1 Phân loại dịch giả

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 93 - 95)

Như đã nói, mĩ học tiếp nhận hiện đại ra đời đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của người đọc, coi người đọc là nhân tố sống còn của tác phẩm văn học. Vì tác phẩm văn học “không phải là sản phẩm của riêng nhà văn mà nó phải được người đọc tiếp nhận thì mới trở nên hoàn chỉnh. Kết quả sáng tạo của nhà văn phải được kết tinh thành văn văn bản, nhưng đó chưa phải là tác phẩm vì chưa có nghĩa. Ý nghĩa của tác phẩm chỉ được sản sinh qua sự tương tác giữa văn bản và người đọc”[; 107]. Nếu như trước đây người ta nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả, không chú ý tới người đọc và người đọc chỉ là một yếu tố “ngoại tại” đối với bản thể tác phẩm văn học. Điều này đồng nghĩa với việc tách rời hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học. Trong khi đó, mĩ học tiếp nhận hiện đại lại khẳng định mối liên hệ chi phối, tác động lẫn nhau giữa hoạt động sáng tạo và tiếp nhận. Tiếp nhận văn học là hoạt động trong đó người đọc tham dự vào tác phẩm, giải mã văn bản, bù lấp những khoảng trống, làm sống dậy những ý nghĩa ẩn

tàng trong các tầng bậc kết cấu văn bản, trở thành kẻ “đồng sáng tạo” với tác giả. Như vậy, nếu trong quá trình sáng tạo, chủ thể là nhà văn thì trong hoạt động tiếp nhận chủ thể là người đọc. Kết quả của sự tương tác giữa người đọc và văn bản đã sản sinh ra ý nghĩa của tác phẩm.

Dịch giả cũng được coi là một độc giả, nhưng khác với các độc giả thông thường. Với những độc giả thông thường đọc các tác phẩm với tâm thế của người thưởng thức, cảm thụ tác phẩm là chính. Họ không bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài khi cảm thụ. Họ lý giải tác phẩm theo khả năng và ý muốn của mình một cách thoải mái, thậm chí có lúc còn đánh giá sai về tác phẩm cũng là lẽ bình thường. Còn đối với dịch giả, họ là những người đọc đặc biệt của tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học mà dịch giả đọc là tác phẩm của một ngôn ngữ khác, sau đó họ dịch chuyển sang ngôn ngữ của dân tộc mình thành một tác phẩm mới - dịch phẩm. Khác hẳn với cái tâm thế đọc thưởng thức của các độc giả thông thường, dịch giả phải truyền đạt được ý nghĩa và mọi thông tin mà nguyên tác muốn đem đến cho độc giả. Cho nên dịch giả không thể hiểu sai lệch một cách tùy tiện về nguyên tác như những độc giả thông thường. Họ vừa phải đọc kĩ, vừa phải nghiên cứu tác phẩm một cách nghiêm túc để hiểu sâu, hiểu đúng về nguyên tác, nắm bắt được cái “thần” của nguyên tác ẩn giấu sau hình thức ngôn ngữ và cách thức mô tả. Sau đó chuyển dịch tác phẩm nguyên tác thật sát ý, thật hay. Để làm được những điều đó thì dịch giả phải là những người giỏi ngoại ngữ, có tầm hiểu biết sâu rộng về văn hóa nơi có tác phẩm được dịch, nắm vững ngôn ngữ bản địa. Hơn nữa, họ còn phải có tố chất của một người nghệ sĩ để tái tạo lại nguyên tác theo sự lĩnh hội, cảm thụ và lý giải của mình. Thực chất trong quá trình này, dịch giả đã đóng vai trò là tác giả, còn tác giả nguyên tác đã ẩn mình đi sau tác phẩm. Dịch giả Lương Tống Ngọc đã phát biểu rằng: “Lúc đó dịch giả cảm thấy tác giả là tiền thân của mình, còn mình là sự đầu thai của tác giả, cho nên đã dùng hết lòng nhiệt tình, sự mến mộ và thành kính để làm sống lại cái thần của nguyên tác”[; 204].

Việt Nam có truyền thống dịch thơ Đường từ khá sớm trong lịch sử. Nguyễn Tuyết Hạnh trong luận án của mình đã nhận xét rằng: “Người Việt

Nam thích dịch thơ Đường hơn bất cứ thứ thơ nào của Trung Quốc và hơn bất cứ thứ thơ của nước nào khác”[; 1]. Vì vậy, trước thế kỉ XX ông cha ta chủ yếu là những nhà nho uyên thâm Hán học đã dịch các tác phẩm Đường thi, trong đó có thơ Lý Bạch để thưởng ngoạn, di dưỡng tinh thần. Từ những năm đầu thế kỉ XX đến nay khi nền Hán học đã suy tàn thì dịch thuật thơ Đường, trong đó có thơ Lý Bạch trở thành một phong trào rầm rộ và trở thành một bộ phận trong dòng chảy mới của văn học Việt Nam. Chính điều này đã thu hút đông đảo một đội ngũ những người dịch thơ Đường, trong đó có thơ Lý Bạch ở Việt Nam. Đa số họ đều là những nhà trí thức am hiểu về Hán học, có trình độ văn hóa và năng lực cảm nhận văn chương ở mức độ cao. Qua sự thông kê ở chương một, chúng tôi thấy có các loại dịch giả thơ Lý Bạch khác nhau:

* Nhà thơ: Tùng Vân Nguyễn Đôn phục, Trần Sở Kiều, Trúc Khê, Tản Đà, Tương Như, Khương Hữu Dụng, Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San, Ngô Văn Phú, Đỗ Trung Lai…

* Nhà văn: Ngô tất Tố.

* Nhà giáo dục: Trần Trọng Kim. * Bác sĩ: Phạm Sán.

* Kĩ sư nông nghiệp: Nguyễn Thế Nữu.

* Nhà nghiên cứu: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Phi…

Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều dịch giả ở các ngành nghề khác nhau đã dịch và tiếp nhận thơ Lý Bạch ở Việt Nam. Qua quá trình thống kê chúng tôi cũng thấy, nếu như trước đây các dịch giả chủ yếu dịch thơ Đường nói chung trong đó có thơ Lý Bạch nói riêng là gồm các nhà thơ, nhà văn, thì đến những năm gần đây các dịch giả không chỉ có các nhà thơ, nhà văn mà còn mở rộng ra các nghành nghề khác nữa như bác sĩ, kĩ sư, nhà nghiên cứu. v. v. Điều đó nó khẳng định sức sống và sức lan tỏa của thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Phiên dịch thơ Lý Bạch ở Việt Nam (Trang 93 - 95)