Lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở ruột do trực khuẩn Shigella gây ra, đây là một bệnh tiêu chảy nguy hiểm nhất trong các loại bệnh tiêu chảy và là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới đang phát triển như nước ta, có thể xảy ra các vụ dịch lớn, tỷ lệ tử vong còn cao có nơi lên đến 15%. Biểu hiện bệnh lý thay đổi từ thể tiêu chảy nhẹ đến các thể bệnh nặng với hội chứng lỵ và hội chứng nhiễm trùng độc.
Bệnh thường lây truyền trực tiếp từ người sang người qua trung gian tay bẩn hoặc vật dụng bị nhiễm, có thể lây gián tiếp qua thức ăn nước uống. Ruồi đóng vai trò quan trọng trong cơ chế truyền bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh lỵ là do tình trạng vệ sinh kém, chỗ ở đông đúc, đặc biệt nơi có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, sự mệt mỏi, thay đổi thời tiết, thay đổi chế độ ăn ....
Cách điều trị
- Điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh + Nhóm fluoroquinolon • Ofloxacin • Ciprofloxacin + Nhóm cephalosporin thế hệ 3: • Cefixime • Ceftriaxone
Ngoài ra trong trường hợp kháng thuốc có thể dùng: Azithromycin: - Điều trị triệu chứng
+ Bồi hoàn nước và điện giải
+ Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột và giảm đau, các loại dẫn xuất từ cây thuốc phiện vì không những chúng làm chậm thải vi khuẩn và kéo dài thời gian bệnh mà còn có thể làm cho bệnh nặng thêm, làm ức chế hô hấp, liệt ruột, chướng bụng.
Cách phòng bệnh
- Giáo dục y tế về cách lây truyền và cách phòng chống sự lây truyền đó, có thể tuyên truyền giáo dục tại nhà, cơ sở y tế, trường học.
- Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống sự lây nhiễm.
- An toàn thực phẩm: Không ăn thức ăn sống trừ những rau quả tươi có thể bóc vỏ và ăn ngay sau khi bóc, đun nấu thức ăn cho đến khi chín, ăn thức ăn khi còn nóng hoặc đun lại hoàn toàn trước khi ăn, giữ thức ăn đã nấu và bát đĩa sạch, tách riêng với những thực phẩm sống và những bát đĩa có thể bị ô nhiễm, rửa kỹ tay bằng xà phòng trước và sau nấu ăn, và không để ruồi bâu vào thức ăn bằng cách đậy lồng bàn.
- Nước uống sạch.
- Phải bảo đảm xử lý an toàn các chất thải của người, phải có hệ thống hố xí thích hợp với điều kiện địa phương.
- Phòng chống sự lây lan tại các cơ sở y tế: với vệ sinh tay sạch sẽ và thường xuyên giặt giũ và tẩy uế quần áo, đồ vải trải giường của bệnh nhân.