Bản chất của hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị được thành lập ở các tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn để thực hiện chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị trong doanh nghiệp nhà nước không phải là cơ quan quản lý cấp trung gian mà trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ hoặc cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ ủy quyền về sự phát triển của doanh nghiệp theo mục tiêu nhà nước giao. Cơ cấu tổ chức của hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị gồm chủ tịch, tổng giám đốc hoặc giám đốc và một số thành viên khác. Số lượng thành viên của hội đồng quản trị nhiều hay ít do Chính phủ quy định tùy theo quy mô, loại hình doanh nghiệp. Trong hội đồng quản trị có hai loại thành viên : thành viên chuyên trách và thành viên kiêm nhiệm. Thành viên chuyên trách là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát. Thành viên kiêm nhiệm là các chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tài chính, pháp luật.
Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ hoặc người được Thủ tướng ủy quyền quyết định bổ nhiệm với nhiệm kì là 5 năm và có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Các thành viên chuyên trách của hội đồng quản trị được xếp lương cơ bản theo nhành bậc viên chức nhà nước, hưởng lương theo chế độ phân phối tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước và tiền thưởng tương ứng với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Chính phủ và được tiền thưởng tương ứng với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chế độ làm việc của hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể. Mọi vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị được quyết định tại các phiên họp của hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị họp thường kỳ hàng tháng hoặc họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách của doanh nghiệp do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên hội đồng quản trị đề nghị.
Các cuộc họp của hội đồng quản trị chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên có mặt. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên hội đồng quản trị biểu quyết tán thành. Thành viên hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến của mình.
Các thành viên trong hội đồng quản trị phải cùng chịu trách nhiệm về các quyết định của hội đồng quản trị. Nếu quyết định sai trái gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Quyết định của hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với doanh nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của hội đồng quản trị.
Quyền hạn của hội đồng quản trị.
Nhận vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn lực khác do Nhà nước giao cho doanh nghiệp.
Xem xét phê duyệt phương án do tổng giám đốc đề nghị về việc giao vốn và các nguồn lực khác giữa các đơn vị thành viên, kiểm tra giám sát việc thực hiện phương án đó.
Kiểm tra giám sát mọi hoạt động trong công ty, việc sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực được giao, việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị, quy định của pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Thông qua đó đề nghị tổng giám đốc trình các cấp có thẩm quyền duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm của tổng công ty, quyết định mục tiêu kế hoạch hành năm của tổng công ty và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, duyệt kế hoạch, thăm dò, khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên (nếu có)của tổng công ty để tổng giám đốc giao cho các đơn vị thành viên.
Tổ chức thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư, dư án đầu tư mới, dự án hợp tác đầu tư với bên ngoài bằng vốn do tổng công ty quản lý.
Phê chuẩn phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh của tổng công ty do tổng giám đốc trình, đề nghị thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.
Xây dựng và trình Thủ tướng, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ, tổ chức và hoạt động của tổng công ty, phê chuẩn điều lệ hoạt động của các thành viên.
Bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức vụ quan trọng nhất, quyết định khen thưởng, kỷ luật giám đốc, các đơn vị thành viên, quyết định tổng biên chế bộ máy quản lý điều hành tổng công ty. Kiểm tra giám sát các đơn vị thành viên trong việc sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện các nghĩa vụ Nhà nước giao.
Nghĩa vụ của hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị có nhiệm vụ xác định phương huớng và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp thông qua kế hoạch hoạt động trong từng thời kì, từng giai đoạn; xác định hiệu kinh doanh của doanh nghiệp để vạch ra kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn.
Hội đồng quản trị có nghĩa vụ xây dựng điều lệ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, tài chính, kỹ thuật của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho sự điều hành của tổng giám đốc, giám đốc và bộ máy giúp việc nhưng không can thiệp vào công việc của tổng giám đốc hay giám đốc.
Hội đồng quản trị lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để bổ nhiệm vào các cương vị chủ chốt.
1.2. Tổng giám đốc (giám đốc) doanh nghiệp nhà nước
Trong các doanh nghiệp lớn, cùng với hội đồng quản trị còn có tổng giám đốc hay giám đốc. Tổng giám đốc hay giám đốc có các nhiệm vụ, quyền hạn sau :
• Quyền quản lý các nguồn lực do Nhà nước giao.
Cùng với chủ tịch hội đồng quản trị ký nhận vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác để quản lý, sử dụng theo mục tiêu nhiệm vụ Nhà nước giao cho doanh nghiệp; giao các nguồn lực đã nhận của Nhà nước cho các đơn vị thành viên.
Sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn theo phương án đã được hội đồng quản trị phê duyệt.
Xây dựng chiến lược phát triển kế hoạch dài hạn và hàng năm của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án liên doanh của doanh nghiệp, quy hoạch đào tạo lao động, phương án phối hợp kinh doanh của các đơn vị thành viên. Xây dựng phương án huy động vốn trong và ngoài doanh nghiệp trình hội đồng quản trị phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Quyền điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh.
1. Xây dựng để trình hội đồng quản trị phê duyệt các định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương phù hợp với quy định của Nhà nước.
2. Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ phù hợp với quy định của Nhà nước.
3. Chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện công tác bình ổn giá cả thị trường và các hàng hoá dịch vụ thiết yếu theo quy định của Nhà nước.
Quyền điều hành và quản lý nội bộ.
Đề nghị hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật phó giám đốc, kế toán trưởng doanh nghiệp và của các đơn vị thành viên.
Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật phó giám đốc, kế toán trưởng doanh nghiệp và của các đơn vị thành viên theo đề nghị của giám đốc đơn vị thành viên, các trưởng phó phòng ban chuyên môn nghiệp vụ và các chức vụ tương đương của doanh nghiệp.
Tổ chức điều hành hoạt động của doanh nghiệp nhằm thực hiện các nghị quyết và quyết định của hội đồng quản trị.
Báo cáo hội đồng quản trị và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của hội đồng quản trị, ban kiểm soát các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao.
Được áp dụng các biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp và báo ngay cho hội đồng quản trị và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để thực thi nhiệm vụ của mình thì tổng giám đốc (giám đốc) có bộ máy giúp việc :
Phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, điều hành doanh nghiệp theo phân công ủy quyền của tổng giám đốc hoặc giám đốc, chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc hoặc giám đốc về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền.
Kế toán trưởng hoặc trưởng phòng kế toán thống kê tài chính giúp tổng giám đốc hoặc giám đốc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán thống kê tài chính của doanh nghiệp.
Văn phòng và các phòng ban giúp việc có chức năng tham mưu giúp việc hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc trong công tác quản lý điều hành công việc.