Dân chủ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 32)

Như trên đã phân tích, dân chủ XHCN là nền dân chủ cho đại đa số người - dân chủ của nhân dân lao động dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Nền dân chủ XHCN giành được do kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài vì tiến bộ xã hội của nhân dân lao động. Vậy, có thể đưa ra một số đặc điểm cơ bản về dân chủ XHCN:

Về chính trị: Nền dân chủ XHCN thể hiện qua sự lãnh đạo chính trị của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng Sản đối với toàn xã hội, thực hiện quyền lực và lợi ích của toàn thể nhân dân lao động, mà trong đó có giai cấp công nhân .

Về kinh tế: Nền dân chủ XHCN dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu của toàn xã hội, đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của lực lượng sản xuất dựa trên cơ sở khoa học công nghệ hiện đại, nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của toàn thể nhân dân lao động .

Về văn hóa tư tưởng: Nền dân chủ XHCN lấy hệ tư tưởng Mac - LêNin (hệ tư tưởng của giai cấp công nhân) làm nền tảng, chủ đạo đối với mọi hình thái ý thức xã hội khác trong xã hội mới (như văn học, nghệ thuật, giáo dục, đạo đức, lối sống, văn hóa, xã hội, tôn giáo ...).

Nền dân chủ XHCN ở Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển chung của nền dân chủ XHCN trên toàn thế giới. Do đó, dân chủ XHCN ở Việt Nam cũng có những đặc điểm tương đồng về bản chất của nền dân chủ XHCN nói chung.

Tuy nhiên, do đặc thù của “phương thức sản xuất châu Á”, Việt Nam không qua chế độ chiếm hữu nô lệ nên cũng không có nền dân chủ chủ nô. Thời phong kiến, xét về thiết chế xã hội có hình thức dân chủ làng, xã (tính tự trị làng - xã). Nếu xét về hành vi dân chủ, thì một số triều đại cũng làm một số việc như trưng cầu ý dân - Hội nghị Diên Hồng - (nhà Trần), hoặc tuyển dụng quan lại thông qua thi tuyển, không phân biệt đẳng cấp, giai cấp để chọn người tài đảm trách công việc quốc gia. Từ khi bị thực dân Pháp đô hộ thì nước ta không những mất chủ quyền quốc gia mà còn mất dần những yếu tố dân chủ ngay cả ở làng, xã.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hiến định bởi Hiến pháp đầu tiên do Quốc hội thông qua ngày 9/1/1946. Người khai sinh ra nền cộng hoà dân chủ và bản Hiến pháp đầu tiên ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, nhà văn hoá kiệt xuất đã đưa dân tộc vào con đường phát triển hợp quy luật, xây dựng nước ta thành một nước dân chủ của nhân dân lao động, bỏ qua nền dân chủ của giai cấp tư sản. Sự “bỏ qua” là một tiến bộ vượt bậc của lịch sử, nhưng như các nhà kinh điển đã chỉ rõ mọi sự bỏ qua đều gặp những khó khăn, trở lực không nhỏ. Cho đến trước Cách mạng tháng

Tám/1945, chúng ta chưa qua một chế độ dân chủ nào, chưa có sự trải nghiệm về thực tiễn dân chủ. Chính vì thế mà cả thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và việc thực hành dân chủ, chúng ta đều đi những bước chập chững, mắc không ít sai lầm, khuyết điểm, phải vừa học vừa làm.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nhận định rằng từ giữa thể kỷ XX, Việt Nam đã đạt tới những quan niệm dân chủ, sánh ngang với bất cứ một thể chế dân chủ nào trên thế giới. Nổi bật ở đây là việc xác nhận về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [1]. Cùng với thời gian, vấn đề dân chủ tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, được thể hiện trong đường lối lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tiếp tục được thể hiện trong các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung của nước ta.

Tuy nhiên trước những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đặc trưng nổi bật của xã hội thời chiến là nền kinh tế tập trung, bao cấp và quản lý xã hội bằng biện pháp hành chính “mệnh lệnh, phục tùng”. Điều đó cho thấy rằng trong khoảng thời gian mà nhân dân phải gồng mình đối chọi với chiến tranh, với sự sống, với cái ăn, cái mặc thì việc chú trọng đến dân chủ và tổ chức thực hiện dân chủ dường như chưa phải là ưu tiên quan trọng nhất.

Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, những xáo trộn lớn trong đời sống chính trị thế giới, sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của phe XHCN đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị xã hội nước ta. Trước những nguy cơ đe dọa sự tồn tại của hệ thống chính trị - xã hội và sự khủng hoảng của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhậy bén, kịp thời lãnh đạo nhân dân đổi mới toàn diện đất nước. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng - Đại hội đổi mới chỉ rõ: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy

quyền làm chủ của nhân dân lao động” [9]. Đây chính là những tư tưởng trọng yếu làm cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ trong quá trình đổi mới đất nước. Có thể thấy, từ giai đoạn này dân chủ đã mang một sắc thái hoàn toàn mới, phù hợp với thực tế của đất nước.

Từ khi Đảng và Nhà nước ta tiến hành đổi mới, nền kinh tế của đất nước từng bước phát triển, cùng với đó là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, đó chính là dân sinh. Như một hệ quả tất yếu, kinh tế phát triển sẽ kéo theo trình độ nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt vì họ có điều kiện để học hành và tiếp xúc với nhiều kênh thông tin để nâng cao nhận thức. Khi dân trí phát triển, người dân nâng cao nhận thức của mình về các quyền công dân, quyền về kinh tế, chính trị - xã hội trong mối quan hệ với chính quyền và hệ thống chính trị. Nói cách khác, đòi hỏi về thực hiện quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở càng ngày càng nâng cao như một tất yếu khách quan trên con đường phát triển của nước ta. Bởi vậy, việc nhân dân tìm hiểu thế nào là dân chủ, làm thế nào để thực hiện dân chủ, làm thế nào để quyền dân chủ của họ không bị xâm phạm… được coi là nhu cầu chính đáng của người dân. Những điều này được thể hiện rõ nhất tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri… người dân đã thông qua những đại biểu dân cử chất vấn Quốc hội, chất vấn những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền và đặc biệt hơn là người dân đã thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo đối với những cá nhân, tổ chức được coi là vi phạm pháp luật. Đây có thể coi là bước tiến mới trong vấn đề dân chủ ở nước ta.

Nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về dân chủ của người dân càng được nâng lên. Vì thế không ngừng mở rộng và phát huy dân chủ trong đời sống xã hội là một đòi hỏi tất yếu của đời sống. Quan điểm này được Đảng và Nhà nước ta vận dụng và hoàn thiện trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Được thể hiện rõ nhất tại các kỳ Đại hội của Đảng:

Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nội dung: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của

hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua hoạt động của nhà nước do dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp".

Tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: "Xây dựng nền dân chủ XHCN là nội dung cơ bản đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Phải có cơ chế và cách làm cụ thể để thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” [11]. Tư tưởng quan trọng này chính là cơ sở của Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/2/1998, về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Bộ Chính trị chỉ rõ phải ban hành Chỉ thị này là vì: "quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chưa được cụ thể hóa và thể chế hóa thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống” và "Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Muốn vậy, Nhà nước cần ban hành QCDC ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện”.

Cùng với việc đề ra phương hướng, chiến lược phát triển đất nước một cách toàn diện và lâu dài, tại Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh: "Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp, các ngành” [12].

Ðáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới, Ðại hội X của Ðảng đã chỉ rõ: “Dân chủ XHCN vừa là mục tiêu vừa là động lực của

công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối gắn bó giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Ðảng. Mọi đường lối, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”.

Vậy việc mở rộng và phát huy dân chủ là xu hướng khách quan của tiến bộ xã hội, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi nước ta đang trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Thực tiễn và lý luận đã khẳng định tính tất yếu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội không gì khác hơn là giành dân chủ cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, khẳng định quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, một xã hội không còn tha hóa, bóc lột, một cộng đồng người lao động tự do và sáng tạo.

Trên 60 năm xây dựng chế độ dân chủ và thực hành dân chủ, quan niệm về dân chủ và thực hành dân chủ ở nước ta cũng diễn biến cùng với những năm tháng đổi thay của đất nước. Dân chủ và thực hành dân chủ là một quá trình cách mạng, không phải là một con đường thẳng tắp mà nhiều quanh co, phức tạp. Dân chủ với tư cách là một chế độ chính trị thì việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó cả nhà nước và công dân đều phải có trách nhiệm xây dựng pháp luật và đặt mình dưới pháp luật, coi pháp luật là tối thượng để đảm bảo cho nhà nước thực sự là nước dân chủ. Nghĩa là mọi tổ chức và công dân, từ Nguyên thủ Quốc gia đến môi người dân đều phải “Tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật” [1].

Một phần của tài liệu Luận văn thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w