Các chức năng cơ bản của xã hội dân sự

Một phần của tài liệu Sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 29)

XHDS là nơi ngoài phạm vi nhà nước quyền con người được thể hiện và tổ chức thực hiện, là môi trường thuận lợi cho việc khẳng định và thực thi quyền con người, ngược lại, việc khẳng định và tổ chức thực hiện quyền con người đòi hỏi phải có XHDS. Như vậy, có thể nói XHDS giữ một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là phát triển nền dân chủ.

XHDS đóng vai trò quan trọng trong phát triển và thúc đẩy sự phát triển xã hội, trong việc bảo đảm cho xã hội được phát triển hài hoà, đồng thuận và bền vững.

XHDS thể hiện vai trò với tư cách là phương thức tổ chức đời sống xã hội trong lĩnh vực phi nhà nước, là đối tác của Nhà nước, là môi trường mà về thực chất tạo điều kiện để các tổ chức xã hội và người dân tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối với Nhà nước.

XHDS đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận, củng cố và phát triển dân chủ, sự hình thành và vận hành XHDS được thể hiện với tư cách là một biểu hiện của quá trình dân chủ hoá diễn ra trong xã hội ở tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tinh thần và các lĩnh vực khác. XHDS tạo môi trường, điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào các quá trình xã hội hoặc nó tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển dân chủ tham gia. Ý thức dân chủ, ý thức chính trị - pháp lý của người dân được nâng cao, ngoài lĩnh vực nhà nước còn được thể hiện rất rõ trong XHDS.

XHDS đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định và phát triển tính năng động, tự giác và tự quản của người dân. Trong xã hội có những công việc mà Nhà nước có trách nhiệm và cần phải đảm nhiệm, nhưng cũng có những công việc mà ở đó không cần đến sự hiện diện của Nhà nước. Nói cách khác, Nhà nước không cần can thiệp vào tất cả các hoạt động của xã hội mà ở đó người dân tự thu xếp, tự quản tốt hơn nhiều. Tính năng động xã hội, tính tự giác xã hội và tính tự quản xã hội được đẩy lên cao. XHDS đảm đương vai trò, sứ mệnh đó.

Về phương diện lý thuyết, có thể thấy chức năng của XHDS bao gồm:

Thứ nhất, XHDS là cầu nối, kênh truyền dẫn tiếng nói, nguyện vọng của

người dân đến với nhà nước, hay nói cách khác là xã hội hoá cá nhân, nối cá nhân với hệ thống xã hội. Cùng với gia đình, XHDS có chức năng và vai trò to lớn trong việc xã hội hóa cá nhân, biến con người cá thể thành con người xã hội. Đồng thời, cũng thông qua những hoạt động trong các tổ chức XHDS, nhân cách con người được hình thành, khẳng định, thể hiện và phát huy.

Thứ hai, XHDS bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, XHDS tham gia vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách của nhà nước, phối hợp với nhà nước trong việc hoạch định, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Thứ tư, XHDS tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách cũng như việc thực hiện chính sách, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà

nước, phẩm chất, hành vi của đội ngũ công chức nhằm góp phần chống quan liêu, tham nhũng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của nhà nước. XHDS là thước đo trình độ dân chủ của xã hội, sự phát triển tự do của mỗi cá nhân. Cùng với nhà nước pháp quyền, XHDS tạo nên hành lang đạo lý, diễn đàn và điều kiện xã hội cần thiết để mỗi cá nhân bộc lộ, thực hiện nhân cách, tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Hơn thế nữa, XHDS còn cho phép ngăn ngừa những mặt trái của bộ máy công quyền trong việc thực hiện quyền lực, cũng như ngăn chặn, khắc phục mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo cơ hội, điều kiện cho xã hội dân chủ phát huy vai trò động lực của phát triển.

Thứ năm, phát huy các nguồn lực và tính năng động, sáng kiến của các tầng lớp dân cư, tham gia hoạt động dịch vụ công, bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo... tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người. XHDS là diễn đàn phối hợp hoạt động chung của cá nhân và cộng đồng, là nơi để cho những cá nhân và cộng đồng, nhất là những cá nhân và tổ chức không thuộc nhà nước và các đơn vị kinh tế, thể hiện và thực hiện nguyện vọng, lợi ích của mình và xã hội.

XHDS có vai trò, chức năng to lớn đối với sự phát triển và ổn định xã hội. Tuy nhiên nó vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục. Về mặt bản chất, XHDS là những liên kết mềm, lực lượng tham gia có tính chất phức tạp, không thuần nhất, do đó tính đồng thuận thấp và thiếu tính nhất quán, dẫn đến dễ bị lợi dụng để gây sức ép thái quá, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, các nguồn lực giành cho lĩnh vực phi lợi nhuận không phải là vô hạn. Khi số lượng các tổ chức tăng lên, sẽ có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các tổ chức của XHDS. Những cuộc cạnh tranh đó có thể tiêu diệt những tổ chức nhỏ hoặc yếu hơn. Sự đấu tranh giữa các nhóm có lợi ích cũng có thể cản trở các quá trình chính trị hoặc xé nhỏ các lợi ích công cộng.

Một phần của tài liệu Sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)