Trần thuật theo điểm nhìn trẻ thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 68 - 70)

Các tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng hầu hết đều thích sử dụng điểm nhìn bên trong của nhân vật tôi. Và thường người kể chuyện là một nhân vật trẻ em xưng tôi đóng vai trò kể chuyện từ đầu đến cuối. Đây là hệ quả của những đổi mới trong tư duy nghệ thuật, khi văn học vốn từ quan niệm con người tập thể chuyển thành con người cá thể, quan tâm nhiều hơn đến chủ thể sáng tạo và sự sống cá nhân. Với ngôi trần thuật này, người kể chuyện xưng tôi có vai trò to lớn trong việc quyết định cấu trúc tác phẩm cũng như toàn quyền miêu tả những nhân vật khác từ điểm nhìn của bản thân. Nhưng đồng thời cũng bắt nguồn từ việc muốn tái hiện lại cái nhìn trẻ thơ một cách chân xác nhất của Ma Văn Kháng. Điểm nhìn này giúp tác giả bộc lộ được những suy nghĩ, góc nhìn của trẻ thơ cho độc giả cùng suy ngẫm. Nhiều lúc, ta cảm tưởng đây là cuốn tự truyện của tác giả dưới kí ức tuổi thơ năm nào của ông. Người đọc cũng dễ dàng thâm nhập vào thế giới nội tâm đầy của nhân vật trẻ thơ qua lời kể trung thực, chân thành của chính các em. Trần thuật từ ngôi thứ nhất xưng tôi với điểm nhìn bên trong là hình thức kể chuyện đáp ứng được “khát vọng giãi bày” của nhân vật người kể chuyện (một phần nào đó cũng là của cái tôi nhà văn). Ở tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời, tác giả trần thuật theo ngôi thứ nhất để nhân vật tự mình cảm nhận, tự mình bày tỏ một cách chân thành và cảm động những nỗi lòng sâu kín của mình qua sự trải nghiệm từ chính cuộc đời. Nhân vật trực tiếp bày tỏ những cảm xúc tươi xanh được tuôn trào từ chính trái tim của Duy. Cậu bé rất đa cảm, đang ở độ tuổi mới lớn, có những cảm nhận, những

rung cảm rất tinh tế, giản dị và thánh thiện về cái đẹp trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Ma Văn Kháng để người trần thuật ở ngôi thứ nhất - xưng tôi, tự mình cảm nhận, tự mình bày tỏ nỗi lòng qua sự trải nghiệm từ chính cuộc sống và người đọc ngậm ngùi trước những dòng thổ lộ tâm tư từ sự biết ơn đối với bà nội - bà Tiên của mình: “Ơn bà mãi mãi cháu để hai vai. Bà nhịn cho chúng cháu ăn. Bà lạnh cho chúng cháu ấm. Bà bế bồng, dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở, lọc lừa, phản trắc, bất công. Bà đưa chúng cháu qua nơi hỗn độn đến sự an bằng. Có mẹ, có cha mà hóa ra côi cút. Bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi. Những đau khổ, buồn tủi của tuổi ấu thơ đơn côi giữa cảnh đời, nhờ có bà, đã được gọt rửa khỏi tâm hồn. Nhờ bà, chúng cháu bước qua vùng tủi hổ, đến với hy vọng và tin yêu. Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là ttuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích, bà là bà mụ đỡ nâng trong linh hồn chúng cháu. Bà là Phật bà. Hay chính bà là cô Tiên giáng trần đã cưu mang che chở chúng cháu bằng tình thương yêu và các phép mầu huyền nhiệm, thần kỳ” [13; 275]. Lời kể thiết tha sâu lắng ở đây được toát lên trước hết từ tấm lòng biết ơn sâu nặng của người cháu đối với bà. Tấm lòng ấy đã được giãi bày qua hệ thống từ ngữ, hình ảnh và những câu văn hài hòa cân bằng trong dòng cảm xúc tươi nguyên. Ma Văn Kháng đã sử dụng lượng ngôn từ giàu tính biểu cảm và những minh chứng cụ thể về sự hy sinh vô bờ của bà để viết nên đoạn văn thấm đẫm tình người.

Trong Côi cút giữa cảnh đời, bằng lời trần thuật từ nhân vật tôi, ta thấy những gì thiết tha sâu lắng nhất trong tâm trạng bên trong nhân vật. Đây là lời xin lỗi, lời thú tội thấm đẫm nước mắt của cô Quỳnh với mẹ trước những lỗi lầm bồng bột của mình: “Lần này là lần thứ 100 con cúi đầu xin mẹ tha tội cho con, con có tội lớn mà chỉ có lòng mẹ lớn lao cao cả mới tha thứ được. Con viết vậy mà lòng vẫn xót xa, vì thư đi đã 99 lá mà không một tiếng hồi âm. Con biết là con đã lạm dụng tình thương yêu, lòng vị tha vô cùng của mẹ, và con đã trót

nông nổi gây nên lầm lỡ thì con cũng phải cắn răng chịu quở trách của mẹ, của chính lương tâm con. Con đã làm tủi hổ mẹ thì con phải chuộc lại lỗi lầm để báo đền công lao trời biển và đạo đức cao đẹp của mẹ” [13; 264 - 265].

Bằng lời trần thuật, những dòng hồi tưởng của bé Duy khi nhớ về kỷ niệm: “tôi đã khóc khi ấy. Kỷ niệm hôm nào hai bà cháu đi viếng mộ ông cũng tại nơi đây lần lượt diễu qua trí nhớ tôi, dịu dàng và thiết tha quá và trí nhớ của tôi lần lượt trỗi dậy những hình ảnh, cử chỉ, âm thanh tươi nguyên và sinh động” [13; 275].

Qua cái nhìn của trẻ thơ, tác giả đã gián tiếp thể hiện quan điểm linh hoạt, đa dạng của mình. Bao giờ, tác phẩm cũng có thái độ chủ quan ẩn trong những phát ngôn của nhân vật người kể chuyện xưng tôi, dù điểm nhìn người sáng tạo trùng khít hay thậm chí hạn chế hơn điểm nhìn của nhân vật. Qua nhân vật tôi người kể chuyện, nhà văn có thể bình luận, đánh giá mà vẫn không gây cho độc giả cảm giác bị áp đặt, định hướng. Trong dạng tiểu thuyết này, điểm nhìn bên trong giúp độc giả hình dung được “chân dung” của nhà văn- một hình hài cụ thể, không phải trong đời sống thực mà trong thế giới của những câu chuyện.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w