đạo đức cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động trước hết đến những người trẻ tuổi, bởi những đặc trưng phổ biến của nhóm người này. Sinh lực tràn trề, chứa đầy những mẫn cảm với cuộc sống, trái tim nóng bỏng những khát khao về những điều mới mẻ và tốt đẹp, sinh viên bao giờ cũng là lực lượng nhạy cảm nhất với quá trình hội nhập quốc tế.
Dưới ảnh hưởng của xu thế mở cửa, sinh viên nước ta ngày càng quan tâm tới những vấn đề đang đặt ra trong xã hội hiện đại, những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, tham gia nghiên cứu, giải quyết những vấn đề phức tạp và khó khăn nhất mà nhân loại đang quan tâm. Nhiều sinh viên đã vận dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ và kỹ thuật của thế giới vào công việc lao động sáng tạo xây dựng và phát triển đất nước. Nhu cầu về hội nhập và giao lưu quốc tế đã lôi cuốn sinh viên đến với các lớp ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh, tiếp xúc và trao đổi với những nhà khoa học, những sinh viên, thanh niên các nước về những vấn đề đang đặt ra đối với nhân loại.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thế hệ trẻ nước ta. Dưới ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, bên cạnh xu hướng tích cực và tiến bộ, nhiều yếu tố tiêu cực từ bên ngoài cũng thâm nhập, tác động không nhỏ tới nhận thức và hành vi của sinh viên nước ta. Nhiều vấn đề có liên quan tới nhận thức, tư tưởng, quan điểm chính trị, lối sống, đạo đức, nhân cách của sinh viên. Những giá trị truyền thống, gia
đình, văn hóa, đạo đức đang có xu hướng bị sinh viên xem nhẹ. Việc tìm hiểu, phân tích và tiếp thu các xu hướng tư tưởng và trào lưu của xã hội hiện đại trong sinh viên còn có phần cảm tính, thiếu cân nhắc và chọn lọc một cách sáng suốt.
Sinh viên cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ về bản lĩnh chính trị, ý thức sẵn sàng đối phó với những âm mưu lợi dụng vấn đề toàn cầu hóa của các thế lực thù địch hòng thâm nhập, can thiệp, làm lung lạc ý chí của thanh niên sinh viên, phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Điều đó khiến cho một bộ phận sinh viên thanh niên gặp phải những vấp váp, sai lầm trong nhận thức và hành động.
Do thiếu những kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết, một bộ phận không nhỏ sinh viên nước ta đã bị những mặt trái, mặt tiêu cực nói trên tác động, họ đã sa vào cạm bẫy của những tệ nạn xã hội và lối sống vị kỷ, nhầm lẫn giữa những giá trị tốt đẹp chân chính với những đòi hỏi vật chất tầm thường, những dục vọng cá nhân, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cộng sản, suy thoái về đạo đức, lối sống, nhân cách.
Chính điều đó đã và đang đặt ra đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của sinh viên và hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Để có một sự phát triển lành mạnh, lối sống sinh viên cần có được những định hướng đúng đắn, có sự chủ động, xác định rõ vị trí, vai trò của nó trong chiến lược phát triển văn hóa cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; cần phải có một nhận thức đúng đắn, khoa học về lối sống văn hóa sinh viên cũng như mối quan hệ biện chứng giữa lối sống văn hóa sinh viên với lối sống văn hóa xã hội. Việc giáo dục đạo đức, lối sống hướng tới xây dựng một thế hệ sinh viên có nhân cách phát triển toàn diện và hài hòa càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn.
Như vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, sinh viên chính là để giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của nước nhà và là người cách mạng chân chính. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; là công việc gốc của Đảng và Chính phủ, của Đoàn Thanh niên, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Sinh viên là một đội ngũ trí thức của xã hội, đại diện cho một thế hệ trẻ, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Đảng phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng họ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”
Với tư cách là những người trẻ tuổi, đang trưởng thành, phát triển về nhân cách, có nhu cầu khẳng định mạnh mẽ về cá tính, các thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam là những người liên hệ trực tiếp với các thế hệ khác trong cộng đồng xã hội. Họ không phải bắt đầu sự nghiệp từ đầu mà phải tiếp tục những gì cha anh làm được trước đó và nâng nó lên một tầm cao mới, một trình độ chất lượng mới. Hiện tại muốn phát triển, muốn vươn lên phải dựa vào truyền thống, trong đó có truyền thống đạo đức, truyền thống thẩm mỹ của dân tộc. Nhưng để các giá trị truyền thống đạo đức, truyền thống thẩm mỹ của dân tộc không bị mai một, không bị lu mờ trước hiện thực thì phải hết sức coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục lối sống cho thanh niên sinh viên.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên là một yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đề ra yêu cầu đối với giáo dục đại học là: “Nội dung giáo dục phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản với kiến thức chuyên ngành và các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tương ứng với trình độ chung của khu vực và thế giới”[8, tr.26].
Đối với sinh viên nói chung, tuy đã được học tập về đạo đức và giáo dục đạo đức trong giáo dục phổ thông, nhưng sự hiểu biết của họ về các vấn đề này chưa thật sự chuyên sâu và chưa mang tính hệ thống. Để sinh viên có điều kiện nắm được kiến thức về đạo đức và giáo dục đạo đức một cách chắc chắn, mang tính hệ thống, đòi hỏi các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải giữ vai trò liên kết, nòng cốt trong giáo dục, kể cả giáo dục đại học. Các bộ môn Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Địa lý, Đạo đức học, các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có tác dụng bồi dưỡng và nâng cao tầm hiểu biết của sinh viên về lịch sử dân tộc, về đạo đức truyền thống dân tộc, đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin và đạo đức cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, trong đó biểu hiện tập trung nhất ở môn Đạo đức học.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên là việc làm thường xuyên, liên tục, không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của giáo dục hiện nay. Điều 2, Luật giáo dục ghi rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Những con người được đào tạo đó sẽ là người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Để
đạt được mục tiêu trên, ngoài việc giáo dục trí tuệ, thể lực và kỹ thuật còn phải quan tâm đến giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục lao động và kỹ thuật quân sự cho thế hệ trẻ. Đồng thời hết sức coi trọng giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho sinh viên.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên (bao gồm đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng) là một trong những nội dung quan trọng góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lối sống văn hóa cho sinh viên, giúp họ củng cố niềm tin và sức mạnh trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Sinh viên ngày nay phải tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tin tưởng vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta. Có được niềm tin, sinh viên sẽ xác định rõ nhiệm vụ của mình, nối tiếp truyền thống cha anh, xây dựng làm giàu quê hương, đất nước. Từ đó, sinh viên phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng hoàn thiện nhân cách, tăng cường tri thức, tinh thông nghề nghiệp, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Với đặc trưng của tuổi trẻ tràn đầy sức sống, mẫn cảm và khát khao cái mới, hội nhập quốc tế chính là cánh cửa mở ra cho sinh viên những cơ hội để khẳng định bản lĩnh, năng lực, thực hiện những ước mơ và hoài bão của tuổi thanh niên. Môi trường cuộc sống sôi động, đầy tính cạnh tranh bắt buộc sinh viên phải có sự nỗ lực học tập, phấn đấu và trau dồi bản thân để vươn lên, để khẳng định.
Ở nước ta, trong điều kiện mới của thời kỳ mở cửa và giao lưu quốc tế, chưa bao giờ sinh viên lại có cơ hội tiếp xúc mạnh mẽ và sâu sắc đến như vậy đối với những kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, mở cửa và giao lưu quốc tế, hàng loạt những vấn đề tiêu cực gắn liền với xã hội phương Tây và lối sống phương Tây
cũng đã thâm nhập vào nước ta. Các sai lệch văn hóa, văn hóa phẩm đồi trụy, lối sống thực dụng đề cao hưởng thụ và dục vọng cá nhân, nạn mãi dâm và ma túy, nạn bạo hành và tội phạm, việc coi nhẹ các chuẩn mực của cuộc sống gia đình, sự ngược đãi cha mẹ và người già, sự thiếu quan tâm chăm sóc, thậm chí còn lạm dụng tình dục trẻ em… đang len lỏi vào cuộc sống thường ngày của các gia đình Việt Nam.
Bên cạnh sự tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã bộc lộ và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên, làm thay đổi các quan niệm của họ về các giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ truyền thống của dân tộc. Điều đáng lo ngại là sự sa sút về phẩm chất, đạo đức ở một bộ phận sinh viên, thể hiện ở xu thế chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, có tư tưởng sùng ngoại, văn hóa ngoại, lối sống ngoại, từ đó có thái độ coi thường hoặc lãng quên các giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức cách mạng của cha ông. Những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống sinh viên đang làm rối loạn kỷ cương gia đình, xã hội và làm bùng lên những làn sóng tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình định hình và phát triển nhân cách của lứa tuổi thanh xuân. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn làm cho thanh niên sinh viên, lớp người kế cận bị tổn thương và mất phương hướng về đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, cách tiếp thu và hòa nhập vào cái mới.
Những giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng của cha ông có tác dụng nâng cao sự hiểu biết, lòng tự hào dân tộc cho sinh viên, đồng thời, giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của đạo đức, giáo dục đạo đức trong đời sống xã hội. Tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống văn minh, tiến bộ cho sinh viên còn thể hiện ở chỗ, giúp sinh viên nhận ra những giá trị đích thực và sức sống lâu bền của những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng như những giá trị đạo đức cách mạng mà cha ông để lại.
Các giá trị đạo đức của dân tộc và nhân loại như chiếc bản lề đưa thanh niên sinh viên vào nền nếp cuộc sống, tạo cho họ lối sống lành mạnh, trong sáng, thủy chung. Nhờ có những chuẩn mực giá trị đạo đức, sinh viên sẽ chủ động và có ý thức trong cuộc sống và trong cách tiếp thu những giá trị đạo đức mới, chọn lọc những giá trị đạo đức tinh hoa của văn hóa nhân loại. Những cái mới mà sinh viên tiếp nhận say mê không làm cho họ xa lạ với chính mình, với truyền thống đạo đức dân tộc, thanh niên sinh viên hăng hái vươn tới những giá trị thời đại mà không đánh mất đi ý thức cội nguồn, bản sắc dân tộc. Như vậy, giáo dục đạo đức cho sinh viên sẽ góp phần tạo nên những con người có nhân cách Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ thực tế trên, chúng tôi nhận thấy rằng, việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên chẳng những là cần thiết mà còn là hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay.