III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHO VAY TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI BIDV ĐÀ
1. Về chính sách tài trợ
1.3. Quy trình xét duyệt và thực hiện nghiệp vụ
Phương thức và thời gian xem xét của mỗi ngân hàng có mỗi điểm khác nhau, đây cũng là một yếu tố cạnh tranh, thu hút khách hàng. Khách hàng ai cũng muốn có thủ tục đơn giản, nhanh gọn và với chi phí thấp… ngược lại về phía ngân hàng thì muốn hồ sơ phải chặt chẽ, xem xét kỹ càng để giảm thiểu rủi ro. Đây là mâu thuẫn đòi hỏi ngân hàng phải giải quyết sao cho hài hòa lợi ích của hai bên.
Hiện nay, quy trình xét duyệt hồ sơ của ngân hàng khá chặt chẽ, công tác thẩm định được thực hiện một cách khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý:
- Khi ngân hàng quyết định tài trợ cho ngân hàng thì bên cạnh việc phân tích năng lực pháp lý của khách hàng cán bộ tín dụng phải thẩm định tính trung thực của khách hàng. Hiện nay, do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có chế độ kiểm toán nên khó có thể xác định chính xác tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy việc thẩm định cho vay chỉ dựa vào các báo cáo tài chính, các báo cáo kế toán chỉ mang tính chất thủ tục. Tốt nhất, cán bộ tín dụng phải đến tận các đơn vị để thăm dò kiểm tra tình hình hoạt động hiện tại của họ, đồng thời thu thập thông tin từ môi trường chung quanh, qua đó đánh giá tính hiệu quả của phương án vay vốn, làm rõ nguồn trả nợ từ đâu và phải xem xét kèm theo những rủi ro có thể xảy ra đối với nhà nhập khẩu hay đối với nhà xuất khẩu. Một yếu tố cần phải chú trọng nữa đó là phải chú ý đến “tài sản vô hình” của doanh nghiệp, bao gồm: tên tuổi, thị phần, uy tín, chất lượng và nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố khẳng định khả năng tài chính của các doanh nghiệp cũng như đạo đức kinh doanh của họ.
- Việc định giá tài sản thế chấp của các khoản vay căn cứ vào giá trị của tài sản khi ký kết hợp đồng, do đó không thể lường trước được những biến động về giá trong tương lai. Mặt khác, do việc thanh lý tài sản không diễn ra trong thời gian ngắn mà có thể kéo dài qua nhiều năm dẫn đến tình trạng xuống cấp của tài sản hoặc ngân hàng phải tốn chi phí bảo quản. Xuất phát từ thực trạng đó, cán bộ tín dụng của ngân hàng khi định giá tài sản thế chấp như nhà, đất… thì bên cạnh việc xem xét cấu trúc nhà, diện tích, mức giá hiện tại còn cấn phải xem xét kỹ giấy tờ hợp pháp của tài sản thế chấp, để chắc chắn là giấy tờ đó hợp lệ và tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng nhằm tránh tranh chấp có thể xảy ra sau này; đồng thời, cần phải xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc thanh lý tài sản và thu thập thông tin khác về tài sản từ dư luận chung quanh.
- Từ trước đến nay, vấn đề mở tài khoản với các ngân hàng đại lý ở nước ngoài đều do hội sở chính đảm nhận, chi nhánh khi có nhu cầu phải thông qua tài khoản của mình tại BIDV TW để nhờ thanh toán giúp, do đó chưa phát huy được tính tự chủ của chi nhánh, lại phải tốn thêm một khoản thời gian. Trong thời gian đến, chi nhánh cần có đề nghị với BIDV TW có thể xem xét cho mở tài khoản thanh toán trực tiếp với một số ngân hàng đại lý quen thuộc và có doanh số cao, nếu làm được điều này, quy trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế sẽ đơn giản và thuận tiện hơn. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu bởi vì hoạt động này liên quan chặt chẽ và là một phần trong hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu.