Ngôn ngữ chân thật, gần gũi với đời sống hàng ngày

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 90 - 98)

Ma Văn Kháng bỏ không ít công sức, học tập, lời ăn tiếng nói quần chúng nhưng phải của cả giới trí thức, khoa học nữa. Quần chúng hiểu theo nghĩa rộng là công chúng trong cuộc sống. Ông có thói quen do lâu ngày mà hình thành là mình rất nhạy cảm với sự mới lạ của ngôn ngữ. Đọc một trang sách, nghe một người nói chuyện. Sức hấp dẫn với mình ngay lúc đó chưa hẳn đã là nội dung đâu, mà trước hết, có khi lại là ngôn ngữ. Thấy có cách diễn đạt, kiểu câu, từ ngữ lạ, hay, chính xác, nghĩa là đi đến tận cùng của ý tứ là mình ghi chép, găm vào trí nhớ liền.

Trong tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, tác giả sử dụng khẩu ngữ dày đặc, vì đây là thành phần quan trọng, là những từ ngữ ít trau chuốt, lựa chọn, chứa đựng tất cả những yếu tố thô tục, những đặc điểm của lời nói hàng ngày hay nói cách khác là ngôn ngữ nói thông thường. Lớp khẩu ngữ này thể hiện được cái bình dị của cuộc sống thường ngày và con người, cuộc sống của họ hiện lên gần gũi, sinh động trong những trang văn. Đây là cuộc đối thoại giữa cô Đại Bàng, bà Duy và cô Quyên rất tự nhiên, đời thường:

Cô Đại Bàng đi chợ về, xách cái làn nặng vẹo cả một bên vai, vừa bước vào sân, đã kêu toang toang:

- Trời đất ơi, thịt lợn lên một lúc ba giá, bà và cô giáo ạ. Tất tật các mặt hàng khác cũng vậy, sống thế nào nổi bây giờ!

Bà tôi cười trở lại với con người hóm hỉnh của mình:

- Thế thì ta bỏ thịt, trở về với rau cỏ, cá mú. Chả có gì mà phải sợ, cô Đại ạ.

- Thì con theo ý bà đây. Con thì cơm rau cũng trôi ngon ba bát. Nhưng còn hai con ranh con ấy cơ. Động cái gì không vừa miệng là dỗi, là ăn vạ.

(…)

- Mình có cối cho tớ mượn một lát - Để em rửa cái chày đã

- Vẽ. Mình vừa giã bột chứ gì? [13; 71 - 72]

Ngoài ra, trong tác phẩm ta thấy nhà văn còn sử dụng rất nhiều từ địa phương, là lớp từ thông dụng mang đặc trưng của vùng quê, địa phương nào đó. Ở đây, tác giả sử dụng lớp từ địa phương đặc giọng vùng thanh nghệ: “cháu lạ lắm hỉ? Cháu nỏ biết kỵ mô! Vì có trộ bao giờ! Nhưng kỵ biết cháu. kỵ, cụ, ông cháu, cả bố cháu nữa, ở dưới này từ lâu cứ mong mỏi được gặp con cháu dòng họ Lã mình mà bây chừ mới được thỏa” (...) “vậy hôm ni kỵ sẽ dẫn cháu đi sâu gặp tổ tiên....(...) “nơi yên nghỉ là chỗ tê kia” (...). “à, rứa thì kỵ hiểu!! sắt để rèn thanh đoản đao cho ông cầm tê” [13; 209 - 214].

Với hàng loạt từ địa phương vùng thanh nghệ như “hỉ”, “nỏ”, “mô”, “trộ”, “chừ”, “ni”, “tê”, “rứa” được nhà văn xây dựng làm cho câu văn thêm phong phú và gần gũi với cuộc sống giao tiếp hàng ngày của con người.

Đồng thời, nhà văn còn sử dụng nhiều yếu tố dân gian như ca dao, thành ngữ, tục ngữ và cách nói dân gian. Tác giả sử dụng linh hoạt những thành ngữ, tục ngữ có sẵn của cha ông: “tham con đỏ bỏ con đen”, “ở hiền gặp lành”, “bòn tro đãi sạn”, “hoàng kim hắc thế tâm”, “chó cắn áo rách”, “họa vô đơn chí”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “của thiên trả địa”. Hay tác giả còn vận dụng rất nhiều câu ca dao: “dò sông dò biển dò nguồn, biết sao được bụng lái buôn mà dò”, “những người mặt nhỏ như niêu, cái răng trắng ởn chồng yêu ỡm ờ”, “bốn giờ cắp nón ra đi, mặt chó không biết mặt gà cũng không”, “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai, còn cái thủ cái tai thì đem biếu chú. Để chú khi vui thì nước nước non non, khi buồn thì giở quân son bài ngà”… Và vận dụng linh hoạt rất nhiều cách nói dân gian thể hiện rõ tính cách nhân vật: “qua cơn bĩ cực tới

tuần thái lai”, “hưởng lộc như ôm cọp ngủ”, “chăn trâu lại dắt nghé luôn”, “tốt lễ thì dễ van”, “lợn lành trói chặt, thiện ác tùy sức”.

Chính sự linh hoạt của nhà văn trong cách sử dụng khẩu ngữ, biện pháp tu từ và các thành tố dân gian và cách tổ chức các câu chuyện nhỏ trong một cốt truyện lớn. Tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời đã hấp dẫn được người đọc một cách sâu sắc. Đó không đơn thuần là cuốn sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn là cuốn sách dành cho tất cả mọi người trong mọi thời đại. Và với vốn từ ngữ phong phú, Ma Văn Kháng đã tạo nên những nét mới mẻ trong văn phong của mình.

Trong tiểu thuyết Chuyện của Lý, Ma Văn Kháng đã sử dụng rất nhiều chất liệu dân gian và chất liệu mang đậm phong vị miền núi. Trước hết là chất liệu dân gian với hệ thống ca dao, tục ngữ, thành ngữ…như một sự lắp ghép nhuần nhuyễn vào cấu trúc tác phẩm. Đặc biệt, sự gia tăng chất liệu dân gian đó lại được ông sử dụng đúng chỗ, đúng cách, đúng người nên nó phát huy hiệu quả ở mức cao nhất. Trong mỗi hoàn cảnh, với mỗi con người cụ thể thì những chất liệu ngôn ngữ mang đậm sắc thái dân gian đó lại được vận dụng với những mục đích giao tiếp khác nhau. Ở Chuyện của Lý, Ma Văn Kháng cũng đã sử dụng một số lượng lớn chất liệu dân gian như các câu ca dao, câu đố, câu thành ngữ, tục ngữ …ở trong tác phẩm để khẳng định tình yêu thương, sự cưu mang, săn sóc của những tấm lòng nhân hậu đối với Lý. Chẳng hạn, để tạo sự âu yếm, ru cho trẻ ngủ ngon giấc trong lúc mẹ đi vắng hoặc bận công việc, tạo sự cảm thông từ đứa trẻ, Ma Văn Kháng đã vận dụng bài ca dao: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu - Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về …” [17; 82]. Để cho trẻ biết ơn những người đã cưu mang mình, đã tạo ra sản phẩm để cho mình được hưởng thụ, Ma Văn Kháng lại vận dụng câu đố: “Ăn sống được - Ăn chín càng ngon - Gieo trồng không lên - Đố là cái gì? (hạt muối)” [17;269]. Để trẻ nhớ về cội nguồn, về các lễ hội, Ma Văn Kháng lại vận dụng các trò chơi truyền thống như: “Nu na nu nống; Thả đỉa ba ba; Rồng rắn lên mây …” [17; 270]. Để giáo dục đạo đức trẻ sống theo lẽ phải và làm theo việc thiện, Ma Văn Kháng lại vận dụng vào kể

các câu chuyện cổ xen lẫn với lời hát ru như truyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Sự tích mặt trăng mặt trời…Vì ý nghĩa răn dạy đạo đức ở trong các câu chuyện thường bộc lộ ở việc ca tụng đức tính dũng cảm, sức mạnh thể chất, trí thông minh, tinh thần hữu nghị, đức hi sinh vì đồng loại, tinh thần trọng danh dự…Với tấm lòng trong sáng trẻ thơ, các em sẽ nhận được ở đây những bài học bổ ích về lối sống có mục đích cao đẹp. Ngoài ra, Ma Văn Kháng còn sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ để diễn tả nội dung câu nói một cách cô đọng, hàm súc và giàu sắc thái biểu cảm như “Nghiêng nước nghiêng thành”, “tác oai tác quái”, “đục nước béo cò”, “thắt đáy lưng ong”…Nếu như ở trong tiểu thuyết

Côi cút giữa cảnh đời, chất liệu dân gian được Ma Văn Kháng tin cậy đặt vào ngôn ngữ của bà nội bé Duy, thì ở trong tiểu thuyết Chuyện của Lý, chất liệu mang đậm phong vị miền núi lại được Ma Văn Kháng gửi gắm, đặt trọn niềm tin vào ông Thòn, bà Pham - người Dao hiền lành, chất phác. Vì theo nhà văn, cuộc sống miền núi và con người miền núi cho ông rất nhiều lợi thế. Nếu “không có chất liệu thì tài năng mấy cũng chịu. Cũng như thế, cách biểu hiện đậm đà màu sắc dân tộc cũng có sẵn ở trong lời kể chuyện, giao tiếp của bà con. Có thể học ở đó, bổ sung làm giàu cho văn phong của mình”. Quả như thế, nhờ sự am hiểu sâu sắc về đời sống miền núi nên khi khám phá tiểu thuyết Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng, người đọc sẽ được “sống” trong môi trường đậm chất miền núi bởi bao quanh ta là cả một thế giới sinh động những tên đất, tên người, những sự vật, sự việc, những sinh hoạt, những cách cảm cách nghĩ mang đặc trưng miền núi. Phả vào ta hơi thở miền núi nồng nàn, thuần hậu mà hoang dã, đơn sơ. Này là tên những miền đất lạ xa xôi mà ai đã đặt chân đến một lần thì không thể nào quyên như: Lao Táo Chải, Cồ Dề Chải, Thèn Phàng, Bản Ngồ… Những địa danh Tây Bắc ghi mỗi tên dưới tiểu thuyết Chuyện của Lý nói riêng và các tác phẩm của Ma Văn Kháng nói chung trong thời kỳ đầu đã ghi dấu ấn nhà văn trẻ trong sự gắn bó hết mình với mảnh đất vùng cao này. Sau này, khi đã trở về miền xuôi, Ma Văn Kháng vẫn “không hề cắt đứt với những ngày sống đó”.

Có thể nói, sự sống động của ngôn ngữ trong văn chương Ma Văn Kháng viết về miền núi nói chung, trong đó có tiểu thuyết Chuyện của Lý đã khiến cho nhiều người đọc sách cứ đinh ninh tác giả là người dân miền núi. Bởi vì, Ma Văn Kháng đã gửi vào tác phẩm đó điệu hồn người vùng cao qua cách sử dụng lối phô diễn của người miền núi. Điều này không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ nhân vật và ngay ngôn ngữ người trần thuật cũng đầy biến hóa: lạ mà quen, quen mà lạ với lối tư duy giàu tính hình tượng, ngôn ngữ giàu chất thơ, những so sánh ví von giàu hình ảnh… Nhưng nó được thể hiện đậm nét nhất là qua nhân vật bà Pham. Đầu tiên phải kể đến là lời ru, lời hát hoặc câu chuyện kể của bà đối với bé Lý: “Ôi i a mây dỏm hộ lìn dòng (Cái ngủ mày ngủ cho ngoan) hay truyện cổ tích Ấn nhà trời [17; 12]. Lời ru ở đây mang đậm nét tư duy người miền núi trong lỗi diễn đạt mang tính khẩu ngữ: “Ôi i a”. Đó là lời nguyền rủa của bà Pham về con hổ què khi nó nhảy lên giường Lý nằm: “Hìa chú pết mày, hổ à!” [17; 47]. Đó là lời của bà dạy bé Lý nói: “Cu đi (bà), tào nom che (con gà), tào chu (con chó), đàm mào (con hổ), dia, kiềm (người Dao), Phun tráng ôông! (Cháu yêu ông)… [17; 85]. Sau khi Lý biết nói, Lý không chỉ nói tiếng kinh mà còn nói cả tiếng Dao rất giỏi. Lý cất tiếng nói rất to hỏi một bà đang địu thóc: “Cu nhía nải hái khấu diềm nhé? (Bà địu thế có khó nhọc không ạ?) [17; 98]. Đúng là ngôn ngữ nào, sắc thái ấy. Ngoài lời ru, lời hát, câu chuyện cổ tích, từ ngữ Dao thông tục....thì cái cảnh mẹ Nhu đi đón con đi thi học sinh giỏi về ốm, thời gian cũng được đo bằng cảnh sắc Dao, chuyện bà Pham bắt mạch cho Dương…cũng đều gắn với yếu tố văn hóa Dao. Tuy nhiên, ở miền núi vùng cao này còn hiện lên rõ nét qua: Cảnh mùa xuân, cảnh múa sư tử, khu vườn thuốc của bà Pham, cảnh đi kiếm củi của mẹ con Lý, cảnh Lý đi thi về hay cái chết của ông Thòn trong mối quan hệ với con mèo Nhung, con Mực, cảnh rừng già có con hổ, chó sói, cọp què…Mặc dù sử dụng hệ thống từ ngữ và lối phô diễn mang đặc trưng cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc miền núi, nhưng Ma Văn Kháng không hề lạm dụng. Nhà văn biết cách lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ miền núi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng truyện, từng nhân vật. Có thể khẳng định: “Sử dụng ngôn ngữ và cách viết sao cho có được

màu sắc bản địa mà vẫn không xa cách với lối diễn đạt hiện tại” là một ưu điểm lớn của Ma Văn Kháng.

Với cách sử dụng ngôn ngữ bình dị, đời thường đậm chất liệu dân gian và mang đậm phong vị miền núi trong các tiểu thuyết cho thiếu nhi, ta thấy Ma Văn Kháng đã tạo nên sức hút đặc biệt với một nét riêng độc đáo trong những trang văn viết cho thiếu nhi của mình.

Tiểu kết chương 3

Như vậy, về phương diện nghệ thuật, các tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng đã có nhiều thành công. Tác giả đã vận dụng tài tình các biện pháp để viết nên những trang văn hấp dẫn. Đó là việc chọn nhiều điểm nhìn trần thuật khác nhau, xây dựng tình huống truyện độc đáo, sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu linh hoạt.

Về điểm nhìn trần thuật, tác giả hầu hết để nhân vật tự kể. Ngoài ra, ông còn chú ý xây dựng nhiều tình huống gay cấn, bất ngờ lẫn tình huống bi kịch. Về mặt ngôn ngữ, ông đã sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ chân thật gần gũi, giàu kịch tính và ngôn ngữ đậm chất thơ, giàu chất biểu cảm. Về giọng điệu, ta bắt gặp ở ông nhiều sắc thái giọng điệu: giọng trữ tình, thiết tha, sâu lắng; giọng châm biếm, mỉa mai; giọng suy tư, triết lí. Tất cả tạo nên nét độc đáo trong văn chương của Ma Văn Kháng.

KẾT LUẬN

1. Ma Văn Kháng là nhà văn có nhiều đóng góp đối với nền văn xuôi Việt Nam, nhất là văn xuôi sau 1975. Ông thành công trên cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó, mảng tiểu thuyết viết cho thiếu nhi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả như Côi cút giữa cảnh đời, Chó Bi - đời lưu lạc, Chuyện của Lý,... Là một nhà văn tâm huyết với 48 năm lao động không biết mệt mỏi, ông không ngừng tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới tư duy tiểu thuyết cũng như phong cách nghệ thuật của mình. Có thể nói các tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của ông là những cuốn tiểu thuyết kết tinh được đầy đủ phong cách nghệ thuật cũng như tâm tư, tình cảm của ông trên từng trang văn. Trên nền bức tranh chung của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, các tiểu thuyết này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với độc giả và giới phê bình nghiên cứu.

2. Đi sâu và tìm hiểu, khám phá các tiểu thuyết cho thiếu nhi của tác giả, người đọc đã thấy được chiều sâu nhận thức hiện thực và tư tưởng nhân văn của tác giả. Khi viết về trẻ em, ông luôn dành cho nhân vật của mình sự quan tâm sâu sắc, sự chia sẻ và tình cảm yêu thương, trân trọng nhất. Ở cả ba tiểu thuyết, nhân vật trẻ em ở vị trí trung tâm truyện. Đó là các nhân vật dễ bị tổn thương nhất trong xã hội hiện đại, nhưng càng thiệt thòi, các em lại càng toát ra vẻ đẹp của sự chín chắn, ngoan ngoãn và nghị lực vượt lên số phận. Nếu không có ý chí, các em đã bị cuộc đời vùi dập. Hình ảnh các em trong tác phẩm đẹp như một mầm măng, tự vươn lên đón nhận ánh sáng mặt trời.

Đặc biệt, Ma Văn Kháng đã không ngần ngại phơi bày tất cả hiện thực ngổn ngang, bề bộn, trần trụi của cuộc sống có ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Từ chuyện những kẻ cầm quyền lộng hành, ngang ngược, tàn nhẫn cho đến những vấn nạn trong y tế, giáo dục; từ chuyện tha hóa đạo đức nhân cách của con người vì đồng tiền chi phối cho đến việc những giá trị truyền thống tốt đẹp dần mai một và bị phá vỡ. Tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng còn khám phá tận cùng vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của xã hội đó là sự chế ngự của đồng tiền. Chính trong xã hội đó đồng tiền đã chi phối tất cả và làm tê liệt mọi giá trị tinh

thần, đạo đức, mọi mối quan hệ trong xã hội. Gia đình cũng là một yếu tố tác động lớn tới trẻ em. Hiện thực ấy quả là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội về trách nhiệm đối với thế hệ trẻ.

Đồng thời nhà văn cũng đã thể hiện thái độ trân trọng, tin yêu những giá trị tốt đẹp còn tồn tại của tình đời, tình người trong cuộc sống hôm nay. Ma Văn Kháng là nhà văn của cái đẹp. Ông không chỉ ca ngợi cái đẹp tình đời, tình người trong cuộc sống đương thời mà ông còn luôn hướng về cái đẹp truyền

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 90 - 98)