Theo như nghiên cứu thực trạng chung về công tác giao đất giao rừng ở MNPB, cho thấy rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong đó có cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo kiệt và rừng thứ sinh phục hồi sau nương rẫy. Nên việc hưởng lợi của người dân và cộng đông từ các khu rừng này là rất hạn chế. Cái chính ở đây là do rừng nghèo thiếu đa dạng về các sản phẩm rừng. Vì thế với giải pháp quản lý rừng đa tac dụng, một mặt sẽ làm giàu lâm sản trong rừng, tăng cường được các chức năng của rừng, mặt khác nó cũng đảm bảo được nguồn lợi của công đồng trong công tác quản lý những khu rừng này. Theo giải pháp này cộng đồng có thể phát triển kết hợp cả nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời tạo điều kiện quản lý dễ dàng hơn nguồn thu các sản phẩm từ rừng, đặc biệt là gỗ.
Mặt khác, hình thức quản lý rừng cộng đồng là truyền thống của đồng bào dân tộc sống gắn bó với rừng, nhưng ở một số địa phương của MNPB lại
chưa chú trọng đến hình thức này trong công tác giao đất, giao rừng. Ngoài ra, hình thức này còn tỏ ra hiệu quả hơn giao đất rừng cho từng hộ gia đình vì nó hạn chế được tình trạng khai thác lâm sản khó kiểm soát của các cá nhân làm chủ rừng. Thêm vào đó cơ chế hưởng lợi của cộng đồng quản lý rừng ở một số nơi đã thử nghiệm và phổ biến hình thức này thì rõ ràng và minh bạch hơn cơ chế quy định hưởng lợi cho chủ rừng là cá nhân, và riêng từng hộ gia đình.
Để đạt được hiệu quả từ giải pháp này thì cần phải thực hiện:
- Các địa phương chưa phổ biến hình thức quản lý rừng cộng đồng cần phải chú trọng hơn, tổ chức giao rừng cho cộng đồng quản lý, giúp cộng đồng tiến hành kiểm kê số lượng rừng khi nhận để đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả.
- Hỗ trợ các cộng đồng xây dựng các quy ước, hương ước, cơ chế quản lý rừng theo cộng đồng. Có thể đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình thành công trong quản lý rừng cộng đồng ở một số địa phương khác.
- Xây dựng cơ chế hưởng lợi từ rừng cho các cộng đồng nhận rừng.
- Đồng thời các cơ quan chức năng nhà nước phải hình thành các tổ chức và thể chế để quản lý rừng cộng đồng.