Nhân vật trong tác phẩm của Ma Văn Kháng nói chung và nhân vật trẻ em nói riêng đều khắc khoải, trăn trở, đớn đau trước nhân tình thế thái và thời cuộc. Nhân vật không hề yên bình trong tâm tưởng mà luôn suy tư, trăn trở, đánh giá về cuộc sống, những người xung quanh và chính bản thân mình. Trong sự trăn trở ấy, các em đã tự ý thức được những thiệt thòi, tổn thương về tinh thần của chính mình. Cuộc sống của các em không còn được vô tư nói cười mà thường tự biết cách kìm nén nỗi đau, nước mắt trước nghịch cảnh xảy ra với gia đình. Trong Côi cút giữa cảnh đời, cuộc sống của bà cháu Duy không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất mà còn buồn tủi về tinh thần. Cả hai đứa bé trong truyện đều thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ. Cuộc đời hai đứa trẻ đều chịu nhiều bất hạnh. Từ nhỏ đã phải sống trong cảnh “còn mẹ còn cha mà hóa ra côi cút”. Bố của Duy đi vào chiến trường và chưa rõ tin tức còn mẹ của Duy lại vì sự nhẹ dạ cả tin, bỏ lại mẹ chồng già và đứa con thơ đang cần người chăm sóc để theo người đàn ông khác hứa hẹn một cuộc sống sung sướng. Những ngày đầu xa mẹ, Duy chưa biết giận cũng chưa biết thương mà chỉ biết nhớ mẹ. Nhưng sau này khi lớn hơn vài tuổi nữa, Duy đã cảm nhận được nỗi đau, sự cô đơn khi không có mẹ bên cạnh “thời gian khơi sâu vết thương vì càng lớn tôi càng hiểu, càng cảm được độ buồn đau của câu chuyện”. Khi đến trường Duy cũng biết tự ti mặc cảm với bạn bè vì mình không được bố, mẹ đưa đi học bằng xe đẹp và niềm vui đến trường của em tan biến khi không có quần áo đẹp, đồ chơi đẹp...
Còn Thảm là em con cô của Duy. Đúng như cái tên của em, cuộc sống của em thật bị thảm. Thảm không biết bố là ai, mẹ bé chỉ vì phút lầm lỡ đã phải để em lại cho bà ngoại nuôi nấng từ lúc mới lọt lòng. Hai anh em, hai số phận đơn côi bất hạnh cùng được bà ẵm bồng, dạy dỗ khôn lớn nên người. Cũng giống như Duy, Thảm phải xa mẹ, ở với bà ngoại ngay từ khi mới chào đời. Tuổi thơ
của Thảm không có, không được trọn vẹn: “em thiếu hụt những đoạn đời nho nhỏ. Em qua tuổi biết phun mưa, biết làm mặt xấu. Em không biết đánh tay đi chợ. Bà bảo em trốn lẫy, trốn ngồi, trốn cả bò. Vào tuổi thứ ba của cuộc đời em mới tập đi và nói bập bẹ những tiếng nói đầu tiên” [13; 161]. Nỗi khổ của Thảm cũng lớn hơn Duy vì ngay từ lúc chào đời, khi chưa ấm vòng tay mẹ, em đã phải chia lìa, chịu cảnh thiếu sữa thiếu mẹ. Nhưng cũng như Duy, em được bà ân cần nuôi nấng nên người trong khó khăn thiếu thốn bằng cả tình yêu thương, sự nhẫn nhịn.
Không chỉ thiếu vắng tình thương, hai anh em mà còn phải gồng mình lên để chống lại với lũ cầm quyền dốt nát nay dọa nạt, mai tra khảo và lúc nào cũng tìm cách để đuổi hai bà cháu ra khỏi ngôi nhà đang sống.
Trong Chó Bi-đời lưu lạc, gia đình tan nát cũng là một chấn thương tinh thần với những đứa trẻ nhỏ. Phải chứng kiến hết cảnh cha và anh phải đi tù chỉ vì những thứ tội vô lí, mẹ thì bị người ta ức hiếp tới đổ bệnh, một đứa trẻ sao còn có thể hồn nhiên nói cười?. Cậu bé trong truyện đã sớm suy nghĩ về cuộc sống, hiểu rõ sự lộng hành của những loại người xấu trong xã hội và sự thiệt thòi, yếu thế của gia đình mình. Bản thân cậu cũng không bảo vệ được cho con chó Bi bé nhỏ, chỉ có thể cầu mong nó không sao. Những hành động, phản ứng của chú chó Bi cũng chính là những suy nghĩ của cậu bé. Chú chó nem nép khi bị chửi là đồ chó cắn hoang cũng chính là sự sợ hãi của cậu bé khi biết người ta bị cắn do ăn trộm đồ nhà mình mà lại không làm gì được họ. Chú chó muốn xông vào cắn lão Viễn cụt, tên Xuân Chương như chính sự phẫn uất cao độ của chú bé với sự độc ác, hống hách của bọn chúng. Hình ảnh chú chó Bi theo gia đình cậu bé suốt cả tiểu thuyết là một ẩn dụ đẹp về cuộc sống nói chung và số phận chìm nổi của những đứa bé bất hạnh nói riêng. Cả quãng đời niên thiếu, thanh xuân đẹp đẽ cho đến khi trưởng thành của Bi đầy gian truân và “lưu lạc”: bị tiêm thuốc độc, bị bọn trộm chó bắt, bị lôi tuột ra khỏi căn nhà thân yêu, lên rừng, xuống bể, lạc vào đảo Khỉ, bị truy đuổi, săn bắn...Mãi tới khi kết thúc tác
phẩm, nó vẫn chưa được gặp lại những người thân nhất là bà giáo Trang và Toản.
Những dòng viết về tổn thương của trẻ em trong xã hội của Ma Văn Kháng đã nối tiếp dòng chảy nhân văn trong văn học từ trước tới nay. Cùng với những cây bút đi tiên phong cho nền văn học đổi mới như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn,…Ma Văn Kháng đã góp phần không nhỏ tạo nên nội dung mới giàu tính nhân văn trong quan niệm nghệ thuật về con người cho văn học nước ta từ sau năm 1975. Những đổi thay trong tư duy tiểu thuyết của Ma Văn Kháng cũng đã phản ánh được những đổi thay tuần tự của cả giai đoạn văn học thời kì này. Tuy nhiên, dù cùng chung một mô hình nghệ thuật khái quát về con người nhưng ở mỗi cây bút khác nhau lại có những điểm nhấn riêng trong quá trình cụ thể hóa quan niệm thông qua đề tài và hệ thống hình tượng nghệ thuật khác. Chính những điểm nhấn khác nhau đó đã tạo nên nét phong cách riêng của từng nhà văn mà trong đó Ma Văn Kháng là một trong những phong cách tiêu biểu.