Đặc điểm của sự phát triển trí tuệ của học sinh THCS

Một phần của tài liệu khảo sát nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh thành phố hồ chí minh (Trang 50 - 51)

Sự phát triển trí tuệ của học sinh THCS thể hiện rất rõ sự chuyển tiếp từ tính chất không chủ định sang tính chất có chủ định. Ở lứa tuổi này, tính chất không chủ định không giảm đi, tính chất có chủ định đang phát triển mạnh nhưng vẫn chưa chiếm ưu thế. Tính chất chuyển tiếp được thể hiện ở tất cả các quá trình nhận thức. [23]

Sự phát triển tri giác của học sinh THCS

So với học sinh Tiểu học, khối lượng đối tượng tri giác của học sinh THCS tăng lên rõ rệt. Tri giác của học sinh THCS có trình tự, có kế hoạch và hoàn thiện hơn. Học sinh THCS có khả năng phân tích và tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác sự vật, hiện tượng. Khả năng quan sát phát triển và trở thành thuộc tính ổn định của cá nhân. Tuy nhiên, tri giác của học sinh THCS còn một số hạn chế như: thiếu kiên trì, còn vội vàng, hấp tấp trong tri giác, tính tổ chức, tính hệ thống trong tri giác còn yếu. Do còn những hạn chế này nên trong quá trình tri giác, học sinh THCS gặp phải một số khó khăn như: không tìm ra những dấu hiệu, những yếu tố cần tìm hoặc tìm không đúng, dễ bị lẫn lộn giữa dấu hiệu bản chất và dấu hiệu không bản chất.

Sự phát triển trí nhớ của học sinh THCS

Trí nhớ của học sinh THCS dần dần mang tính chất của những quá trình có điều khiển, điều chỉnh và có tổ chức. Ghi nhớ có ý nghĩa, ghi nhớ lôgic đang dần chiếm ưu thế hơn so với ghi nhớ máy móc. Trong khi tái hiện vấn đề, học sinh THCS đã biết dựa vào lôgic của vấn đề nên nhớ chính xác và nhớ lâu hơn. Học sinh THCS có khả năng sử dụng các loại trí nhớ một cách hợp lí, biết tìm ra các phương pháp ghi nhớ, nhớ lại thích hợp và có hiệu quả, biết phát huy vai trò của tư duy trong các quá trình ghi nhớ. Mặt khác, ghi nhớ của học sinh THCS cũng thể hiện

tính chất mâu thuẫn: mặc dù có khả năng ghi nhớ có ý nghĩa song các em vẫn tuỳ

chưa hiểu đúng vai trò của ghi nhớ máy móc, coi đó là học vẹt nên coi thường loại ghi nhớ này, và vì vậy, các em không nhớ được tài liệu một cách chính xác.

Sự phát triển chú ý của học sinh THCS

So với lứa tuổi học sinh Tiểu học, chú ý có chủ định của học sinh THCS được tăng cường: Các phẩm chất chú ý của học sinh THCS mang nội dung mới, sức tập

trung chú ý cao hơn, khối lượng chú ý nhiều hơn, khả năng di chuyển được tăng

cường rõ rệt, khả năng duy trì chú ý được lâu bền hơn.

Tuy nhiên sự phát triển chú ý của học sinh THCS cũng có mâu thuẫn: Một mặt chú ý có chủ định của các em phát triển mạnh, mặt khác, những ấn tượng và rung động mạnh mẽ, phong phú làm cho sự chú ý của các em khó bền vững. Điều này tạo cho các em không ít khó khăn khi phải học trong một lớp quá đông, phương tiện dạy học thiếu thốn, giáo viên giảng bài không thu hút…

Tư duy của học sinh THCS

Tư duy của học sinh THCS có sự chuyển đổi từ tư duy cụ thể sang tư duy trừu tượng cho nên mức độ phát triển tư duy của các em không đồng đều. Ở đầu cấp, thành phần của tư duy cụ thể của học sinh THCS vẫn phát triển mạnh và giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tư duy. Sang các lớp cuối cấp, tư duy trừu tượng của học sinh mới phát triển mạnh và tư duy phê phán của các em cũng bắt đầu phát triển. Các em bắt đầu biết nhìn nhận, đánh giá vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Các em không còn thích sự rập khuôn, sáo rỗng và áp đặt.

Từ những biến đổi phức tạp trên, học sinh THCS gặp không ít khó khăn trong học tập khi thiếu tài liệu tham khảo hay chưa kịp hiểu bài, số lượng bài vở quá nhiều hoặc phải làm bài theo kiểu rập khuôn, máy móc. Các em thấy căng thẳng, áp lực khi không được sáng tạo cũng như khi các em không được thầy cô giải đáp thấu đáo những thắc mắc.

Một phần của tài liệu khảo sát nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh thành phố hồ chí minh (Trang 50 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)