buồm đơn lẻ mất hút dần giữa bầu trời xanh ngắt), bóng cánh buồm ta vẫn thấy thấp thoáng ở nẻo xa mà chưa mất dần vào khoảng không vô tận của trời biếc. Và đến câu thơ cuối, ta thấy dịch giả dịch rất thoát cái nhìn của Lý Bạch dõi theo bóng bạn, trông thấy con sông Trường Giang chảy mãi ở phía chân trời xa so với nguyên tác. Nhưng đọc kĩ bốn câu lục bát trên, chúng ta vẫn cảm nhận được nỗi buồn man mác ẩn chứa trong bản dịch và một sự trống trải trong lòng người về một cuộc chia li. Bằng việc sử dụng các cụm từ so sánh như “thấp thoáng”, “man mác” càng thể hiện rõ điều ấy.

Trần Sở Kiều dịch:

Lầu Hạc đưa chân chốn ngại ngùng, Đất Dương phong cảnh có gì không? Chiếc buồm xuôi gió về đâu tá?

Nước biếc trời xanh những ngóng trông. [; 259]

Đây là bản dịch theo nguyên thể và cũng dịch rất thoát về mặt câu chữ so với nguyên tác. Ở câu thơ đầu tiên, chúng ta thấy có nói đến địa điểm đưa tiễn là lầu Hạc nhưng vẫn chưa cụ thể so với nguyên tác vì cuộc đưa tiễn này là ở tại phía tây lầu Hoàng Hạc bạn ra đi (cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu), thêm nữa câu thơ dịch lại pha thêm tâm trạng ngại ngùng trong cuộc đưa tiễn mà không phải là tâm trạng lưu luyến như ta thường thấy về một cuộc chia li. Đến câu thơ thứ hai cũng không thấy bản dịch dịch về thời gian đưa tiễn bạn (yên hoa tam nguyệt há Dương Châu - bạn đi xuống Dương Châu trong mùa hoa khói tháng ba), mà thay vào đó là một câu hỏi nghi vấn: “Đất Dương phong cảnh có gì không?” thì thật thoát hoàn toàn so với nguyên tác. Ở câu thơ thứ ba tiếp tục được dịch lại là một câu hỏi nghi vấn nữa thoát so với nguyên tác. Dịch: “Chiếc buồm xuôi gió về đâu tá?” sẽ không cho ta thấy được cái nhìn của Lý Bạch dõi theo bóng cánh buồm cô đơn của bạn mất hút vào khoảng trời xanh vô tận, mà chỉ là câu hỏi đơn thuần không lời đáp. Ở câu thơ cuối, chúng ta cũng không thấy miêu tả hình ảnh sông Trường Giang

chảy mãi phía chân trời theo cái nhìn của Lý Bạch (Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu) mà dịch là “nước biếc trời xanh” cũng thật thoát so với nguyên tác. Bản dịch gần như thoát hoàn toàn so với nguyên tác nhưng khi đọc kĩ, đặc biệt với hai câu hỏi nghi vấn, chúng ta thấy được tình cảm da diết, không muốn bạn rời xa mình. Bởi cái nơi bạn muốn đến không biết có tốt đẹp không? Và nhân vật trữ tình trong bản dịch dường như thẫn thờ không muốn con thuyền đưa bạn sẽ trôi về nơi ấy nên đã bộc lộ cảm xúc thật da diết và “những ngóng trông” tin của bạn.

Đặng Tích Trù dịch:

Bạn quan xa chốn lầu vàng,

Tháng ba hoa khói băng miền Châu Dương. Buồm cao bóng ngất mêng mang,

Sông dài trời rộng coi càng xa xa.

[; 518]

Cũng như hai bản dịch trên, bản dịch này cũng thể hiện được tinh thần nguyên tác miêu tả về cuộc chia li giữa hai người bạn. Với việc sử dụng thể thơ lục bát và dịch thoát ở một số chỗ so với nguyên tác, nhưng đây là bản dịch giàu hình ảnh, cảm xúc.

Đến những năm 1940 tới nay, hầu hết các dịch giả đều quan tâm tới việc dịch thuật kết hợp với việc khảo cứu, giới thiệu các tác phẩm Đường thi trong các tuyển tập thơ dịch nên việc dịch thuật các tác phẩm không chỉ để thưởng thức mà còn để tìm hiểu và học tập thơ Đường.

Ngô Tất Tố dịch:

Bạn từ lầu Hạc lên đường,

Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng. Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

[; 120]

Nhìn chung đây là bản dịch khá đạt và sát so với nguyên tác, được tuyển chọn trong nhiều tuyển tập thơ dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỗ bản dịch chưa diễn đạt được hết ý của nguyên tác. Đó là ở câu đầu tiên, bản

dịch cũng chưa làm rõ được địa điểm cụ thể bạn ra đi ở phía tây lầu Hạc, mà chỉ nói chung chung là ở lầu Hạc mà thôi. Và dịch như hai câu cuối thì sẽ không nói hết được cái vô tận của khoảng không xanh biếc, cái bao la của dòng sông, cái đơn lẻ của cánh buồm mang đi tình bạn của Lý Bạch. Miêu tả “bóng buồm đã khuất” sẽ không lột tả được sự khuất đi đột ngột bóng cánh buồm ở xa nơi chân trời theo cái nhìn của thi nhân. Ở câu thơ cuối, cụm từ “Trường Giang thiên tế lưu” dịch là “ dòng sông bên trời” thì sẽ không nói lên được địa danh là Trường Giang và cảnh vĩ đại nước cuồn cuộn chảy của dòng sông.

Cao Bá Vũ dịch:

Cố nhân dời Hoàng Hạc lâu,

Hoa tàn khói nhạt Dương Châu xuôi dòng. Cánh buồm hun hút sang đông,

Trường Giang trắng xóa vời trông nhạt nhòa. [; 124]

Đây là bản dịch cũng đã diễn đạt được ý so với nguyên tác. Ở câu thơ thứ nhất, bản dịch cũng chỉ dịch địa điểm mà bạn ra đi là lầu Hoàng Hạc. Tiếp đến câu thứ hai, dịch giả đã hiểu cụm từ “yên hoa tam nguyệt” là “hoa tàn khói nhạt” . “Yên hoa tam nguyệt” có thể hiểu là lúc đương kì tháng ba, giữa lúc mùa xuân nồng đượm hoa khói, cảnh vật rất tươi; nhưng cũng có thể hiểu là “hoa tàn khói nhạt”. Bởi đây thuộc tầm đón nhận của độc giả. Cảnh chia tay giữa hai người bạn đã nhuốm trùm lên cảnh vật. Hai câu cuối sát với nguyên tác hơn nhưng vẫn chưa thật đạt. Ở câu thứ ba, dịch cụm từ “viễn ảnh bích không tận” thành “hun hút sang đông” ta sẽ không thấy được rõ bóng cánh buồm lẻ loi chở Mạnh Hạo Nhiên hun hút vào cái vô tận của khoảng không xanh biếc. Câu cuối : “Trường Giang trắng xóa vời trông nhạt nhòa” đã dịch cụm từ “thiên tế lưu” rất mờ nhạt, làm cho ta cảm nhận không rõ độ dài của con sông Trường Giang ở phía chân trời xa kia, nó đo tình cảm của thi nhân đối với người bạn yêu quý ấy.

Nguyễn Hiến Lê dịch:

Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu. Bóng buồm đã hút trên xanh biếc,

Chỉ thấy sông trời sắc một màu. [; 336]

Bản dịch được dịch theo nguyên thể và cũng dịch được tinh thần của nguyên tác và thể hiện được cái ý man mác buồn khi phải rời xa người bạn như chính dịch giả khẳng định.

Đỗ Trung Lai dịch:

Cố nhân đi từ Hoàng Hạc lâu,

Về tây, anh ghé xuống Châu Dương. Tháng ba hoa nở sông lên khói. Buồm lẻ vào mây lẫn một màu.

Chỉ thấy Trường Giang trôi mải miết, Về tới chân trời tận đẩu đâu.

[;]

Đây là bản dịch rất sát, đạt so với nguyên tác, hơn nữa còn rất thơ. Duy chỉ có câu thơ đầu tiên ngay trong phần dịch nghĩa, chúng tôi thấy dịch giả dịch như sau: “Cố nhân từ biệt lầu Hoàng Hạc đi sang phía tây, xuống Dương Châu trong mùa hoa khói tháng ba”. Ở đây, theo nguyên tác thì cố nhân ra đi ở phía tây của lầu Hoàng Hạc và xuôi xuống Dương Châu như đã giải thích, chứ không phải từ lầu Hoàng Hạc đi sang phía tây rồi mới ghé xuống Dương Châu. Như vậy ở đây lại có thêm một cách hiểu mới nữa, điều này hoàn toàn nằm trong tầm đón nhận của dịch giả.

* Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác Lư Sơn) Dịch nghĩa:

Mặt trời chiếu trên đỉnh núi Hương Lô, khiến cho khí mây phát ra những tia sáng rực rỡ.

Từ xa nhìn lại, thác nước trông tựa như một dòng sông treo ở trước mặt. (Thác Lư Sơn) dội thẳng từ độ cao ba ngàn thước,

Đây là bài thơ mô tả cảnh vô cùng tráng lệ mang đậm phong cách Lý Bạch -ông là bậc “trích tiên” nên cảnh mô tả cũng là “cảnh tiên”. Nhà thơ chọn ngang thác nước hùng vĩ, tráng lệ để mô tả nên cảnh trong bài bài thơ cũng không bình thường chút nào. Ở đây nhà thơ cho chúng ta một động từ:

Dao khan (đứng từ xa nhìn) nên chúng ta biết được vị trí nhà thơ đứng ngắm thác Lư Sơn là từ phía xa và thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác. Chính cái vị trí đứng ngắm ấy mà nhà thơ đã tưởng tưởng ra cảnh thác nước núi Lư tựa như một bức tranh sơn thủy treo ở lưng chừng trời. Dòng thác trắng đổ ầm ầm như bay thẳng từ lưng chừng trời “ ba ngàn thước” xuống, như nối liền mây với núi, đất với trời. Cái đẹp kì vĩ, hùng tráng của dòng thác núi Lư, đặc biệt là độ cao của núi nơi thác nước đổ xuống và sắc trắng bạc của dòng nước đã gợi cho Lý Bạch sự liên tưởng thật bất ngờ, sáng tạo: “Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”. Sự liên tưởng này càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước núi Lư. Dòng thác Lư Sơn đã đem đến cho Lý Bạch một cảm hứng thơ, và cảm hứng ấy lại làm cho dòng thác lưu danh với muôn đời bằng ngôn từ với sức tưởng tưởng diệu kì của một hồn thơ khoáng đạt. Có thể nói, các bản dịch tiếng Việt sức tưởng tượng đều không theo kịp nhà thơ Lý Bạch.

Tương Như dịch:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay, Xa trông dòng thác trước sông này. Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước, Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây. [; 51]

Ở câu thơ thứ nhất, dịch “Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên”(mặt trời chiếu trên đỉnh núi Hương Lô khiến cho khí mây phát ra những tia sáng rực rỡ) thành “Nắng rọi Hương Lô khói tía bay, sẽ làm cho chúng ta dễ lầm tưởng ra hai cảnh khác. Ở độ cao ba ngàn thước, dòng thác đổ xuống làm cho hơi nước bốc lên thành những làn khói; thế núi lại gợi hình, gợi vẻ, núi đỉnh tròn hìng dạng giống như cái lư hương khiến nhà thơ nghĩ đến một chiếc lư hương khổng lồ tỏa khói nghi ngút giữa trời và nước. Làn hơi nước

với muôn ngàn thấu kính li ti được ánh sáng mặt trời rọi vào, khúc xạ tạo nên một làn khói tím kì ảo. Bản dịch thơ đã không thể hiện được nghĩa của chữ “sinh” trong nguyên tác, nên không diễn đạt được làn khói tím huyền ảo kia do mặt trời chiếu trên đỉnh Hương Lô khiến cho làn hơi nước bốc lên bao quanh chiếc lư hương ấy phát ra làn khói tím. Và như vậy câu thơ dịch không diễn tả được độ cao của ngọn núi nơi thác nước đổ xuống . Ở câu thơ thứ hai, dịch “dao khan bộc bố quải tiền xuyên - từ xa nhìn lại thác trông tựa như một dòng sông treo ở trước mặt” thành “xa trông dòng thác trước sông này” là cũng chưa diễn đạt được ý của nguyên tác. Ở đây Lý Bạch đã dùng biện pháp tỉnh lược đi từ so sánh “như”, chỉ để lại hai đối tượng so sánh là thác nước và dòng sông. Nhà thơ đo chiều dài của dòng sông cũng bằng chiều dài của thác nước để giúp chúng ta hình dung ra độ cao và lớn của thác đổ xuống. Câu thơ dịch của Tương Như sẽ làm cho độc giả chỉ hiểu rằng, thi nhân đứng từ xa nhìn ngắm thác nước Lư Sơn đổ xuống phía trước con sông.

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 72 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w