XHDS đã nảy sinh từ nhu cầu thực tiễn của hoạt động của con người trong xã hội, nó được thúc đẩy bởi xu thế ngày càng mạnh mẽ của yêu cầu tự do dân chủ của nhân dân, yêu cầu được tham gia của quần chúng trong quá trình ra
quyết định liên quan tới các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội của chính mình. Vấn đề đặt ra là XHDS cần được phát triển theo những chuẩn mực nào để nó thực sự có sức mạnh, thực sự là tổ chức của quần chúng, đại diện cho quyền lợi và nhu cầu hoạt động của quần chúng.
Để đánh giá được XHDS, chúng ta cần phải tiếp cận thông qua một số lĩnh vực của nó. Hiện nay, có nhiều ý kiến, nhiều cách đánh giá khác nhau, song cách phân chia của Viện những vấn đề phát triển (VIDS) theo chúng tôi là sát hợp hơn cả. Theo phương pháp này, đánh giá về XHDS thường được tiếp cận dưới dạng mô hình hình thoi với bốn đỉnh, đó là cấu trúc, môi trường, các giá trị, và cuối cùng là tác động của XHDS đối với đời sống xã hội.
Thứ nhất, về cấu trúc bên trong của XHDS, đây là phương diện mô tả về
quy mô tổng thể, sức mạnh và mức độ lan rộng của XHDS. Cấu trúc này được thể hiện thông qua số lượng hội viên, mức độ đóng góp và tình nguyện, số lượng và đặc điểm của các tổ chức chủ quan và cơ sở hạ tầng, nguồn tài chính và nhân lực của XHDS.
Thứ hai, môi trường bên ngoài mà XHDS tồn tại và hoạt động. Những nhân tố bên ngoài tác động đến hoạt động của XHDS chủ yếu là khuôn khổ pháp luật, chính trị, kinh tế và văn hoá, mối quan hệ giữa XHDS với nhà nước và khu vực tư nhân.
Thứ ba, các giá trị được thực hiện và thúc đẩy bên trong diễn đàn XHDS. Đây là nhân tố quan trọng trong việc tiếp cận và đánh giá về XHDS ở các quốc gia. Các giá trị bao gồm dân chủ, sự minh bạch, tình yêu thương con người trong cộng đồng, phi bạo lực, bình đẳng giới, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Thứ tư, tác động của các hoạt động do các thành viên XHDS thực hiện. Phần này khai thác những ảnh hưởng của XHDS như những tác động đến chính sách nhà nước, quyền của con người, thoả mãn các nhu cầu xã hội.
Để trình bày rõ ràng việc cho bốn bình diện chính, CSI (chỉ số xã hội dân sự) tận dụng công cụ Hình thoi XHDS (Xem sơ đồ 1. làm ví dụ). Sơ đồ Hình thoi XHDS với bốn đỉnh tóm tắt các điểm mạnh và điểm yếu của XHDS.
Sơ đồ này là kết quả của việc cho điểm các chỉ số được tổng hợp thành các điểm, các tiểu bình diện và sau đó là các bình diện. Do sơ đồ đó thể hiện điểm cốt lõi của hiện trạng XHDS thông qua các bình diện chủ chốt của nó. Vì vậy, Hình thoi XHDS có thể tạo ra điểm khởi đầu hữu ích cho việc diễn giải và thảo luận về sự thể hiện XHDS tại một quốc gia nào đó [xem: 77, 162].
Sơ đồ 1: Công cụ Hình thoi Xã hội dân sự