Các hình thức thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

Một phần của tài liệu Luận văn thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 46)

Dân chủ XHCN là hình thức tiến bộ nhất trong lịch sử, trong đó dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp là hai hình thức thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.

a. Dân chủ trực tiếp là hình thức tham gia của mọi công dân một cách bình đẳng và trực tiếp vào những công việc chung và quyết định theo biểu quyết đa số. Cũng có thể hiểu, dân chủ trực tiếp là sự thể hiện một cách trực tiếp ý chí của chủ thể quyền lực về những vấn đề quan trọng nhất

Việc thực hiện dân chủ trực tiếp phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Với hình thức này, người dân thực hiện quyền lực của mình mà không cần thông qua trung gian hay đại diện.

Có 3 cách cơ bản thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của người dân: + Bầu cử: lá phiếu của cử tri quyết định trực tiếp người trúng cử Ví dụ: Bầu cử Trưởng thôn, đại biểu HĐND các cấp.

+ Trưng cầu dân ý: để quyết định một vấn đề, nhà nước mang ra hỏi ý kiến của người dân và ý kiến của nhân dân có ý nghĩa quyết định về vấn đề đó.

+ Bãi nhiệm đại biểu: cử tri đi bầu đại biểu và có quyền bãi nhiệm đại biểu khi người đó không còn xứng đáng với niềm tin của mọi người.

Ngoài ra còn có hình thức “Diễn đàn nhân dân” và “Đối thoại với quan chức Nhà nước” cũng là cách thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Như vậy, dân chủ trực tiếp là bản chất của xã hội công dân và của bộ máy nhà nước quản lý xã hội công dân. Do đó vấn đề không chỉ là nhận thức

mà quan trọng hơn nữa là dân chủ trực tiếp phải được thiết chế hóa thành các bộ luật, điều luật, cơ chế hoạt động, hình thức biểu đạt và các tổ chức phụ trợ nhằm bảo đảm an toàn cho bộ máy dân chủ vận hành tối ưu và các cá nhân sống trong hệ thống dân sự đó phát huy quyền sáng tạo công dân của mình. Có như vậy thực hiện dân chủ ở cơ sở mới phát huy có hiệu quả và thực chất. b. Dân chủ gián tiếp là hình thức nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của những người đại diện, cơ quan đại diện của mình ở các cấp chính quyền, ở MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Ví dụ: Tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp. Các đại biểu phát biểu, chất vấn… đó là việc đại biểu thay mặt nhân dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Người dân không tự thực hiện quyền lực mà thông qua vai trò của một đại diện hay trung gian. Hiện nay ở Việt Nam, người dân thực hiện quyền dân chủ gián tiếp thông qua Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là những cơ quan do dân bầu, mang quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của nhân dân. Nhân dân có thể thông qua các cơ quan nhà nước khác, thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Ở Việt Nam, việc nhân dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp mới là bước đầu tiên để nhân dân thực hiện chế độ dân chủ đại diện (dân chủ gián tiếp). Các cơ quan đại diện và đại biểu nhân dân thực hiện quyền lực chính trị do nhân dân giao phó thông qua việc thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Với dân chủ gián tiếp, ý nghĩa thật sự của nền dân chủ (nhân dân quyết định công việc Nhà nước) phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ thực tế giữa người đại diện - chính quyền - người dân, và chỉ đạt tới lý tưởng một khi mối quan hệ đó mang bản chất dân chủ trực tiếp - đích phấn đấu của mọi nhà nước dân chủ trên thế giới ngày nay.

Một phần của tài liệu Luận văn thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w