MỘT SỐ GIẢI PHÁP MỞ RỘNG DỊCH VỤ THẺ TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU CHI NHÁNH HUẾ
3.1.2.1. Yếu tố khách quan
Yếu tố xã hội
Trình độ nhận thức của người dân Việt Nam
Việt Nam đã là thành viên của WTO. Do đó chúng ta cần phải thay đổi dần dần về nhận thức, tư duy để hội nhập nhanh với khu vực và thế giới. Thực tế đặt ra là người dân vẫn chưa nhận thức cao về tầm quan trọng của các dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng. Ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ thanh toán chưa tới 25%, còn lại một tỷ lệ rất lớn thì chưa hề biết về công cụ thanh toán này. Con số trên sẽ nhỏ nếu ở các tỉnh, thành phố khác.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Thông qua chỉ thị trên, chi nhánh đã có văn bản đề nghị tới nhiều công ty Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn... Tuy nhiên mọi nổ lực vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân phổ biến là do doanh nghiệp có thể muốn trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nên không muốn công khai các báo cáo tài chính.
Văn hoá của người dân Huế
Người dân miền Trung nói chung và người dân Huế nói riêng thường có đức tính "cần, kiệm" trong lao động và tiêu dùng. Việc chi tiêu sẽ được tính toán kỹ càng trước khi quyết định sử dụng một dịch vụ nào đó. Mặc dù nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nhưng việc thay đổi dần cách nghĩ cần phải có nhiều thời gian. Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, các giao dịch thanh toán chủ yếu vẫn là bằng tiền mặt. Đây sẽ là thách thức không nhỏ của ngân hàng trong thời điểm này.
Yếu tố kinh tế
Việt Nam hiện đang được xếp vào loại các nước có mức thu nhập trung bình của thế giới. Riêng ở Huế, còn có một bộ phận lớn người dân chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Do vậy, việc nghĩ đến một hình thức mới thay thế tiền mặt là điều ngoài khả năng của họ. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ thẻ của ngân hàng. Chỉ xét đối với loại thẻ ATM của ACB Huế hiện nay, ngoài việc bỏ ra 100.000 đồng phí đăng kí làm thẻ, 100.000 đồng cho việc mở tài khoản thì hàng tháng khách hàng còn bị thu phí quản lý 10.000 đồng. Một người làm công ăn lương vừa đủ trang trải chi phí hàng ngày thì không thể bỏ ra số tiền dư ra như vậy trong tài khoản của mình.
Cơ sở hạ tầng
Để triển khai thành công một hệ thống thanh toán và phát hành thẻ, ngân hàng phải có một hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Vấn đề đặt ra là chi phí mua các máy móc thiết bị khá cao, với một số vốn đầu tư khá lớn và đồng bộ mà không phải ngân hàng nào cũng thực hiện được. Giá một máy ATM khoảng từ 20.000-30.000 USD, giá một máy POS khoảng 800-900 USD. Mỗi ngân hàng phát hành một loại thẻ riêng, tiện ích riêng với biểu phí thanh toán riêng. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng sử dụng những hệ thống khác nhau với chuẩn kỹ thuật không đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng kết nối hệ thống giữa chính họ và gây lãng phí cho toàn xã hội.
Tại các cơ sở chấp nhận thẻ, khi muốn thu hút nhiều khách hàng của nhiều ngân hàng, họ phải lắp đặt nhiều máy POS, như thế sẽ mất khá nhiều chi phí, thời gian cho các đơn vị đó.
Yếu tố chính trị - pháp luật
Chúng ta vẫn chưa có được hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát hành thanh toán thẻ ngân hàng. Các văn bản mới chỉ đề cập về phương diện kỹ thuật đối với thẻ thanh toán ở mức độ đơn giản.
Các ngân hàng vẫn chưa có một qui chế văn bản một cách tổng thể. Các ngân hàng tham gia lĩnh vực này vẫn chưa có được Luật về thương mại điện tử điều chỉnh mọi quan hệ giao dịch điện tử. Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra trong thanh toán thẻ, chỉ có thể vận dụng các văn bản luật như Luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế… dẫn đến việc vận dụng có những điểm khác nhau.
Yếu tố cạnh tranh giữa các ngân hàng
Ở Huế: Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... nhờ tồn tại và có uy tín lâu năm luôn đứng đầu về thị phần thẻ cả nước nói chung và ở Huế nói riêng. Bên cạnh đó còn xuất hiện khá nhiều ngân hàng TMCP thành lập các chi nhánh cũng như phòng giao dịch tại Huế như EAB, MB, VIBank...liên tục đưa ra các sản phẩm thẻ quốc tế, nội địa với nhiều tính năng mới và hình thức đa dạng hơn.
Ở nước ngoài: Trong khi bản thân các ngân hàng Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, phải học hỏi nghiên cứu tài liệu và áp dụng trong nghiệp vụ thẻ, đang từng bước xây dựng quy trình làm việc, vốn đầu tư cho công nghệ mới có rất ít, thì các ngân hàng nước ngoài có ưu thế về vốn, kiến thức và kinh nghiệm trong công nghệ thẻ sẵn sàng đầu tư vốn lớn để chiếm lĩnh thị trường.