Việc đưa ra những dấu hiệu để dựa vào đó chúng ta có thể phân định được XHDS với xã hội không phải hoặc chưa phải là XHDS, những đặc điểm đó là gì, có nội dung như thế nào là một trong những nhiệm vụ của luận văn. Dựa trên cơ sở nghiên cứu và kết hợp tham khảo các công trình nghiên cứu về XHDS, có thể nêu lên những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, XHDS là một lĩnh vực nằm ngoài nhà nước, không có tính chất
công quyền. Trong xã hội dân sự mối quan hệ giữa con người với nhau dựa trên sự tự thảo luận và tạo ra sự đồng thuận trên các vấn đề của cuộc sống mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Trước đây, người ta luôn cho rằng nhà nước phải có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; người ta hình dung nhà nước như “phật bà nghìn tai, nghìn mắt” có thể giải quyết tất cả các vấn đề trong xã hội. Thực ra, nhà nước là bộ phận nối dài của XHDS để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không giải quyết được, nói cách khác, xã hội dân sự là xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại rơi vào nhà nước.
Thứ hai, XHDS là xã hội đạt được trình độ cao của việc tự tổ chức. Trong quá trình hình thành và phát triển của các thành viên của XHDS những chức năng cơ bản điều chỉnh hoạt động chung của các thành viên XHDS trong lĩnh vực riêng lẻ, cụ thể (lĩnh vực kinh doanh và các hình thức hoạt động kinh tế khác, lĩnh vực các quan hệ gia đình, lĩnh vực đời sống riêng tư v.v...) dần dần được thực hiện không phải với sự hỗ trợ của các công cụ và phương tiện quyền lực nhà nước, các quyền lực đứng trên xã hội với tư cách là „„quyền lực công đặc biệt‟‟, mà do chính xã hội thực hiện dựa trên những nền tảng dân chủ chân chính, còn trong lĩnh vực KTTT thì trước hết dựa trên sự tự điều chỉnh kinh tế. Ở phương diện này đặc điểm chức năng mới của XHDS được thể hiện không phải ở chỗ Nhà nước „nhượng bộ‟ một cách rộng lượng lợi ích tư nhất định cho chính xã hội, mà ngược lại, chính xã hội, khi đạt được trình độ phát triển của mình, có được khả năng và năng lực tự chủ, tự tổ chức để thực hiện các chức năng tương ứng mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Trình độ tự tổ chức, tự chủ của XHDS ngày càng được phát triển cùng với trình độ phát triển của XHDS nói chung.
Thứ ba, XHDS thể hiện tính tự nguyện, tinh thần cộng đồng và đời sống
hiệp hội. Tính tự nguyện được thể hiện ở chỗ sự hình thành các tổ chức XHDS, các phong trào XHDS, sự hình thành các quy tắc điều chỉnh hoạt động bên trong của các tổ chức XHDS, các quyền và nghĩa vụ của các thành viên và những vấn đề đều được thiết lập và giải quyết theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận. Các thành viên của các tổ chức XHDS không chỉ tự nguyện thực hiện các quy định do mình ban hành, mà còn có ý thức và tự nguyện thực hiện các quy định của pháp luật và các quy định khác trong xã hội.
Không dừng lại ở đó, hiện nay „„người ta thường nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện của công dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và giá trị của mình. Theo tinh thần này, XHDS được tạo thành bởi một loạt các đoàn thể nhằm kết nối giữa nhóm quyền lợi hiện đại (công đoàn và các đoàn thể có tính chuyên nghiệp) và các tổ chức truyền thống dựa trên mối quan hệ họ hàng, dân tộc, văn hoá và khu vực, giữa các tổ chức chính thức và phi chính thức. Những đoàn thể
tự nguyện làm việc vì quyền lợi chung. Chúng được hình thành và khuyến khích phát triển bởi các cộng đồng địa phương‟‟ [11, 36].
Thứ tư, XHDS là xã hội có cơ cấu đa dạng, phức tạp với nhiều nhu cầu,
lợi ích rất đa dạng, phong phú.
Nền tảng của XHDS là những lợi ích đa dạng của các cá nhân, của các nhóm xã hội, của các cộng đồng. XHDS càng phát triển thì cơ cấu xã hội của nó càng phức tạp, và do vậy cơ cấu lợi ích càng phức tạp hơn, các mâu thuẫn giữa các yếu tố của cơ cấu xã hội, giữa các loại lợi ích cũng nảy sinh và phát triển.
Thứ năm, mục tiêu chung của XHDS là vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là các tổ chức không vì lợi nhuận.
Xét ở phương diện cơ cấu tổ chức, XHDS gồm những liên hiệp xã hội, các hiệp hội, các tổ chức tôn giáo và các tổ chức phi nhà nước khác được hình thành một cách tự nguyện. Đặc trưng cơ bản nhất của các tổ chức, hiệp hội đó thể hiện ở chỗ chúng được xây dựng trên các mối liên hệ theo chiều ngang, dựa trên sự tác động lẫn nhau.