MỘT SỐ RỦI RO MÀ NGÂN HÀNG THƯỜNG GẶP PHẢI TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU

Một phần của tài liệu Tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần đà năng.Doc (Trang 32 - 35)

HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU

1. Rủi ro về tỷ giá trong cho vay ngoại tệ

Khi đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư đương nhiên sẽ tính toán đến một loạt các yếu tố bất lợi khác với tình huống đầu tư trong nước như: chi phí giao dịch, thuế

và những rủi ro về chính trị. Trong số các yếu tố đó, tỷ giá là một trong những rủi ro chủ yếu. Những thay đổi của tỷ giá sẽ gây ra những tác động rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến các khách hàng cũng như ngân hàng.

Để hiểu rõ hơn ta giả sử khi khách hàng đi vay 10.000 USD, tỷ giá khi vay là USD/VND=15.000, như vậy khách hàng đã vay được một lượng tiền tương đương 150.000.000 VND, nhưng đến khi trả nợ tỷ giá USD/VND=15.700 thì khách hàng phải có 150.700.000 VND để trả nợ cho ngân hàng. Nói cách khác, do sự biến động của tỷ giá mà khách hàng chỉ được sử dụng 150.000.000 VND nhưng phải trả cho ngân hàng 150.700.000 VND (chưa tính lãi), tức là khách hàng đã mất đi 700.000 VND. Cùng với việc phải trả lãi đi vay thì khách hàng đã rơi vào tình trạng lãi giả, lỗ thật, nghĩa là hoạt động làm ăn kinh doanh của khách hàng có lãi thật sự nhưng do tỷ giá tăng lên làm cho khách hàng bị lỗ vốn, gặp khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng.

Ngược lại, khi tỷ giá giảm xuống tức là ngân hàng cho vay với tỷ giá cao nhưng khi thu nợ lại thu với tỷ giá thấp, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị thu hẹp.

Qua đó có thể nhận thấy tỷ giá tác động rất lớn đến hoạt động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, qua 3 năm 2001-2003 hoạt động này của ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá bởi ngân hàng rất thận trọng trong cho vay bằng ngoại tệ, chỉ giới hạn ở những khách hàng có uy tín và thực tế năm qua tỷ giá tương đối ổn định đã làm cho lợi nhuân của ngân hàng không bị thu hẹp.

Tuy vậy, hoạt động trong cơ chế thị trường, tỷ giá sẽ biến động liên tục, đặc biệt là sự biến động kinh tế, chính trị, xã hội trong những năm vừa qua và cả trong năm nay của cả nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự biến động của tỷ giá vì vậy ngân hàng cần định lượng đầy đủ rủi ro có thể xảy ra trong suốt thời hạn hợp đồng để có thể hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro.

2. Rủi ro về lãi suất cho vay

Rủi ro về lãi suất là rủi ro xảy ra do sự tăng lên hay giảm xuống của lãi suất làm cho ngân hàng có sự biến động về mặt tài chính. Lãi suất là chi phí để vay hoặc giá phải trả để thuê vốn trong một thời hạn nào đó, nó là một loại giá cả và luôn biến động trong cơ chế thị trường. Khi lãi suất tăng sẽ làm cho nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hoạt động chủ yếu bằng vốn vay sẽ hạn chế đi vay vốn vì với mức lãi suất tăng sẽ làm cho chi phí vốn tăng và ngược lại. Ngoài ra, một sự chênh lệch nhỏ về lãi suất cũng có thể làm mất khách hàng hoặc thu hút thêm khách hàng mới.

Trong thực tế hoạt động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, rủi ro lãi suất thường xảy ra với hoạt động cho vay tài trợ vì tính chất của sự tài trợ này là ưu đãi về mặt lãi suất nên mức lãi suất cho vay luôn thấp hơn mức lãi suất các loại cho vay khác, thêm vào đó là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng nên có thể nói lợi nhuận thu được từ hoạt

động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu là rất thấp do đó một sự biến động giảm nhẹ của lãi suất cũng có thể làm ảnh hưởng dễ dàng đến lợi nhận thu được từ hoạt động này. Để đảm bảo hạn chế rủi ro lãi suất có thể xảy ra, khi cho vay ngân hàng bảo đảm mức lãi hợp lý, lãi suất phải đủ bù đắp các chi phí nghiệp vụ ngân hàng trong việc huy động vốn để cho vay, quản lý vốn vay.

3. Các rủi ro khác

a. Đối với hoạt động tài trợ xuất khẩu

Rủi ro thường xảy ra là rủi ro về khả năng thanh toán của khách hàng, thường bắt nguồn từ rủi ro của nhà xuất khẩu, đó là các rủi ro như: rủi ro trong vận chuyển hàng hóa, rủi ro trong thực hiện hợp đồng, rủi ro về chính trị dẫn đến cấm vận trong thanh toán, trì hoãn thanh toán…

Tuy trong thời gian qua, ngân hàng đã chủ động đối phó với rủi ro này bằng cách chỉ tài trợ cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh, khi đối tác nước ngoài là những nhà nhập khẩu và ngân hàng có uy tín… nên chưa xảy ra rủi ro nhưng trong tương lai không có nghĩa là ngân hàng không gặp rủi ro, nhất là trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới biến động mạnh mẽ không ngừng. Chính điều này đòi hỏi ngân hàng phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu để đề phòng rủi ro.

b. Đối với hoạt động tài trợ nhập khẩu

Đối với hoạt động này, rủi ro của ngân hàng đa dạng hơn và thường xảy ra hơn. Những rủi ro này thường là:

- Rủi ro trong vận chuyển hàng hóa: hàng hóa vận chuyển bị hư hỏng do tàu gặp phải gió bão, lốc xoáy, đá ngầm… nên nhà nhập khẩu không có nguồn hàng để bán thu tiền về nộp cho ngân hàng để thanh toán cho nhà xuất khẩu, khi đó ngân hàng phải trả thay cho nhà nhập khẩu và số tiền này được xem như là món nợ của nhà nhập khẩu đối với ngân hàng.

- Rủi ro về chất lượng hàng hóa: do những sơ suất trong quá trình mở L/C hoặc do chưa nắm rõ về đặc điểm, tính năng kỹ thuật của máy móc, thiết bị nhập nên hàng hóa về không đảm bảo chất lượng. Nhà nhập khẩu do thấy hàng nhập không đảm bảo chất lượng nên từ chối tiếp nhận hàng và từ chối thanh toán, lúc đó ngân hàng phải đứng ra nhận hàng và thanh toán tiền hàng.

- Rủi ro về việc tiêu thụ hàng hóa: rủi ro này dẫn đến việc chậm trễ trong thanh toán với ngân hàng. Do nhà nhập khẩu điều tra thị trường không kỹ dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn nên vốn bị đọng dưới hình thức hàng hóa làm cho nhà nhập khẩu không thanh toán đúng hạn khoản nợ của mình đối với ngân hàng.

Tóm lại, trong hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu tại thành phố Đà Nẵng, các rủi ro chủ yếu xảy ra đối với hoạt động tài trợ nhập khẩu, đây cũng là tình trạng chung

của các ngân hàng trên địa bàn. Nguyên nhân là do hoạt động nhập khẩu liên quan đến nhiều bến và phụ thuộc nhiều yếu tố nên khi có sự biến động của một trong các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình thanh toán và sẽ dẫn đến rủi ro của ngân hàng. Vì vậy, để nâng cao kết quả hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu đòi hỏi ngân hàng phải tăng cường công tác thẩm định, đánh giá các nhân tố có khả năng gây rủi ro cho các doanh nghiệp và ngân hàng, từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro.

Một phần của tài liệu Tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần đà năng.Doc (Trang 32 - 35)