Khu công nghiệp, khu kinh tế

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHÍ VÀ CÁC DỰ ÁN CÓ NHU CẦU SỬ DỤNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035 (Trang 40 - 41)

4. Nội dung của Quy hoạch

2.1.3.3. Khu công nghiệp, khu kinh tế

Khu công nghiệp (KCN):

Tỉnh Quảng Trị có 03 KCN nằm trong Danh mục các KCN ưu tiên phát triển đến năm 2015 và định hướng đến 2020 do Chính phủ thành lập là: KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang và Tây Bắc Hồ Xá với tổng diện tích là 597,6 ha.

Cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp cơ bản được hoàn thiện và đang phát huy hiệu quả. Khu công nghiệp Nam Đông Hà hiện đã có 25 dự án đăng ký đầu tư. Khu công nghiệp Quán Ngang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút 17 dự án đăng ký đầu tư. KCN Tây Bắc Hồ Xá hiện có 04 doanh nghiệp đang hoạt động. Trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đang tiếp tục hình thành các cụm công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Mặc dù đã có những bước phát triển song ngành công nghiệp vẫn đang gặp những thách thức lớn như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế; trang thiết bị và trình độ công nghệ còn lạc hậu; thiếu các dự án đầu tư lớn mang tính đột phá; một số nhà máy chưa phát huy hiệu quả đầu tư, thiếu vốn đầu tư nên còn kéo dài thời gian xây dựng; cơ chế chính sách chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Khu kinh tế (KKT):

Nhằm khai thác hết lợi thế về vị trí địa lý giao thông của tỉnh Quảng Trị trong hành lang kinh tế Đông-Tây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu kinh tế Đông-Nam Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020. KKT này có diện tích khoảng 23.711 ha. Các ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển gồm: Công nghiệp sản xuất nhiệt điện, Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, sản xuất VLXD, công nghệ sinh học, dệt may, thủy hải sản, cơ khí tiêu dùng. Đặc biệt sẽ hình thành và phát triển Trung tâm điện lực công suất từ 2400 MW nhằm cung cấp thêm nguồn điện cho lưới điện quốc gia.

Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng,... Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Quảng Trị có điều kiện giao thông khá thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Qua địa phận Quảng Trị có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và nhánh Tây), tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc qua tỉnh, và Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á cho phép Quảng Trị có thể giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng và cả nước. Cảng Cửa Việt là một trong những cảng biển có thể phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua đường Xuyên Á. Cách không xa trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà có sân bay Phú Bài - Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km).

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHÍ VÀ CÁC DỰ ÁN CÓ NHU CẦU SỬ DỤNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035 (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)