- Nhóm các cơ quan thông tin của địa phương
3.12. THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH THỊ TRƯỜNG HÓA SẢN PHẨM THÔNG TIN KHOA HỌC
THÔNG TIN KHOA HỌC
Thông tin trở thành hàng hóa là một thực tế và ngày càng trở thành xu hướng phổ biến ở nước ta.
Để cho phát triển kinh tế được thuận lợi, có được công bằng thị trường và sự công bằng về cơ hội kinh tế, mọi chủ thể đều có quyền ngang nhau trong việc sử dụng và chia sẻ thông tin. Bởi vì trong đời sống xã hội hiện nay, thông tin là một nguồn lực kinh tế đặc biệt. Chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể ý nghĩa kinh tế của nguồn lực thông tin, chẳng hạn thông tin chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá thành sản phẩm hay trong giá bán, song có thể thấy chi phí cho quảng cáo sản phẩm của các công ty lớn thường chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá bán. Hơn nữa, các chi phí thu thập thông tin, nhất là thông tin mang ý nghĩa khoa học cao, lại càng lớn. Những TTKH mang ý nghĩa kinh tế nhiều khi rất khó xác định giá trị mà chỉ khi nào được áp dụng thì giá trị của chúng mới được thể hiện.
Mặc dù vậy, các loại TTKH khi đã là hàng hóa thì đều có giá cả của nó, dù bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp. Giá cả của hàng hóa TTKH hay tin khoa học cũng bị chi phối bởi quy luật giá trị, quy luật cung - cầu. Ở đây, giá trị thông tin có đặc điểm là giá trị sử dụng của nó không bị mất đi và giá trị sử dụng không có hình thức vật chất rõ ràng để chứa đựng giá trị thông tin. Giá trị sử dụng TTKH không bị mất đi mà nó vẫn được bảo tồn, thậm chí còn tăng lên trong quá trình sử dụng. Chi phí để tạo ra TTKH được đưa vào chi phí sản phẩm (có sử dụng TTKH) không tùy thuộc vào giá trị sử dụng của hàng hóa thông tin. Nhiều khi chi phí giá trị của thông tin đã được tính hết vào sản phẩm ứng dụng, nhưng giá trị sử dụng của thông tin vẫn còn.
Biến TTKH thành hàng hóa sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều đó đặt ra cho những người làm TTKH yêu cầu phải tính toán giá trị sử dụng và giá trị của các tin, các thông tin. Nó thúc đẩy việc tìm nguồn tin, xử lý thông tin và tổ chức dịch vụ thông tin. Tóm lại, người làm TTKH trở thành nhà sản xuất hàng hóa thông tin. Xét trên quy mô xã hội, sẽ có sự cạnh tranh giữa những người sản xuất với nhau và giữa những người tiêu dùng với nhau về hàng hóa đặc biệt này. Khi có sự cạnh tranh về cung cấp và cạnh tranh về sử dụng thông tin thì chất lượng của việc sản xuất thông tin sẽ được nâng lên.
Ở nước ta, thông tin đang trở thành hàng hóa và sẽ mang tính phổ biến. Đó sẽ là một nhân tố thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nó sẽ khuyến khích những hoạt động kinh tế có cơ hội lựa chọn các thông tin tốt và sẽ có những dịch vụ thông tin phù hợp cho các nhà doanh nghiệp, cho những ai muốn cải tiến và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Một trong những phương pháp để thị trường hóa TTKH là cho phép các trung tâm thông tin, các đơn vị nghiên cứu được bán sản phẩm TTKH của mình. Các kết quả nghiên cứu khoa học và xử lý tài liệu khoa học được số hóa và văn bản hóa, cần được đưa vào lưu thông thông tin. Các trung tâm thông tin là những cơ sở chính làm dịch vụ TTKH, đó là những đơn vị thu thập, xử lý và cung cấp tin. Cần phải đưa các đơn vị này vào hoạt động hạch toán kinh doanh như những doanh nghiệp khoa học. Từ đó tạo điều kiện khách quan gây áp lực bán thông tin cho các đơn vị cơ quan kinh doanh. Mặt khác, những đơn vị hoạt động kinh tế có nhu cầu có thể liên hệ và đặt hàng với các trung tâm dịch vụ thông tin. Nó làm cho cả hai phía cung cấp và tiêu dùng đều phải có trách nhiệm cao với các TTKH. Bên bán phải có sản phẩm thông tin có chất lượng và bên mua cũng phải tìm mua những thông tin hữu ích cao. Điều này vừa thúc đẩy hoạt động khoa học năng động, vừa có tác dụng trực tiếp đóng góp thiết thực vào sự phát triển, trong đó có sự phát triển kinh tế. Ở đây, vai trò đặc biệt thuộc về các trung tâm thông tin kinh tế - nơi chủ yếu cung ứng TTKH cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách trong thực tiễn.
Trong thực tiễn, một số loại dịch vụ thông tin thông thường đang làm chức năng thương mại. Đó là thông tin quảng cáo, thông tin trên báo chí, truyền thanh,
truyền hình và vô số các điểm dịch vụ đơn lẻ chỉ dẫn mua bán hàng hóa, v.v.. Còn TTKH chưa phổ biến chỉ là hàng hóa trong những trường hợp như tư liệu được bán hoặc các tin tức khoa học được xử lý và có sự thanh toán kinh phí.
Mở rộng hoạt động dịch vụ TTKH.
TTKH là một trong những nguồn lực kinh tế trong nền kinh tế thị trường, hoạt động dịch vụ TTKH cũng là một hoạt động kinh tế và sản phẩm của nó cũng mang tính hàng hóa (dịch vụ). Vì thế, để phát triển kinh tế, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cần mở rộng tổ chức dịch vụ TTKH, mở rộng hoạt động tư vấn về TTKH bằng cách liên kết trao đổi TTKH giữa các địa phương và cơ quan dùng tin, chính thức hóa mối quan hệ qua lại giữa các trung tâm thông tin với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Muốn mở rộng hoạt động dịch vụ TTKH, chúng ta cần làm tốt một số việc sau đây:
- Nghiên cứu thị trường TTKH để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
- Tạo ra thị trường TTKH phong phú và đa dạng, cung cấp sản phẩm TTKH theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần có những sản phẩm TTKH cung cấp cho một số khách hàng chuyên biệt.
- Cung ứng tin phải nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác, tạo uy tín đối với khách hàng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về TTKH của khách hàng.
- Khung giá cả phải hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của “khách hàng”. - Các kênh TTKH phải phù hợp với đại đa số “khách hàng”, nói cách khác là phải đảm bảo tính phổ thông của những TTKH.
- Đảm bảo tính hiệu quả cao (tính hữu dụng) của những TTKH được bán cho người dùng tin.
- Đa dạng hóa sản phẩm TTKH. Bên cạnh việc gia tăng số lượng và loại hình nguồn tin để phục vụ thị trường trong nước, các tổ chức dịch vụ TTKH còn cần chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm TTKH dưới các dạng khác nhau như
thông tin tư liệu, thông tin chuyên đề, thông tin truyền thông đa phương tiện, v.v… - Mở rộng thị trường trong và ngoài nước, hướng tới thị trường nước ngoài có giá trị gia tăng cao. Cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại để làm biến đổi hẳn hình thức và chất lượng các sản phẩm dịch vụ thông tin, đáp ứng kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả nhu cầu thông tin của toàn xã hội, góp phần đáng kể vào việc gắn liền TTKH với thực tế cuộc sống.