Trên thế giới, ở một số nước có nền kinh tế thị trường, trong quá trình cải cách khu vực kinh tế nhà nước cổ phần hóa gần như được đồng nhất với công ty hóa kinh tế quốc doanh, được hiểu là quá trình chuyển hóa doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần mà trong đó cổ đông sáng lập viên là nhà nước và sau khi thành lập, công ty cổ phần này có thể phát hành cổ phần mới hoặc bán cổ phần cũ cho các thành phần kinh tế khác.
Về hình thức, cổ phần hóa là việc nhà nước bán một phần hay toàn bộ giá trị cổ phần của mình trong xí nghiệp cho các đối tượng là tổ chức hoặc cá nhân trong và ngòai nước, hoặc cho cán bộ quản lí và công nhân của xí nghiệp bằng hình thức đấu giá công khai hay thông qua thị trường chứng khóan để hình thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Về thực chất, cổ phần hóa chính là phương thức thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển hình thái kinh doanh một chủ với sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp thành công ty cổ phần với nhiều chủ sở hữu tạo ra một mô hình doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Ở Việt nam, cổ phần hóa là cách nói tắt của chủ trương chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đưa ra từ những năm 1987 trong Quyết định 217/HĐBT ngày 14/11/1987 về đổi mới thành phần kinh tế quốc doanh. Nhưng đến năm 1990, khái niệm về cổ phần hóa mới được đề cập tại Quyết định số 143/HĐBT ngày 10/05/1990 : “Chuyển xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần với mục đích đảm bảo sở hữu về tài sản và sở hữu của nhà nước, người lao động có điều kiện thực sự làm chủ doanh nghiệp, huy động vốn”. Ở Quyết định này chưa có sự nhận thức rõ ràng về cổ phần hóa. Đến 1996, tại Thông tư 50/TCDN ngày 30/08/1996 của Bộ tài chính quy định : “Doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần (hay còn gọi là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước) là một biện pháp chuyển doanh nghiệp từ sở hữu nhà nước sang hình thức sở hữu nhiều thành phần trong đó tồn tại một phần sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy quá trình xử lý và khắc phục những tồn tại hiện thời của doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho những người góp vốn và người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu cổ phần hóa dưới góc độ pháp lý như sau :
“Cổ phần hóa là quá trình chuyển các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thành công ty cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia mua cổ phiếu”.
Ở nước ta cổ phần hóa không được xét dưới khía cạnh là một hình thức của quá trình tư nhân hóa vì nó chỉ được coi là một giải pháp trong quá trình đổi mới, cải cách doanh nghiệp nhà nước.