Trẻ em đáng lẽ phải được hưởng sự chăm sóc đầy đủ về vật chất nhưng trong các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, các nhân vật trẻ nhỏ thường bị đặt vào hoàn cảnh nghèo khó, người thân trong gia đình không thể chu cấp đầy đủ cho các em. Cái thiếu thốn ấy cứ lẩn quất qua hình ảnh về một căn nhà cũ nát, qua sự khác biệt của các em với bọn trẻ giàu có,...
Trong Côi cút giữa cảnh đời, tác giả đã để cho nhân vật tôi - một cậu bé mới 15 tuổi nhìn lại cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn của hai bà cháu Duy, kể từ ngày mẹ Duy bỏ đi. Nhân vật trung tâm trong thế giới trẻ em là Duy. Duy lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của người bà nhân hậu song bà đã già và ốm yếu lắm rồi. Đọc truyện, ta thấy tội nghiệp trước hình ảnh một người bà đã ngoài 60 tuổi và một đứa cháu trai mới tròn 5 tuổi phải nương tựa vào nhau sống trong cảnh cô đơn. Mẹ Duy vừa bỏ đi chưa được bao lâu, thì cái căn nhà từng là tổ ấm êm đềm ngày xưa của gia đình Duy đã bị ông Đào Chí Hứng - Trưởng phòng hành chính, nơi mẹ Duy làm việc câu kết với ông Luông - Chủ tịch phường Ngọc Sinh, nơi bà cháu Duy cư trú đến thu hồi, thực chất là chiếm riêng cho bản thân. Từ căn hộ hai mươi tư mét vuông, chỉ để lại cho bà cháu Duy một góc phòng sáu mét vuông vừa kê được một chiếc giường chen giữa lối đi chung cho cả hai nhà. Bây giờ hai bà cháu phải sống trong cảnh chật chội, chèn ép và đặc biệt phải hàng ngày chứng kiến, chịu đựng những hành động thô bỉ, xỉ
vả, hành hạ, truy bức của bọn ma giáo kia vì lý do này nọ, kể cả vu khống chính trị. Cuộc sống chỉ trông cậy vào đồng lương công nhân ít ỏi của bà.
Cuộc sống đó tưởng như là sự tận cùng về nỗi khổ với hai bà cháu nhưng nó lại càng éo le, nghiệt ngã hơn nữa khi có sự xuất hiện của bé Thảm (con cô Quỳnh). Người bà hết lo cho đứa cháu nội 5 tuổi giờ lại phải cưu mang đứa cháu ngoại vừa lọt lòng đã phải xa rời vòng tay mẹ và cuộc sống của 3 bà cháu từ đó càng khó khăn, túng thiếu khi mà sức bà ngày một yếu, hai cháu đang ở tuổi ăn tuổi lớn mà giá cả thị trường ngày càng đắt đỏ. Sự xuất hiện của bé Thảm làm cho cuộc sống của hai bà cháu đã lao đao, khốn khó nay lại càng rơi vào bế tắc và có lúc tưởng như là không tồn tại được nữa. Thảm sinh ra chỉ được ít ngày bú sữa mẹ, còn những ngày về sau em được nuôi nấng hoàn toàn nhờ vào sữa đi bú chực của các cô, các chị có con nhỏ trong phường và bằng những thìa nước đường, nước cơm nặng tình bà.
Trong Chó Bi-đời lưu lạc, tác giả lại kể về gia đình cậu bé “tan đàn xẻ nghé”. Cậu vốn có cả bố lẫn mẹ, một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Nhưng vì bị đổ vạ nên bố cậu phải vào tù, anh cậu vì đánh nhau nên cũng theo chân bố đi nốt. Cuộc sống trở nên khó khăn với đồng lương quá eo hẹp của mẹ. Đến lúc mẹ cậu ốm liệt thì trách nhiệm gia đình hoàn toàn thuộc về cậu. Cậu vừa phải tự làm mọi thứ vừa phải chăm sóc mẹ. Cảnh nhà cứ nghèo túng dần.
Trong Chuyện của Lí, cuộc sống của Lí cũng được tái hiện không phải sung sướng, đầy đủ. Lý là đứa trẻ sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi về cả vật chất lẫn tinh thần. Vì “Lý là con không giá thú. Là con không cha. Là con hoang. Là một thành viên của nhân loại năm tỷ con người. Nhưng không phải là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến cái giấy khai sinh cũng không có nữa là. Cái Lý không có tên trong sổ hộ tịch. Nó không được hưởng tiêu chuẩn gì hết từ khi hoài thai trong bụng mẹ. Mẹ nó không được khám thai. Không có tiêu chuẩn nằm nhà hộ sinh. Không được cấp tiền để sắm tã lót. Không có tiền bồi dưỡng. Không được nghỉ một tháng trước và một tháng sau khi sinh” [17;83].
Như vậy trong các tiểu thuyết này những đứa trẻ như Duy, Thảm, Lý... đều phải sống cuộc sống hết sức khổ cực; qua đó ta thấy được sự xót xa, thương cảm của nhà văn đối với những số phận trẻ thơ.