- Nhóm các cơ quan thông tin của địa phương
2.7. NHỮNG HẠN CHẾ CHỦ YẾU CỦA THÔNG TIN KHOA HỌC TRONG VIỆC PHỤC VỤ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NƯỚC TA
TRONG VIỆC PHỤC VỤ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NƯỚC TA
- TTKH còn những bất cập lớn trong việc thông tin về các tư tưởng kinh tế Phương Tây, có những điều mà các cơ quan quản lý còn chưa nghĩ đến là có xu hướng kinh tế học Phương Tây lấn át kinh tế học Mác - Lênin. TTKH về cái mới nhưng thiếu sự phối hợp xử lý, điều chỉnh cho phù hợp. Trên thực tế tư tưởng giáo điều mới đã chiếm ưu thế, điều này thể hiện ở chỗ các quan điểm chỉ đạo các cấp từ bộ - ngành cho tới cơ sở vẫn chịu nhiều ảnh hưởng nhiều từ các sách giáo khoa kinh tế của Phương Tây được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, các sách giáo khoa kinh tế người Việt viết ra thời kỳ này cũng mô phỏng lại các bài vở của Phương Tây. Điều đó đã ảnh hưởng lệch lạc trong tư duy kinh tế xã hội, nhất là trong các trường đại học. Quan niệm kinh tế giản đơn, không gắn với tư duy chung, phát triển chung. Một thí dụ đơn giản: không ít cán bộ khoa học kinh tế có học hàm cao ở vào một số vị trí quan trọng của một số nơi, trong các cuộc hội thảo khoa học, có quan điểm phủ định đối với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước!
- Trình độ xử lý tin còn rất hạn chế, nhiều khi có những tin rất trái chiều nhau và khó hiểu nhưng TTKH vẫn chưa thể hiện vai trò nhạy bén để đưa ra một nhận định có tính hướng dẫn dư luận.
- TTKH chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đa dạng về ngành nghề của nền kinh tế. Đặc biệt, còn thiếu nhiều TTKH cần thiết để phục vụ sự hình thành và phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mới liên quan tới công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa và cơ điện tử.
- TTKH còn chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô thông tin, tính cập nhật của thông tin và sự đòi hỏi rất linh hoạt, phức tạp của đời sống kinh tế - xã hội. Trong nhiều trường hợp thông tin còn thiếu chính xác, thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu TTKH phần nhiều mới dừng lại chủ yếu ở trình độ hỗ trợ trong việc tra cứu, chưa được sử dụng vào việc phân tích đánh giá, tổng hợp và dự báo, làm cơ sở khoa
học phục vụ cho các quá trình ra quyết định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển, lựa chọn các phương án có hiệu quả.
Từ nhiều năm nay, các cơ quan TTKH xã hội đã rất cố gắng khai thác các dòng tin, nhất là dòng tin nước ngoài về khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng nhu cầu của nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng ngay cả những cố gắng được coi là "điểm mạnh" này cũng vẫn bộc lộ một sự bất cập to lớn: chưa tạo ra được bước chuyển mạnh mẽ sang hoạt động theo đòi hỏi của "lôgíc cầu". Vì vậy, kênh thông tin ngược cho dù có được khơi thông nhưng các cơ quan TTKH xã hội vẫn tỏ ra bất cập không đáp ứng nhanh, kịp thời và đầy đủ các thông tin cần cho phát triển kinh tế... 37).
- TTKH chưa đáp ứng được nhu cầu của các vùng sâu, vùng xa. Nhìn chung thông tin KH-CN chưa đến được với số đông dân cư vùng sâu, vùng xa. Việc chuyển tải thông tin còn chậm. Nội dung thông tin đôi khi còn xa vời, chưa sát thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống và do đó hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Hơn nữa, có thể nói thông tin KH-CN đến với người dân vùng sâu, vùng xa bằng kênh trực tiếp của hệ thống tin khoa học còn chưa nhiều (mà chủ yếu qua các chương trình, dự án, qua đài, báo truyền hình trung ương và địa phương) và nội dung thông tin KH-CN nhiều khi mới dừng ở mức nâng cao dân trí, chưa đi mạnh vào làm ăn kinh tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên diện rộng38).
Việc phục vụ thông tin cho người dân ở nông thôn và vùng sâu vùng xa phải xuất phát từ cơ sở, từ thực tiễn sản xuất, từ hoàn cảnh của từng vùng. Tuy nhiên hệ thống thông tin sát với cơ sở ở nước ta hiện rất kém. Theo tác giả Đoàn Quang Lân: "Quan sát, tổng hợp qua các ấn phẩm thông tin KH-CN địa phương những năm gần đây, cùng với nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng và phong phú về loại hình, có chất lượng về nội dung, những thông tin vẫn còn đơn điệu, một chiều, thiếu tiếng nói từ người nông dân, tính sáng tạo chưa rõ nên còn kém hấp dẫn với người dùng tin" 39).
37)
Xem: Lại Văn Toàn, Tác động của TTKH xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, T/c: “TTKH xã hội”, số 12/2002.
38)
Theo Tạ Bá Hưng: "Thông tin KH-CN phục vụ vùng sâu, vùng xa", T/c: “Hoạt động khoa học”, số 2/2007.
39)
Đoàn Quang Lân: "Để hoạt động thông tin KH-CN địa phương có hiệu quả hơn", Báo Khoa học và Phát triển, số 45, ngày 6-12/11/2005.
- TTKH còn rất hạn chế trong phục vụ các doanh nghiệp và người nông dân. Đổi mới công nghệ có ý nghĩa nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế, nhưng ở nước ta, hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Ngoài những nguyên nhân thường được nói đến nhiều như: nhận thức về thách thức của hội nhập của các doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, trình độ đội ngũ lao động của doanh nghiệp còn thấp, thiếu vốn cho đổi mới công nghệ,... còn có cản trở đáng kể do thiếu thông tin về công nghệ, những chuyên gia thực sự về đánh giá và tư vấn công nghệ, các tổ chức môi giới công nghệ.
Trên thực tế, khi buộc phải tiến hành đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp dường như dấn thân vào cuộc phiêu lưu kiểu "bịt mắt bắt dê". Cách thường làm của doanh nghiệp là tự tìm hiểu có doanh nghiệp nào trong nước đã nhập công nghệ mới thì làm theo (điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được dễ dàng vì các doanh nghiệp luôn muốn giữ bí mật với đối thủ cạnh tranh trong ngành).
Việc thiếu thông tin về công nghệ không chỉ gây nên những khó khăn trong tìm kiếm công nghệ mới mà nhiều khi còn gây hậu quả nặng nề hơn là mua về các công nghệ không phù hợp, gây lãng phí lớn.
Đổi mới công nghệ có ý nghĩa quyết định tới khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Sẽ không sợ sai lầm khi khẳng định rằng, nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nói đến hội nhập thì trước hết phải bắt đầu từ đổi mới công nghệ diễn ra ở các doanh nghiệp. Bởi vậy, những lực cản đối với đổi mới công nghệ như thiếu các thông tin công nghệ cần được sớm quan tâm giải quyết 40).
Mặc dù có tới hơn 500 cơ quan thông tin KH-CN trên cả nước, nhưng các doanh nghiệp phàn nàn về việc họ thiếu thông tin. Các cơ quan thông tin KH-CN trong nước tồn tại dường như chỉ để phục vụ cho cơ quan quản lý cấp trên họ.
Hiện nay TTKH vẫn còn mang tính chung chung, hiệu quả chưa cao và cũng chưa có cách đánh giá hiệu quả cụ thể của nó. Do vậy các cơ quan quản lý và các nhà quản lý hoạt động khoa học vẫn chưa đánh giá đúng vai trò, chức năng của TTKH.
40)
Hoàng Xuân Long: "Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp", T/c: “Hoạt động khoa học”, số 5/2005.
- Vẫn còn những vướng mắc giữa tính dân chủ của TTKH với sự quản lý thông tin theo yêu cầu của các cơ quan bảo mật. Nhiều cán bộ nghiên cứu vẫn khó khăn khi tiếp cận các thông tin được cho là nhạy cảm. Nhiều khi do yêu cầu bảo mật nên có sự bưng bít thông tin, mà đáng ra một số thông tin nhiều người cần được biết.
- Tình hình đầu tư tài chính cho thông tin rất ít nên chúng ta khó tiếp cận được nhiều thông tin của nước ngoài, ngay cả khi đã có mạng Internet, vì phải trả tiền bản quyền sản phẩm.