Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng và quy mô. Số lượng ngân hàng tăng từ 9 ngân hàng trong năm 1991 lên 102 ngân hàng vào đầu năm 2009. Số lượng ngân hàng tăng lên tập trung vào 2 khối NHTMCP (38 ngân hàng) và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài (63 ngân hàng). Điều này cho thấy sức hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. Về cơ cấu thị phần, đến cuối năm 2008, các NHTM quốc doanh chiếm 52% tổng tài sản trong hệ thống, các NHTMCP chiếm khoảng 38%, phần còn lại thuộc về khối các ngân hàng có vốn nước ngoài. [19]
Bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng, quy mô hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng hoạt động tín dụng và huy động tiền gửi ở mức rất cao, đạt trung bình trên 35% năm trong suốt giai đoạn 2002 – 2008.
Hình 2.2: Tăng trƣởng tín dụng ngành ngân hàng giai đoạn 2006–2008
Bên cạnh đó tiềm năng thị trường đối với ngành ngân hàng còn rất lớn. Số lượng người dân Việt Nam sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn khiêm tốn. Với dân số gần 87 triệu người nhưng chỉ có khoảng 7 triệu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, trong số đó 6 triệu tài khoản được mở trong hai năm gần đây, với khoảng 50% tổng số giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt, 4 triệu người sử dụng thẻ tín dụng. Điều này cho thấy chỉ khoảng 8% dân số có tài khoản ngân hàng – một tỷ lệ nằm trong số thấp nhất toàn cầu, như ở Singapore, tỷ lệ này là 95%, ở Malaysia là 65%, ở Thái Lan là 46%. Do vậy, thị trường ngân hàng trong nước còn nhiều tiềm năng phát triển. [7]