III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHO VAY TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI BIDV ĐÀ
1. Về chính sách tài trợ
1.1. Xây dựng chiến lược phát triển khách hàng
Trong cơ chế thị trường hiện nay, có lẽ điều cơ bản nhất trong quản lý mà các NHTM bỏ quên là gần gũi với khách hàng để thỏa mãn các nhu cầu và dự báo các ước muốn của họ. Khách hàng, là điều kiện để các hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong đó có hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu tồn tại và phát triển. Vậy làm thế nào để tìm và giữ khách hàng. Sau đây là một vài đề xuất nhằm góp phần vào sự thiết lập, mở rộng đối tượng khách hàng:
- Cán bộ tín dụng nên chủ động tìm đến khách hàng vay vốn bởi vì khi chủ động tìm đến khách hàng vay vốn thì cán bộ tín dụng đã có những thông tin trước về khách hàng hay nói cách khác cán bộ tín dụng đã chủ động thẩm định trước về khách hàng để lựa chọn. Điều này sẽ tránh được sự phân tán về thông tin do khách hàng cung cấp. Mặt khác, đây là một biện pháp tiếp thị rất hiệu quả khi sự có mặt của ngân hàng vào đúng thời điểm khách hàng phân vân lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
- Mở rộng cho vay đối với mọi thành phần kinh tế: ngoài những khách hàng là doanh nghiệp quốc doanh, ngân hàng cần tăng cường cho vay đối với các thành phần kinh tế như các công ty cổ phần, công ty TNHH, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các xí nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bởi vì xu hướng trong thời gian đến các thành phần kinh tế này sẽ ngày càng nhiều và sẽ chiếm một thị phần không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố.
- Có chính sách lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bởi vì đây là thế mạnh của Đà Nẵng đồng thời thuộc đối tượng được nhà nước khuyến khích xuất khẩu.
- Thực hiện tốt các chính sách khuyến mãi, quan hệ khách hàng, chẳng hạn như một hình ảnh đẹp, một cử chỉ nhẹ nhàng, một lời khen đúng lúc của nhân viên hoặc một lá thư cảm ơn, một lẵng hoa nhân dịp thành lập công ty hoặc sinh nhật của người chủ doanh nghiệp là những món quà vô giá thể hiện sự tôn trọng của ngân hàng đối với doanh nghiệp.
- Gặp gỡ thăm hỏi, tạo mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa khách hàng và ngân hàng, nhanh chóng ứng phó trước những than phiền của khách hàng, quan tâm phục vụ khách hàng thông qua việc phát triển đầy đủ các dịch vụ. Biểu lộ thái độ coi sự phát triển đi lên của khách hàng là tiền đề cho sự phát triển của ngân hàng, ngược lại cũng chứng tỏ rằng khách hàng có thể dựa vào ngân hàng khi cần thiết.
- Tiến hành tư vấn cho khách hàng: việc tư vấn nên bắt đầu từ khi khách hàng đến giao dịch xin tài trợ xuất nhập khẩu. Ngân hàng nên nghiên cứu kỹ hợp đồng ngoại thương, tìm hiểu các đối tác nước ngoài về các vấn đề như vị thế kinh doanh, khả năng tài chính, uy tín trong kinh doanh thông qua những thông tin có sẵn tại ngân hàng hoặc qua ngân hàng đại lý ở nước ngoài. Chính từ những hoạt động này sẽ giúp cho khách hàng có những thông tin kịp thời, thiết thực nhằm làm cho hoạt động kinh doanh của khách hàng hiệu quả đồng thời nâng cao uy tín của ngân hàng.
- Một điều quan trọng nữa là chúng ta có thể thấy vì sao các ngân hàng nước ngoài tuyệt vời hơn chúng ta về dịch vụ, chất lượng, tính chất đáng tin cậy của sản phẩm và tìm kiếm một lĩnh vực kinh doanh thích hợp? Chính bởi vì họ những người biết lắng nghe tuyệt vời hơn và luôn quan tâm để ý đến ý muốn của khách hàng.
- Sau cùng, chúng ta thấy rằng mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng là một tổng thể quan hệ đồng nhất về lợi ích kinh tế và mục tiêu phát triển. Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa khách hàng và ngân hàng sẽ đưa cả hai cùng tiến về phía trước. Sự thận trọng và cảnh giác là cần thiết để hạn chế rủi ro nhưng xóa bỏ được hai yếu tố này trên cơ sở khoa học của mối quan hệ gắn bó giữa lợi ích và mục tiêu sẽ giúp cho hoạt động của ngân hàng đạt kết quả tốt hơn.