Sự đồng cảm thấu hiểu của nhà văn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 52 - 56)

Tác giả thấu hiểu cho những nỗi khổ đâu, thiệt thòi của các em; cũng như khâm phục và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, ý chí vươn lên ở các em. Tình cảm ấy không được phát biểu trực tiếp mà thường thông qua hành động, tình cảm từ một nhân vật khác trong tác phẩm.

Trong Chuyện của Lí, sự đồng cảm, thấu hiểu của nhà văn được bày tỏ qua tình yêu thương của mọi người với Lí. Khi viết tác phẩm này, tác giả cũng đã trăn trở về cuộc sống của trẻ nhỏ, về tình yêu thương mà trẻ em vốn phải được nhận: “Số phận con người trong chiến tranh cùng với những gian nan trong cuộc sống bất toàn mà nó phải chịu. Đó là câu chuyện của hàng trăm cuốn tiểu thuyết ở xứ ta rồi. Thế còn số phận của những đứa trẻ thì sao? Về đề tài này tôi đã viết cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, trong đó trung tâm là hình ảnh một người bà của hai đứa trẻ côi cút thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn về

Chuyện của Lý thì rõ ràng đứa trẻ mang tên Lý phải là nhân vật chủ yếu của cuốn sách. Lý là đứa trẻ được tác giả theo dõi và miêu tả từ lúc là một ấu nhi, một sinh thể sống đơn thuần, tới khi hình thành trọn vẹn nhân cách con người”[9;30]. Với việc theo dõi và miêu tả bé Lý như vậy, Ma Văn Kháng thể hiện sự thấu hiểu, yêu quý và tin tưởng trẻ em vô bờ bến. Ông mong trong xã hội hiện tại, trẻ em sẽ phát huy hết khả năng của mình, được độc lập, tự chủ quyết định cuộc sống chứ không còn là nạn nhân của người lớn và xã hội nữa. Cho nên, việc theo dõi và miêu tả bé Lý ở trong cuốn sách Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng hoàn toàn trùng hợp với cách giáo dục con cái của ông bố CarlWeter. Lý tưởng giáo dục của ông là bồi dưỡng con trai trở thành một người phát triển toàn diện. Thực ra, đây có lẽ cũng là lý tưởng của mọi ông bố bà mẹ yêu con trên thế giới này. Chính vì thế, cuốn sách mới xuất bản mà đã thu hút được cảm tình của độc giả..

Sự đồng cảm của tác giả còn thể hiện qua những triết lí bênh vực trẻ em và phụ nữ. Triết lí ấy được nói qua lời ông Thòn - người là bậc đại hiền, là ông thánh tông đồ giàu lòng bác ái đưa ra một triết lý sâu xa: “Con người là cái lý sâu xa của cuộc đời”. Câu nói của ông Thòn ngẫm ra rất đúng. Vì “không có con thì

làm sao có cuộc đời này. Không có đứa trẻ thì làm sao có cuộc sống và tình yêu thương!” [17; 133]. Sau đó, ông Thòn lại nói với bà em gái của mình với những suy nghĩ rất đời thường: “Này, bà Pham…trong làng bản có ba thứ âm thanh vô cùng quý giá…Thứ nhất là tiếng trẻ con nô đùa. Thứ hai là tiếng đọc sách. Thứ ba là tiếng xa quay, dệt vải. Đó, cái Lý của người Dao, của mọi người là thế đấy! Mà mẹ Lý đâu có phải là người làm nên tội! Khổ, cô giáo đã cất công từ miền xuôi lên đây để dạy chữ cho người miền rừng xanh núi đỏ mình” [17; 58]. Vậy, Lý chắc chắn là con của bố Khánh, mẹ Nhu mà cũng là con của người đời, là phúc lộc của người đời như ông Thòn nói đó. Nên việc mẹ Nhu sinh con là hoàn toàn hợp theo lẽ tự nhiên, cần phải được bảo vệ chính đáng. Ma Văn Kháng đã khai thác thành công giọng điệu này để bảo vệ cho nhân vật của mình, để nhân vật tự giải oan trước mắt người đọc. Từ đó, ông bộc lộ những tình cảm thấu hiểu đầy nhân ái với trẻ em và phụ nữ - những người yếu ớt, hay bị chèn ép trong xã hội. Sự thấu hiểu ấy còn là sự lên án những hành vi xấu xa, làm ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em. Tác giả đã thông qua nhân vật để phê phán tên bí thư độc ác: “Ông bí thư!... con người ta mang tiếng là con người, có thể trở thành những bãi đờm của một con bệnh ho lao như thế nào! Đạo diễn cái trò bỉ ổi này nếu không phải là ông thì ắt hẳn là cái thằng vô lại hạ tiện đã bỏ lại cây đèn bão Trung Quốc chạy lấy người trong nhà khách đêm vừa rồi khi hai mẹ con cô Nhu nghỉ lại đây chứ! Còn các đồng chí trong chi bộ, xin đừng vào hùa với đồ dê chó dâm loàn đưa cuộc sống trở lại thời mông muội dã man bán khai. Cô Nhu không có tội!” [17; 131]. Có thể nói, Chu Văn Dương là một đảng viên mẫu mực với một khí phách hiên ngang, ngạo nghễ đã dám đứng lên vạch mặt chỉ tên Văn Quyền để đòi lẽ phải, đòi quyền sống và sự công bằng cho những người dân lương thiện như mẹ Nhu. Ta thấy, con người luôn luôn chịu sức ép của dư luận nhưng ở truyện này, dư luận không đồng tình, không hùa theo người có chức vị công quyền như bí thư Văn Quyền: “Này, cái trò lợi dụng danh nghĩa Tổ quốc để hại đồng loại như đối với anh Khánh xem chừng lộ liễu rồi, nên giờ đành công khai

giơ cái mặt chó đê hèn ra để dọa nạt ta, hả? Ta hứa sẽ phải lột trần cái mặt nạ lừa đảo của mi!” [17;132].

Trong Côi cút giữa cảnh đời, bức tranh cuộc sống hiện lên trong tác phẩm với những mảng màu lam nham, hỗn tạp một cách sinh động và chân thực. Những giá trị nhân văn sâu sắc mà nhà văn thể hiện qua tác phẩm đó chính là trong cuộc sống với những mặt trái, những người xấu thì vẫn còn tồn tại song song những điều tốt đẹp, những con người tốt bụng, nhân hậu và luôn nâng đỡ người khó trên con đường đời. Đó chính là tình cảm làng xóm láng giềng với nhau, là tình cảm giữa những con người cách xa nhau nay trở nên đỗi thân quen, gần gũi trong tình người, tình đời. Chính những tình cảm đó đã giúp cho những số phận hẩm hiu, những mảnh đời bất hạnh vượt lên được hoàn cảnh trái ngang và sống kiên cường mạnh mẽ, như bé Duy đã cảm động trước những tình cảm đó: “May mắn thay cuộc sống không bao giờ ở vào thế tuyệt vọng. Nhớ lại, tôi đã nhận ra trong những ngày khốn khó ấy, đã không ít người lòng đầy ưu ái chia sẻ với gia đình tôi” [13; 142].

Sự thấu hiểu của tác giả về ước mong được yêu thương, chăm sóc của những đứa trẻ trong Côi cút giữa cảnh đời còn soi chiếu vào thế giới nhân vật người lớn với nhiều góc cạnh, nhiều số phận khác nhau nhưng cùng tô đậm thêm bức tranh con người trong tiểu thuyết phong phú và đa dạng. Nhân vật trung tâm là người bà, một người bà độ lượng, khoan dung, thương yêu hết mực, hy sinh tất thảy vì con vì cháu, bà bền bỉ, ngoan cường, dũng cảm đối mặt với cái xấu, cái ác, là hiện thân cho lẽ phải, lòng tin. Nhân vật người bà hiện lên trên trang sách là hình ảnh nổi bật, bà yêu thương con cái hết mực. Cả cuộc đời mình sống vì con vì cháu, chồng chết oan trong thời loạn lạc, một mình bà chèo chống nuôi nấng, dạy dỗ ba đứa con nên người. Khi con cái lớn khôn mỗi đứa đi theo mỗi con đường một mình bà lại sống cô đơn trong cảnh già nghèo khổ và cưu mang hai đứa cháu nội ngoại vì số phận hẩm hiu “còn mẹ còn cha mà bỗng nhiên trở nên côi cút”. Với chồng con bà là một người vợ, người mẹ thủy chung, nhân hậu, đảm đang. Với con dâu bà là người mẹ chồng tốt tính, sống với nhau trong

cảnh êm ấm thuận hòa chứ không có cảnh “lủng củng” “xích mích” hay “khác máu tanh lòng”. Với cháu chắt, bà là người bà giàu tình yêu thương độ lượng, một đời khổ cực vì các cháu, 70 tuổi mà mình bà phải lo cho hai đứa trẻ côi cút trong đói khát cơ cực. Bà lo cho từng đứa từ bữa ăn giấc ngủ, vì cháu bà có thể nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí bà có thể đi ăn xin cho cháu từng thìa sữa, bà gánh đỡ mọi oan ức, buồn đau cho các cháu, và không để cháu phải ốm đau, đói khát. Bà nâng đỡ cháu trong mọi tình huống và bảo vệ cháu đến cùng trước sự nham hiểm, độc ác của lũ người không nhân tính. Tình bà dành cho các cháu mênh mông như trời biển, cô Quyên - người hàng xóm đã phải nói rằng: “Số phận cháu Duy, cháu Thảm sẽ ra sao nếu các cháu ấy vừa mới chào đời mà không có bà” [13; 168].

Chính trong tác phẩm này, Ma Văn Kháng cũng như tự thấy cái tôi của mình đồng cảnh – đồng cảm trong đó: Tác phẩm tôi yêu thích nhất là cuốn Côi cút giữa cảnh đời, in năm 1989. Vì “cuốn sách đặt con người vào dòng đời đương đại trong một hiện thực gay gắt và không ít buồn phiền đau đớn ... Côi cút giữa cảnh đời triển khai một cấu trúc gồm một loạt những gian truân cùng cực của ba bà cháu trong cuộc vật lộn với thiếu thốn vật chất, mất mát tình cảm và những ức chế tinh thần. Tôi nghĩ, văn học ta đã xây dựng khá sắc sảo hình tượng người vợ, người mẹ đại diện cho người phụ nữ Việt Nam trong những cơn thăng trầm của lịch sử. Bây giờ tôi muốn có hình ảnh của một người bà độ lượng, khoan dung thương yêu hết mực, hi sinh hết thảy vì con, cháu và bền bỉ, ngoan cường, dũng cảm đối mặt với cái xấu, cái ác; là hiện thân cho lẽ phải, lòng tin và sự can đảm. Trong Côi cút giữa cảnh đời có hình bóng người mẹ kính yêu của tôi, người bà nội, bà ngoại của các con cháu tôi”... [11; 247 - 248].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w