Cơ chế là một thuật ngữ chỉ sự chuyển biến nội tại của một hệ thống, trong đó có sự tương tác giữa các yếu tố hợp thành hệ thống trong quá trình vận động của mỗi yếu tố đó, nhờ đó, hệ thống có thể vận hành phát triển. Thuật ngữ cơ chế được áp dụng vào lĩnh vực kinh tế đó là cơ chế kinh tế. Do đó, cơ chế kinh tế là sự diễn biến nội tại của hệ thống kinh tế trong quá trình phát triển, trong đó có sự tương tác giữa các bộ phận, các yếu tố cấu thành của kinh tế trong quá trình vận động của mọi yếu tố cấu thành, tạo nên sự phát triển và vận động của hệ thống kinh tế.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, cơ chế kinh tế là: “Phương thức vận động của nền sản xuất xã hội được tổ chức và quản lý theo những
quan hệ vốn có và được nhà nước quy định; nó phải phù hợp với yêu cầu của các quy luật kinh tế, với đặc điểm của chế độ xã hội theo từng giai đoạn phát triển của xã hội. Cơ chế kinh tế đúng đắn tạo thuận lợi cho tái sản xuất mở rộng, điều chỉnh hoạt động của tất cả các chủ thể kinh tế và các quan hệ giữa chúng với nhau trong sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng, kết hợp các lợi ích xã hội, tập thể, cá nhân, tạo nên động lực và các điều kiện cho các chủ thể kinh tế hoạt động có hiệu quả. Bao gồm những chính sách và phương pháp quản lý, những hình thức cụ thể của quan hệ sản xuất như hệ thống kế hoạch, hệ thống đòn bẩy kinh tế (hạch toán kinh tế, giá cả, lợi nhuận, tiền lương, tín dụng....). Những hình thức cụ thể của quan hệ sản xuất và tổ chức quản lý này vừa là những phạm trù kinh tế mang tính khách quan, vừa là những công cụ quản lý kinh tế mang tính chủ quan nhưng đều là hình thức vận dụng các quy luật kinh tế để tổ chức, và quản lý nền kinh tế quốc dân theo những mục tiêu chiến lược” [18]. Ở Việt Nam, khái niệm cơ chế quản lý kinh tế được sử dụng đồng nghĩa với cơ chế kinh tế, đó là cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo nghĩa hẹp: cơ chế là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và là cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý kinh tế là sự tương tác giữa các phương thức, biện pháp quản lý kinh tế khi chúng đồng thời tác động lên đối tượng quản lý. Nó cũng có thể hiểu được như là sự diễn biến của quy trình quản lý, trong đó có sự tác động của từng biện pháp quản lý lên đối tượng, những kết quả tích vự và tiêu cực sẽ xảy ra sau mỗi biện pháp đó, sự khắc phục các mặt tiêu cực mới phát sinh bằng hệ thống các biện pháp song hành. Với quan niệm hẹp này, cơ chế quản lý kinh tế bao gồm các nguyên tắc, các công cụ, các phương pháp, các biện pháp quản lý được sử dụng đồng thời lên đối tượng quản lý.
Theo nghĩa rộng: cơ chế quản lý kinh tế cũng có thể hiểu đồng nghĩa với phương thức quản lý mà qua đó nhà nước tác động vào nền kinh tế. Xét về mặt cấu thành, cơ chế quản lý kinh tế gồm hai bộ phận:
- Cơ chế của đối tượng quản lý tức là cơ chế kinh tế hay cơ chế hoạt động của doanh nghiệp
- Cơ chế của chủ thể quản lý: tức là cơ chế quản lý kinh tế theo nghĩa hẹp
Tóm lại, cơ chế quản lý kinh tế là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thành khuôn khổ pháp lý, phù hợp với quy luật kinh tế và đặc điểm chế độ xã hội, điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể quản lý, điều chỉnh các lợi ích xã hội, tập thể và cá thể, điều chỉnh hoạt động của tất cả các chủ thể kinh tế và các mối quan hệ giữa chúng với nhau trong sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng, tạo động lực và điều kiện cho các chủ thể kinh tế hoạt động có hiệu quả.
Dưới góc độ ngân hàng, cơ chế đối với ngân hàng trung ương là các quy định pháp luật để ngân hàng trung ương tổ chức và hoạt động nhằm ổn định tiền tệ. Đối với các NHTM, cơ chế là các quy định pháp luật để các NHTM tổ chức và hoạt động kinh doanh tiền tệ tín dụng, nhằm tối đa hóa lợi nhuận hợp pháp.