Hình thành chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu gạo

Một phần của tài liệu Thúc đẩy XK mặt hàng gạo của VN đến năm 2020 (Trang 112 - 117)

Hình thành chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu gạo liên quan đến nhiều đối tượng tham gia. Đó là doanh nghiệp, người nông dân, nhà nghiên cứu, … Thương hiệu gạo mang tính quy mô lớn và ảnh hưởng đến cả vùng trồng lúa. Nhìn chung xây dựng mô hình thương hiệu tập thể là phù hợp với đặc điểm của mặt hàng gạo. Mô hình này có thể khai thác tối đa tiềm năng của những thành viên trong hiệp hội hay lợi thế từ vị trí địa lý. Hiện nay các doanh nghiệp tại vùng trồng lúa nổi tiếng hy vọng vào khả năng xây dựng và đăng ký bảo hộ cho tên gọi xuất xứ. Do vậy biện pháp hiệu quả nhất là các doanh nghiệp tại địa phương cần thành lập hiệp hội và tiến hành xây dựng thương hiệu tập thể cho đặc sản gạo của địa phương mình và phát triển thương hiệu này ra thị trường trong nước và thế giới. Chẳng hạn hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu là một điển hình.

Các doanh nghiệp nên hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu từ khâu nghiên cứu thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cần có chiến lược cải tiến chất lượng sản phẩm từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, vận chuyển, bảo quản, chế biến,… Tất cả phải theo một quy trình chuẩn và nếu đảm bảo quy trình đó thì sản phẩm gạo mới được mang thương hiệu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xây dựng chính sách giá cạnh tranh và kế hoạch tiến hành quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện khác nhau như tham gia các hội chợ, triển lãm, xây dựng trang web, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng,…. Khi đã xây dựng được mô hình thương hiệu hợp lý, các doanh nghiệp cần tạo dựng các yếu tố thương hiệu sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

KẾT LUẬN

Qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã có những thay đổi tích cực, làm thay đổi mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong ngoại thương, đặc biệt trong xuất khẩu gạo. Những con số báo cáo hàng năm là kết quả thật đáng tự hào của ngành nông nghiệp nước ta, thể hiện quyết tâm của nhân dân và đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng và nhà nước. Vị thế của Việt Nam đã được nâng lên, sánh vai cùng các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Gạo đã trở thành mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay gạo Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế với nhiều chủng loại gạo đa dạng và phong phú. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, tìm hiểu và nghiên cứu vai trò, sức ảnh hưởng và thực trạng sản xuất cũng như xuất khẩu gạo là cần thiết, mang lại cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn, một hiểu biết rộng hơn để có thể đưa ra những chính sách, biện pháp thích hợp thúc đẩy xuất khẩu gạo, phát huy lợi thế của đất nước, mang lại cuộc sống ấm no và phồn vinh cho nhân dân. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã giải quyết được những vấn đề sau đây:

Phân tích vị trí chiến lược của xuất khẩu gạo trong nền kinh tế quốc dân để thấy được lợi ích của việc sản xuất và xuất khẩu gạo. Những năm qua, xuất khẩu gạo đã thu về một lượng ngoại tệ lớn cho đất nước, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thông qua việc phân tích, đánh giá các thông tin, số liệu về thực trạng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam từ năm 1989 đến năm 2009, chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng lúa cũng như tình hình chế biến lúa gạo. Những yếu tố này đều tác động đến sản lượng và chất

lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Do sản xuất tăng nhanh và ổn định, mức lương thực bình quân nói chung và lúa gạo nói riêng liên tiếp được cải thiện, Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dư thừa lương thực để xuất khẩu, trở thành nước xuất khẩu gạo quan trọng của thế giới. Tuy trong những năm gần đây Việt Nam đạt vị trí cao về số lượng gạo xuất khẩu nhưng về chất lượng thì còn nhiều yếu kém. Chất lượng của gạo nói chung phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên và tác động của con người như đất đai, khí hậu, nước tưới, phân bón, giống lúa, chế biến, vận chuyển, bảo quản... mà quan trọng nhất là giống lúa, các phương pháp sản xuất và các khâu sau thu hoạch. Chất lượng gạo và khả năng hạn chế của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tiếp cận thông tin, giao dịch đàm phán, tìm kiếm bạn hàng,… làm cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn giá gạo quốc tế.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đánh giá về cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam với thị trường lớn nhất là châu Á và châu Phi. Tuy nhiên người dân ở các nước thuộc 2 khu vực chủ yếu tiêu dùng loại gạo có chất lượng trung bình và thấp. Loại gạo chất lượng cao của Việt Nam được xuất sang Hoa Kỳ, một số ít các nước châu Âu,… nhưng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan nên kim ngạch xuất khẩu chưa nhiều.

Thời gian qua, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác thúc đẩy xuất khẩu gạo với các biện pháp như hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, đổi mới công nghệ sản xuất và chế biến gạo. Công tác trên đã thu về một số thành tựu đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số hạn chế như nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, số vốn đầu tư cho xúc tiến thương mại gạo còn quá ít.

Từ những thực trạng trên, đề tài rút ra những cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như loại bỏ thách thức, đòi hỏi nhà nước, các doanh nghiệp phải có những chính sách, biện pháp thích hợp như: quy hoạch phân vùng thâm canh trồng lúa cho xuất khẩu; áp dụng

khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến; đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ sản xuất và xuất khẩu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và mở rộng thị trường; xúc tiến thương mại;…. Có như vậy, nước ta mới thực hiện tốt được mục tiêu vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xuất khẩu gạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Một phần của tài liệu Thúc đẩy XK mặt hàng gạo của VN đến năm 2020 (Trang 112 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w