Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)

Một phần của tài liệu Cơ chế hoạt động của các ngân hàng thương mại nhà nước việt nam sau cổ phần hóa (Trang 46 - 48)

Để thực hiện Nghị quyết số VI, ngày 13/7/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 218.CT cho phép ngân hàng chuyển sang hệ thống ngân

hàng 2 cấp thí điểm ở 4 thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Hà Nôi, Hải Phòng, Đà Nẵng. Sau khi thử nghiệm có kết quả, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị định số 53 với nội dung xóa bỏ hệ thống ngân hàng 1 cấp, xây dựng mô hình ngân hàng 2 cấp theo nền kinh tế thị trường. Ngân hàng Nhà nước lúc này là ngân hàng của các ngân hàng, là cơ quan phát hành tiền của nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tình hình lưu thông tiền tệ, giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng chuyên doanh. Các ngân hàng chuyên doanh trực tiếp kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của hệ thống NHTM quốc doanh. Từ hai Vụ công thương và Thương nghiệp tách ra từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 7/1988, Ngân hàng Công thương Việt Nam chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

Ngày 14/11/1990, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 402/CT chuyển Ngân hàng chuyên doanh công thương Việt Nam thành Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ngày 21/9/1996, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 285/QĐ-NH5 thành lập lại Ngân hàng công thương Việt Nam, theo đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam là một NHTM đa năng. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển đến nay, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã phát triển theo mô hình ngân hàng đa năng với mạng lưới hoạt động được phân bổ rộng khắp trên khắp các tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: 03 Sở Giao dịch, 141 chi nhánh, và trên 700 điểm/phòng giao dịch; có 2 Văn phòng đại diện, 4 công ty hạch toán độc lập là Công ty cho thuê Tài chính, Công ty TNHH Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản, Công ty TNHH Bảo hiểm và 3 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Công nghệ thông tin và Trung tâm thẻ, Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương còn góp vốn liên doanh vào 07 công ty trong đó có Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần

Xi măng Hà Tiên, Công ty cổ phần cao su Phước Hòa, NHTMCP Gia Định, NHTMCP Sài Gòn Công Thương v.v. Ngân hàng Công thương hiện tại có quan hệ đại lý với trên 800 ngân hàng, định chế tài chính tại trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Thực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp của Chính phủ, ngày 25/12/2008, Vietinbank đã thực hiện thành công việc phát hành lần đầu cổ phiếu lần đầu ra công chúng và được coi là một hiện tượng của năm 2008 trên thị trường tài chính Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Vietinbank. Theo Phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, Vietinbank được cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước tại Vietinbank theo giá trị được xác định lại, đồng thời phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, không thấp hơn 51% vốn điều lệ của Vietinbank với mục tiêu chiến lược là sau cổ phần hóa, Vietinbank sẽ trở thành Tập đoàn Tài chính hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và vươn xa tầm hoạt động ra thế giới

Một phần của tài liệu Cơ chế hoạt động của các ngân hàng thương mại nhà nước việt nam sau cổ phần hóa (Trang 46 - 48)