Vai trò của giáo dục đạo đức đối với sự phát triển xã hộ

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng cộng đồng sóc trăng trong giai đoạn hiện nay luận văn (Trang 29 - 32)

Ngay từ thời cổ đại cách đây hàng nghìn năm, vai trò của đạo đức đối với xã hội đã được các nhà tư tưởng xem xét và bàn luận tới từ nhiều góc độ khác nhau.

Trong xã hội Trung Hoa cổ đại, Khổng Tử (thế kỷ VI trước Công nguyên) đã khuyên học trò “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông mong muốn xã hội phát triển bình ổn, gia đình sống hạnh phúc, con người giữ được đạo lý. Mạnh Tử rất đề cao đạo đức đến mức ông đề xuất quản lý xã hội bằng đức trị.

Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, học thuyết của đạo Phật do Thích Ca Mâu ni sáng lập đã đề cập đến nhiều vấn đề đạo đức. Cái cốt lõi nhất trong hệ thống đạo đức Phật giáo là khuyên con người sống thiện, biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, tránh điều ác.

Trong xã hội Hy Lạp- La Mã cổ đại, đặc trưng cơ bản nhất về giáo dục con người thông qua những truyền thuyết, các sử thi…nhằm đề cao những giá

trị đạo đức của con người. Đó là thần Athena đẹp như mặt trăng, đầy tình nhân ái đối với con người. Hình tượng thần Dớt có tài- đức vẹn toàn. Ôđixê là bản trường ca bất hủ, một biểu tượng cao đẹp về tính trung thực, lòng dũng cảm, sự trong sáng trong tình bạn, tình yêu…. Tất cả những hình tượng đó đều là những phẩm giá đạo đức tốt đẹp của con người.

Ở Việt Nam, vấn đề đạo đức được các nhà nghiên cứu xã hội đặt ra rất sớm. Đặc biệt trong các truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, nhân dân ta đã đề cao những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức giúp công nhận người hướng tới những điều tốt đẹp. Truyện Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Trạng Quỳnh…. đều giáo dục con người hướng thiện và có nhân cách cao đẹp trong cuộc sống.

Vấn đề đặt ra là tại sao con người lại sớm quan tâm đến đạo đức? Bởi vì đạo đức có một vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội.

Thứ nhất, đạo đức là nhu cầu khách quan của đời sốngx xã hội. Trong đời sống xã hội của con người, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm đảm bảo cho các cá nhân và cộng đồng tồn tại, phát triển. Sống trong xã hội, ai cũng phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình và cộng đồng, từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng.

Thứ hai, đạo đức có vai trò trong việc duy trì trật tự, bình ổn và phát triển của xã hội, xã hội phát triển nhanh hay chậm, tiến bộ hay trì trệ, suy cho cùng là do tính tự nguyện tự giác của con người, đồng thời do mức độ con người nhận thức được quy luật và hành động phù hợp theo quy luật. Chính đạo đức đã đóng vai trò quan trọng để tạo dựng nên cuộc sống tốt đẹp cho xã hội và giúp con người hoàn thiện nhân cách. Từ khi con người và xã hội loài người xuất hiện, đạo đức cũng hình thành và tham gia vào quá trình điều chỉnh ý

thức và hành vi của con người. Cùng với pháp luật, đạo đức góp phần quan trọng vào việc điều chỉnh thái độ, hành vi con người, qua đó điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mặc dù pháp luật thì chặt chẽ, chính xác, ghi thành văn có tính bắt buộc và khung hình phạt có nhiều nấc, nhưng lại không trừng phạt được từ trong ý nghĩ (ý nghĩ phạm tội). Trong khi đó, đạo đức mang nặng tính khuyên nhủ, khung hình phạt không có các nấc trung gian, chỉ có thiện và ác, tốt và xấu, nhưng nó lại có thể trừng phạt người ta ngay từ trong ý nghĩ (ý nghĩ xấu) nhờ sự phán xử của lương tâm. Đó chính là một nét đặc thù của đạo đức, tạo nên sức mạnh to lớn của đạo đức trong đời sống xã hội.

Thứ ba, đạo đức có tác dụng cảm hoá con người, giúp con người nhận thức và hành động theo lẽ phải, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Đồng thời đạo đức giúp con người sáng tạo ra hạnh phúc, gìn giữ phẩm giá, làm thức dậy trong con người những tình cảm tốt đẹp, những phẩm chất cao quý, đó là lòng nhân ái, vị tha, tính trung thực, thẳng thắn…. Đạo đức như một động cơ có sức mạnh thôi thúc con người đấu tranh chống lại những cái ác, cái xấu, giữ gìn và phát huy những cái tốt, cái thiện. Nói cách khác, đạo đức luôn hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ.

Như vậy, đạo đức có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Xã hội loài người càng tiến lên thì vai trò của đạo đức cũng tăng lên, có thể đạo đức sẽ nắm vai trò điều khiển xã hội, thay thế chức năng quản lý con người bằng pháp luật. Khi xã hội phát triển đạt đến văn minh thì một số hình thái ý thức xã hội sẽ mất đi, nhưng đạo đức xã hội vẫn tồn tại và phát triển cùng với loài người.

Tuy nhiên, cần thấy rằng sự tác động của đạo đức đến đời sống xã hội có tính hai mặt. Nếu hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức tiến bộ, phù hợp với đời sống xã hội , với xu thế vận động của xã hội thì nó sẽ tác động tích cực, thúc đẩy xã hội phát triển; nếu ngược lại, nó sẽ gây nên những

tác động tiêu cực, cản trở sự phát triển xã hội. Vì vậy, trong quá trình xây dựng xã hội mới, chúng ta phải biết kế thừa và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống phù hợp với xã hội ngày nay, loại bỏ những chuẩn mực đạo đức cũ, không còn phù hợp, đồng thời xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới nhằm thúc đẩy xã hội phát triển.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng cộng đồng sóc trăng trong giai đoạn hiện nay luận văn (Trang 29 - 32)