Gần đây ở đâu cũng nghe người ta nói đến lạm phát. Từ các chuyên gia cho đến những người dân tay lấm chân bùn lâu nay không biết gì về lạm phát, giờ đây khái niệm lạm phát đã không còn xa lạ với họ nữa mà như một vấn đề được đặt ra thảo luận của mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Giá cả như con tàu đang lao nhanh khiến cho chúng ta không kịp phản ứng, hôm nay ra chợ mua giá khác, ngày mai thì giá lại khác. Thật không biết đâu mà lường, điều này đã gây tâm lý bất ổn lớn đến với người dân, đặc biệt đối với những người nghèo, người lao động có thu nhập thấp, những người ăn
lương cố định, những người về hưu… Vấn đề lạm phát quả thật nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống và sản xuất của mọi người, tác động xấu đến nền kinh tế. Trước hết lạm phát tác động đến những người nghèo, người làm công ăn lương khi mà tốc độ tăng giá nhanh hơn tốc độ tăng lương thi thử hỏi làm sao không lo cho được. Trong khi đó các mặt hàng như lương thực, thực phẩm lại đi đầu trong việc tăng giá. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2008 thì thì thực phẩm tăng 11.56%, dịch vụ ăn uống 10.21%, lương thực tăng 6.71%. Số liệu thống kê năm 2007 thì ở khu vực nông thôn so với tháng 10/2006 số hộ thiếu đói tăng 44%, và số nhân khẩu thiếu đói tăng 47%. Mặc dù giá tăng không phải là nguyên nhân duy nhất (bên cạnh thiên tai, dịch bệnh, cúm gia cầm, bệnh gia súc…) của tình trạng thiếu đói tăng nhanh nhưng rõ ràng đây là chắc chắn là một nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Cũng theo số liệu thống kê tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực công nghiệp đã chậm lại trong quý 1 năm 2008. Công nghiệp đạt mức tăng trưởng 16.3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 0.3 điểm phần trăm. Lạm phát tác động đến mọi mặt của ngành công nghiệp. Từ các doanh nghiệp sản xuất lao đao với chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng đã đội chi phí sản xuất của họ lên cao. Cụ thể, trong quý 1 năm 2008 giá dầu thô tăng 64.4%, than đá tăng 51.9%, cà phê tăng 38.7%, gạo tăng 33%, cao su tăng 31.5%... Giá nguyên liệu tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước trong khu vực (các nước có mức lạm phát thấp hơn). Đến các doanh nghiệp xây dựng, khi giá vật liệu xây dựng liên tục leo thang, nhăm nhe gặm nhấm gần từng đồng vốn của doanh nghiệp xây dựng, họ càng làm càng đuối sức, không còn khả năng để tiếp tục đeo đuổi công trình. Những nhà thầu do không ngờ giá vật liệu lại tăng cao đến như vậy (từ trước tết đã tăng một đợt, cộng thêm giá nhân công tăng thêm 20%) nên không dám nhận thêm công trình mới nếu không có tính toán chu đáo, chỉ nhận khi thi toán trước khoảng 35% giá trị hợp đồng. Không ít doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt hợp đồng, ngậm ngùi bỏ công trình mà chạy, số khác lỡ ký hợp đồng vẫn phải tiếp tục nhưng với tâm trạng đầy lo âu. Và cùng tâm trạng chung là các doanh nghiệp than, điện, đường sắt… Khi chi phí đầu vào tăng cao mà theo yêu cầu của Nhà nước từ nay đến tháng 6 các doanh nghiệp điện, nước, vận tải… không được tăng giá.
Kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ đạt hơn 13 tỷ USD trong quý 1 và mới bằng 22% kế hoạch. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu quý 1 là 20.4 tỷ USD tăng 62.5% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình này đã đẩy nhập siêu lên đến gần 7.4 tỷ USD
bằng 56.5% so với kim ngạch xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy lạm phát đã cản trở xuất khẩu và mất cân đối ngoại thương.
Tốc độ tăng giá nhanh hơn tốc độ tăng của lãi suất tiết kiệm trong thời gian qua (lãi suất thực bị âm). Vì vậy người dân có tiền gửi ngân hàng đến kỳ đáo hạn rút tiền về không còn muốn gửi tiền vào Ngân hàng nữa. Ngay cả những người không có tiền cũng đi vay tiền ngân hàng để chạy đi tìm những cơ hội đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn như thị trường chứng khoán và bất động sản dẫn đến bùng nổ tín dụng thời gian qua cao kinh khủng 53.9%. Việc đầu cơ quá mức vào hai thị trường này làm xuất hiện bong bóng tài sản và đến lúc nó cũng xì hơi. Nếu như cuối năm 2006 và đầu năm 2007 là thời kỳ huy hoàng của thị trường chứng khoán VN-Index đã vượt qua 1000 điểm, thị trường chứng khoán trở thành nơi huy động vốn tốt của các doanh nghiệp qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu thì năm 2008 này là một viễn cảnh ngược hoàn toàn. Thị trường chứng khoán chứng kiến những chuỗi ngày ảm đạm khi mà VN-Index lao xuống mức dưới 500 điểm trong ngày 25/3/2008, nhiều doanh nghiệp phải hoãn lại thời gian IPO. Thị trường bất động sản thì đóng băng nhanh đến nổi không ai ngờ sau quyết định thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nhà đất tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trước Tết sôi động thì giờ đây đìu hiu, người bán là đa số, trong khi người mua thì còn đang chờ đợi tình hình sắp tới thế nào. Nếu lượng tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoàn toàn là tiền nhàn rỗi trong dân cư và nhu cầu bất động sản là nhu cầu thực thì liệu có xảy ra tình trạng như hiện nay? Chỉ tiêu mà Nhà nước đặt ra là phấn đấu trong năm 2008 lạm phát sẽ nhỏ hơn 12%. Thế nhưng trong quý 1 chỉ số giá tiêu dùng đã là 9.19% cao hơn cả muc tiêu tăng trưởng kinh tế. Còn một chặng đường dài ba quý nữa con số này sẽ là bao nhiêu? Khó mà có câu trả lời chính xác. Con số này như chất xúc tác thêm vào tâm lý lo sợ vật giá leo thang của người tiêu dùng. Người mua thì sợ lên giá còn một số người bán cũng lợi dụng cơ hội này mà lên giá thu lời. Thêm vào việc báo đài hằng ngày liên tục đưa tin về lạm phát vì vậy sẽ không tránh khỏi việc người dân kỳ vọng lạm phát cao và khó kiểm soát. Thực tế các chính sách kiểm soát lạm phát thời gian qua của Chính phủ đã không phát huy tác dụng tốt mà gây sốc trên thị trường làm mất lòng tin của dân chúng vào Chính phủ. Việc khó dự doán về lạm phát làm cho việc dự đoán về lạm phát khó chính xác - là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn và do vậy làm tăng chi phí giao dịch, giảm hiệu quả của nền kinh tế, làm suy yếu năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế (ngoại trừ lạm phát của nước cạnh tranh cao hơn). Nếu tình trạng này cứ tiếp tục sẽ làm giảm lòng tin của nhà đầu tư ảnh hưởng đến cơ hội
thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư bỏ đi sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và giảm việc làm trong trung và dài hạn.