2014.
3.1.2. Bối cảnh quốc tế
Trong thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn trên thế giới nhưng cùng với đó là các vấn đề xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng, thêm vào đó là những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên... buộc các quốc gia phải có chính sách đối phó và phối hợp hành động. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành
52
phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn. Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở các mức 5,7%, 5,9% và 6% tương ứng cho các năm 2016, 2017 và 2018, thương mại thế giới trong giai đoạn 2015 2020 sẽ chiếm khoảng 30% 35% GDP của toàn thế giới và có xu hướng tăng qua các năm. Bên cạnh đó, các nước phát triển sẽ tiếp tục thặng dư trong việc xuất khẩu dịch vụ sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và điều này sẽ giúp cho việc thương mại dịch vụ được phát triển nhanh chóng.
Không nằm ngoài xu thế đó, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; hợp tác với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình nhưng cũng phải đối phó với những thách thức mới như tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là vấn đề về cạnh tranh khả năng ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên...
Vị thế của châu Á trong nền kinh tế thế giới đang tăng lên; sự phát triển mạnh mẽ của một số nước khu vực trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Mặt khác, khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế. Kinh tế thế giới tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, bất ổn; sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là những nước lớn sẽ có tác động đến nước ta.
Do các điều kiện kinh tế vĩ mô của các nước được cải thiện và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin trong trung hạn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới
53
được dự báo sẽ đạt mức 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn lớn như sự yếu kém của cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu, mức độ không chắc chắn về chính sách của các khu vực chủ yếu của nền kinh tế thế giới còn lớn, môi trường kinh tế vĩ mô có khả năng xấu đi,… khiến các nhà đầu tư mất niềm tin có thể dẫn đến sự sụt giảm dòng FDI.
Thị trường lao động việc làm thế giới được dự báo sẽ chưa có nhiều cải thiện trong thời gian tới. Theo báo cáo ILO, nếu xu hướng này còn tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ dần xấu đi và số lao động thiếu việc làm có thể sẽ lên tới hơn 215 triệu vào năm 2018 (Phụ lục 2). ILO dự báo khoảng 40 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra mỗi năm, ít hơn con số 42,6 triệu người được kỳ vọng sẽ tham gia vào thị trường lao động hàng năm. Nếu tính đến tăng trưởng dân số ở độ tuổi lao động thì tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi cho đến năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ không thể thay đổi nhiều trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ tăng 0,5% điểm so với trước thời kỳ khủng hoảng.