CHO VAY TÀI TRỢ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI BIDV ĐÀ NẴNG
1. Những thuận lợi
Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện tốt. Các ngành công thương nghiệp, dich vụ, du lịch, thủy sản, nông lâm đều tăng trưởng, xuất nhập khẩu ngày càng phát triển, đặc biệt cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp rất nhiều, tạo ra bộ mặt mới cho sự phát triển đô thị, chính những điều đó đã tạo cho điều kiện thuận lợi cho tất cả các ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn và hiệu quả trong đó có chi nhánh ngân hàng Đầu tư và Phát triển TP Đà Nẵng. Là một trong ngân hàng hoạt động trên địa bàn, BIDV Đà Nẵng đã có một thời gian hoạt động tương đối dài nên đã tạo được một uy tín vững chắc, cộng với những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt thời gian hoạt động là một lợi thế mà không phải bất kỳ ngân hàng nào cũng có được.
Về nguồn lực, chi nhánh có một đội ngũ nhân viên tương đối trẻ, có trình độ chuyên môn cao, vững về nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc nên đã thu hút được ngày càng nhiều khách hàng và tạo được niềm tin cho khách hàng khi họ đến giao dịch với ngân hàng. Ngoài ra, chi nhánh còn có sự lãnh đạo sáng suốt, nhanh nhạy của Ban lãnh đạo với những quyết định chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế.
Đối với hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu, đa số các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực này phần lớn là những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tương đối ổn định. Ngân hàng đã có thời gian quan hệ tương đối dài với những khách hàng này nên đã nắm được phần nào về tình hình hoạt động của họ. Đây cũng là một thuận lợi bởi vì với việc thực hiện nghị định 178 (sau đổi thành nghị định 85) về bảo đảm tiền vay của Chính phủ, các tổ chức tín dụng phải lựa chọn khách hàng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Điều này buộc ngân hàng phải lựa chọn kỹ các đối tượng để cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, nhưng với thuận lợi trên cho phép ngân hàng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn.
Quan hệ ngân hàng đại lý trong những năm qua đã được duy trì và mở rộng, ngân hàng đã thiết lập và duy trì quan hệ ngân hàng đại lý với hơn 650 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trên toàn thế giới. Nhiều lĩnh vực như tiền gởi, thanh toán quốc tế kinh doanh tiền tệ, tài trợ xuất nhập khẩu… đã được thực hiện trên cơ sở quan hệ
này. Mặt khác, thông qua các mối quan hệ này có thể giúp cho cán bộ có cơ hội học hỏi nâng cao tầm hiểu biết, dần dần tích lũy kinh nghiệm thực tế, từ đó có thể đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn.
Một thuận lợi không kém phần quan trọng nữa là hoạt động của ngân hàng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO9000:2000. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng có thể đem đến cho hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, một số thuận lợi sau:
- Thứ nhất, giúp cho nhà lãnh đạo quản lý hoạt động kinh doanh một cách có hệ thống và kế hoạch, sẽ hạn chế được những sai sót làm giảm thiểu các chi phí phát sinh, đồng thời do bắt buộc phải đáp ứng yêu cẩu cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng theo cam kết nên sẽ giúp cải tiến chất lượng dịch vụ. Điều này sẽ tạo nền móng cho các dịch vụ cung ứng cho khách hàng ngày càng có chất lượng tốt hơn.
- Thứ hai, ISO cung cấp các phương tiện, các nội quy, quy trình nghiệp vụ một cách đầy đủ và hệ thống ngay từ đầu, sẽ tạo thuận lợi cho mọi người nắm bắt, thực hiện công việc đúng quy định kể cả nhân viên mới và được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu chi phí kiểm tra.
- Thứ ba, thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này đem đến cho ngân hàng nhiều lợi thế cạnh tranh, gia tăng uy tín cho ngân hàng, gia tăng lòng tin của khách hàng đối với ngân hàng, từ đó có thể thu hút khách hàng ngày một nhiều hơn.
Như vậy, việc đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn này sẽ là một thuận lợi lớn cho ngân hàng trong các hoạt động, trong đó có hoạt động cho vay tài trợ xuất nhập khẩu trong những năm tới.
2. Những khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi trên, vẫn còn những khó khăn nhất định trong công tác cho vay tài trợ xuất nhập khẩu của BIDV Đà Nẵng.
a. Về môi trường hoạt động
Sự cạnh tranh giữa các NHTM diễn ra ngày càng gay gắt về lãi suất cũng như phong cách phục vụ làm cho việc thu hút khách hàng mới của ngân hàng ngày càng khó khăn hơn.
b. Về nguồn vốn tài trợ
Mặc dù trong các năm qua doanh số cho vay tài trợ xuất nhập khẩu tăng lên rất nhiều trong đó doanh số cho vay ngoại tệ chiếm tỷ trọng chủ yếu, song nguồn vốn ngoại tệ chủ yếu dựa vào nguồn kết hối mua được từ hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên để kích thích hoạt động xuất khẩu, nhà nước đã chủ trương giảm tỷ lệ kết hối trong những năm qua và xu hướng sẽ không còn kết hối, điều này gây cho ngân hàng không ít khó khăn. Trong năm 2003 đã có một số hợp đồng nhập khẩu ngân hàng không thể tài trợ được vì thiếu vốn ngoại tệ giao ngay và để có thể tiến hành tài trợ
ngân hàng phải đi vay trên địa bàn khác hoặc vay NHTW, lãi suất vay thường cao làm giảm thiểu kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Ngoải ra, trong năm 2003 tỷ giá Đôla tăng làm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có tình trạng găm giữ Đôla, đồng thời tỷ giá thị trường chợ đen chênh lệch cao hơn so với tỷ giá của ngân hàng đã làm cho ngân hàng không thể mua được ngoại tệ từ dân cư. Chính từ đó đã gây khó khăn cho ngân hàng trong việc huy động Đôla để phục vụ cho hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu.
c. Về hình thức tài trợ và chính sách tài trợ
- Về hình thức tài trợ: hiện nay các hình thức tài trợ vẫn còn đơn giản và chưa đa dạng, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng khách hàng của ngân hàng còn ít, quy mô các món vay chưa lớn. Hiện nay chi nhánh chỉ thực hiện tài trợ phổ biến dưới các hình thức: cho vay thu mua, chế biến hàng xuất khẩu; cho vay chiết khấu chứng từ… còn các hình thức khác như: cho vay mở L/C trả chậm, chiết khấu hối phiếu hay bảo lãnh trong tài trợ xuất nhập khẩu… thì vẫn chưa triển khai hoặc có triển khai thì số lượng vẫn còn ít và chưa phổ biến.
- Về chính sách tài trợ: hiện nay ngân hàng vẫn chưa có một chính sách tài trợ theo đúng nghĩa thể hiện là vẫn chưa có một chính sách ưu đãi rõ rệt đối với từng loại khách hàng, đối với từng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trong việc xét duyệt cho vay, cấp vốn vay và quy định mức lãi suất vay cũng như vấn đề quan hệ với khách hàng… Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng như hiện nay, việc ngân hàng vẫn chưa thực sự có một chính sách tài trợ xuất nhập khẩu linh hoạt và phù hợp là một bất lợi lớn trong việc thu hút khách hàng cũng như giữ khách hàng.
d. Về công tác quan hệ với khách hàng
Đối với công tác quan hệ khách hàng trong những năm qua mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động này vẫn còn tồn tại những yếu kém, còn thụ động, chính sách marketing khách hàng vẫn chưa được thực hiện tốt. Công tác tiếp thị mà nội dung chủ yếu là công tác quảng cáo vẫn chưa tốt, nó mới chỉ dừng lại ở dạng hình thức và chỉ mang tính định kỳ. Ngân hàng chưa thật sự có một chính sách tiếp thị riêng cho lĩnh vực tài trợ xuất nhập khẩu. Đây là một khó khăn mà ngân hàng cần khắc phục trong những năm tiếp theo nhằm thu hút thêm khách hàng.
e. Về đội ngũ cán bộ làm công tác cho vay tài trợ xuất nhập khẩu
Mặc dù đã có sự cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua quá trình thực tế, nhưng nhìn chung kinh nghiệm về lĩnh vực ngoại thương chưa cao, điều này là do đa phần cán bộ còn trẻ. Thêm vào đó số lượng nhân viên lại ít làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc.
f. Về quy trình xét duyệt cho vay
Mặc dù hiện nay việc xét duyệt cho vay thông thường cũng như xét duyệt cho vay tài trợ xuất nhập khẩu đã được thực hiện theo quy trình ISO khá chặt chẽ, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định trong việc đánh giá, thẩm định phương án kinh doanh để hạn chế rủi ro trong tín dụng cũng như hạn chế rủi ro cho khách hàng trong việc thực hiện phương án kinh doanh.
Như vậy, cùng với những thuận lợi đang có, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu. Những khó khăn này cần được quan tâm và có biện pháp khắc phục nhằm vạch ra những phương hướng cho hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu trong những năm tới đạt kết quả tốt hơn.