2. Nguyên nhân của thực trạng trên
2.3 Môi trường làm việc
Trong xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế, công ty, doanh nghiệp (DN) mọc lên như nấm với đa dạng ngành nghề, nhiều vị trí tuyển dụng, lương bổng cũng hấp dẫn. Nghịch lý là trong khi nhu cầu tuyển dụng của DN nhiều, nhưng lao động vẫn rất khó tìm việc, số có việc thì lại hay “nhảy việc”.
Vì sao như thế? Ai đi làm mà không thích lĩnh lương cao - vừa hãnh diện với gia đình, bạn bè vừa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân. Tuy vậy, cũng có nhiều người chấp nhận đi làm không công để học hỏi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức.
Trường hợp này không ít, nhất là đối với sinh viên mới ra trường, người học nghề mới tốt nghiệp.
Nhưng đáng nói là không ít DN lợi dụng nhu cầu chính đáng này của các bạn trẻ. Tôi được biết một công ty truyền thông ở TPHCM tuyển nhân viên mới liên tục. Lý do là những người vào làm trước chịu không nổi cảnh bị lợi dụng sự học hỏi kinh nghiệm của họ để bắt làm công việc quá nhiều, trả lương rất thấp.
Đó là một trong những lý do khiến “nhảy việc” trong giới lao động trẻ đang là “hội chứng”. Ngoài ra có vô số lý do để “nhảy việc” liên tục: Vì công việc trái chuyên môn, vì nhà ở xa chỗ làm, vì muốn tìm cơ hội thăng tiến mới, vì bận việc học bằng hai, vì sếp không tốt, mâu thuẫn đồng nghiệp, thậm chí vì không thích làm nữa v.v... Nhưng nếu nhà tuyển dụng đặt mình ở vị trí người lao động, có thể sẽ tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất cho lý do “nhảy việc” của nhân viên. Đó là nếu năng lực, công sức bỏ ra không xứng với đồng lương được hưởng, đối xử thiếu công bằng, thiếu sự quan tâm cần thiết, nhân viên mất động lực và chán nản công việc, thì chắc chắn sẽ không trụ lâu với DN. Nói vậy để thấy môi trường làm việc với việc bảo đảm những yếu tố trên là hết sức cần thiết.
Sẽ không công bằng, nếu đổ hết lỗi lý do nhảy việc cho DN. Các bạn trẻ phải ý thức về sự tác động tích cực và tiêu cực đến nghề nghiệp của mình khi “nhảy việc”. Để tự hạn chế nó, gắn bó và tìm được chỗ đứng tốt trong DN, thì ngoài đam mê công việc, cần chọn cho mình công việc đúng chuyên môn, phát huy sở trường, năng lực, thể hiện sự cầu tiến. Có người nói 90% môi trường làm việc tốt hay xấu – yếu tố dẫn đến “nhảy việc” là do người lao đông tự quyết định lấy. Song, một môi trường làm việc tốt nếu do DN chủ động xây dựng, tạo ra với nguyên tắc thân thiện, công bằng, “làm theo năng lực hưởng theo công việc”, sẽ tạo điều kiện cho người lao động đam mê công việc, cống hiến năng lực của mình nhiều hơn nữa