Sự cần thiết của việc quy định các điều kiện kinh doanh LPG

Một phần của tài liệu Pháp luật về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở Việt Nam (Trang 38 - 44)

8. Kết cấu của luận văn

1.2. Sự cần thiết của việc quy định các điều kiện kinh doanh LPG

Việc cần thiết có quy định điều kiện kinh doanh LPG có thể được lý giải bởi tính chất đặc thù của mặt hàng LPG cũng như hoạt động kinh doanh LPG so với các loại hình kinh doanh khác như sau:

1.2.1. Xuất phát từ vai trò quan trọng của mặt hàng LPG trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội

Là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, LPG có đặc tính ưu việt là một loại nhiên liệu sạch, tồn trữ, vận chuyển dễ dàng, khi cháy cho nhiệt trị cao, sử dụng thuận tiện, hạn chế được ô nhiễm môi trường, nên nhu cầu sử dụng LPG làm nhiên liệu, nguyên liệu trong công nghiệp và dân dụng ngày càng

trở nên phổ biến trên khắp thế giới. LPG là mặt hàng thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nên việc khai thác, sản xuất, chế biến và sử dụng LPG phải được bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

Ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng LPG trong dân sinh và các khu công nghiệp ngày càng phát triển nhanh chóng không chỉ tập trung ở miền Nam, mà lan nhanh ra miền Bắc, miền Trung, phát triển mạnh cả khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, hải đảo. LPG là mặt hàng chiếm tỷ trọng trên 98% thị phần thị trường nhiên liệu khí đốt. Nếu năm 1995, nhu cầu LPG của cả nước là 50.000 tấn, thì năm 2000 là 320.000 tấn, năm 2005 là 850.000 tấn, năm 2009 dự kiến đạt 1.000.000 tấn và dự báo năm 2015 sẽ là 1.700.000 tấn. Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 70 công ty kinh doanh LPG lớn, nhỏ đang hoạt động, với hơn 15 nhà máy sản xuất chai LPG (con số này vượt rất xa so với các nước trong khu vực). Nhu cầu sử dụng LPG sẽ còn tăng cao hơn nếu như nhu cầu sử dụng LPG làm nguyên liệu cho công nghiệp hoá dầu, sản xuất nhiên liệu sạch phát triển.

Vai trò quan trọng của LPG thể hiện qua vụ đối đầu giữa Nga và Ukraina ngày 01/01/2006, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina sau nhiều tháng đe doạ. Vụ va chạm trong cung ứng LPG ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống dẫn khí Châu Âu, tác động tới nguồn cung cấp của Ý và Pháp.

Như vậy, có thể khẳng định LPG không chỉ là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống dân sinh, phát triển công nghiệp mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng đối với các nước trên thế giới.

1.2.2. Xuất phát từ tính chất rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh LPG LPG là một dạng nhiên liệu được coi là cao cấp trước đây, nay đã trở thành một loại khí đốt thiết yếu trong sản xuất kinh doanh và dân sinh. Các cửa

hàng kinh doanh LPG mọc lên như nấm, bếp LPG, chai LPG tràn ngập thị trường, kéo theo là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất - cung ứng LPG. Ngược chiều với sự phát triển của thị trường LPG, các quy định về an toàn cháy nổ dường như ngày càng bị xem nhẹ dẫn đến cháy nổ do LPG ngày một gia tăng khiến các cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng không thể coi nhẹ.

LPG vốn là nhiên liệu dạng khí, được hoá lỏng để dễ lưu trữ, sang chiết và sử dụng. Ở thể lỏng, LPG vẫn luôn có xu thế hoá hơi, dễ rò rỉ và rất dễ cháy nổ. Các vụ cháy nổ liên quan đến LPG do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể quy về 2 nguyên nhân chính:

- Do dụng cụ được dùng để chứa đựng, sang chiết, sử dụng LPG không đảm bảo an toàn.

- Do người sản xuất, kinh doanh, sử dụng LPG thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết, không tuân thủ các quy định về kỹ thuật, an toàn và phòng chống cháy nổ.

LPG là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao, thậm chí cao hơn xăng dầu.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm và việc vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa. LPG thuộc đối tượng điều chỉnh của hai Nghị định này.

1.2.3. Xuất phát từ tính chất đặc thù của LPG với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt

Mặt hàng LPG có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế, lắp đặt và vận hành: hệ thống cung cấp LPG tại nơi tiêu thụ (TCVN 7441: 2004), an toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (TCVN 5684: 2003), chai chịu áp lực (TCVN 6153: 1996;

TCVN 6154: 1996), chai chứa LPG (yêu cầu an toàn trong bảo quản, xếp dỡ

và vận chuyển TCVN 6304: 1997), LPG tồn chứa dưới áp suất, vị trí thiết kế, dung lượng và lắp đặt (TCVN 6486: 1999), tiêu chuẩn về tồn chứa và bảo quản LPG của hiệp hội phòng cháy chữa cháy Hoa Kỳ (NFPA 58: 2001), Tiêu chuẩn về phương pháp thử độ bền chịu lửa của công trình xây dựng và vật liệu xây dựng (ANSI 251)...

1.2.4. Xuất phát từ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường LPG LPG là mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống dân sinh nên chịu sự điều tiết của nhà nước bảo đảm bình ổn thị trường LPG thể hiện qua việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ điều kiện kinh doanh trong hoạt động kinh doanh LPG. Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nhà nước cũng chưa có cơ chế về quản lý giá đối với hoạt động kinh doanh LPG nên dẫn đến hiện tượng thất thu thuế; quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ về giá cả, chất lượng và an toàn của sản phẩm LPG [26].

Theo Điều 2 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh giá đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 thì mặt hàng LPG thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Các biện pháp bình ổn giá được áp dụng trong trường hợp hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng, trong đó có mặt hàng LPG.

Căn cứ tình hình kinh tế- xã hội, biến động giá cả trên thị trường và yêu cầu quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng LPG, bao gồm: các biện pháp để điều chỉnh cung cầu hàng hoá; mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia; kiểm soát hàng hoá tồn kho; các biện pháp tài chính tiền tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng LPG thực hiện bình ổn giá trên phạm vi cả nước và khu vực, bao gồm: quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá;

đăng ký giá, kê khai giá; công khai thông tin về giá. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ quyết định; đồng thời căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định bổ sung các biện pháp thực hiện bình ổn giá tại địa phương:

các biện pháp theo thẩm quyền đề điều hoà cung cầu hàng hoá, dịch vụ; các biện pháp tài chính, tiền tệ; đăng ký giá, kê khai giá; công khai thông tin về giá; các biện pháp kinh tế, hành chính khác theo thẩm quyền [7].

1.2.5. Triển vọng phát triển của ngành công nghiệp dầu khí

Chính sách phát triển ngành công nghiệp dầu khí mới chỉ được đề cập trong các quyết định cá biệt hoặc quyết định mật. Tuy nhiên, các chính sách này nhìn chung đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí. Cùng với Luật đầu tư, Luật Dầu khí được ban hành đã tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 222 triệu tấn dầu thô và 39,5 tỷ m3 khí. Sản lượng khai thác dầu khí luôn luôn ổn định ở mức 22- 25 triệu tấn dầu quy đổi đã đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu khí cho các nhà máy phát điện, sản xuất phân đạm, công nghiệp địa phương và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Thành công của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của ngành công nghiệp dầu khí đã tạo điều kiện và động lực thúc đẩy các hoạt động dầu khí hạ nguồn phát triển, trong đó có hoạt động kinh doanh LPG.

Ngành công nghiệp dầu khí ở nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển. Nhiều mỏ khí thiên nhiên đã được phát hiện và đã đưa khí vào bờ để cung cấp cho các ngành năng lượng và công nghiệp. Do đó, phát triển hoạt động kinh doanh LPG không những thúc đẩy ự phát triển ngành công nghiệp dầu khí mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Cho đến nay, trong lĩnh vực kinh doanh phân phối LPG, chính sách của nhà nước đã góp phần đáng kể vào quá

trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, chính sách mở nhưng thiếu điều kiện hạn chế tạo ra một số đơn vị có tư cách là đầu mối nhập khẩu quá nhiều làm cho người bán lợi dụng ép giá, đồng thời tạo ra cầu ảo, tác động đến mặt bằng giá, làm giá nhập khẩu tăng cao. Chính sách thuế thay đổi quá nhiều trong một thời gian ngắn cũng có tác động tiêu cực đến thị trường, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, gây tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước [2].

1.2.6. Những biến động bất thường của thị trường LPG trong thời gian qua

Thị trường LPG những năm qua có những bước phát triển quá nóng, tiềm ẩn những nguy cơ mà thị trường không thể tự điều tiết nên cần sự điều tiết của nhà nước, đặc biệt là khi thị trường có sự biến động lớn về giá, lệ thuộc vào nguồn cung LPG từ nước ngoài... Do chưa có quy hoạch tổng thể đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh LPG khiến có quá nhiều đầu mối quy mô nhỏ, không đầu tư xây dựng bồn bể nên năng lực tồn chứa yếu, vừa nhỏ vừa manh mún. Việc nhập khẩu LPG theo từng chuyến nhỏ lẻ, chất lượng không được kiểm soát.

Là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước song hiện nay, các thương nhân kinh doanh LPG chưa phải chịu trách nhiệm về giá bán đến người tiêu dùng. Các tổng đại lý chủ yếu chỉ phân phối LPG cho các đại lý, không bán trực tiếp đến người tiêu dùng nên không quản lý được giá bán lẻ.

Vì không kiểm soát được giá bán nên doanh nghiệp chỉ chăm sóc hệ thống đại lý chứ không phải chăm sóc khách hàng. Đó cũng là lý do khiến người tiêu dùng phải mua LPG với giá cao và sử dụng LPG không an toàn. Cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, thuế cũng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này nên đã để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, kinh doanh LPG lậu, trốn thuế, lậu thuế [26].

Một phần của tài liệu Pháp luật về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở Việt Nam (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)