Đặc điểm cơ bản của sự phát triển nhân cách của học sinh THCS

Một phần của tài liệu khảo sát nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh thành phố hồ chí minh (Trang 51 - 55)

Đời sống tình cảm của học sinh THCS

Tình cảm của học sinh THCS phát triển mạnh và đã phục tùng ý chí, trong đó, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ phát triển vượt bậc.

Xúc cảm, tình cảm của học sinh THCS có cường độ khá mạnh, thường theo hướng xung động, quyết liệt mặc dù đôi khi các em cũng biết kiềm chế và che dấu tình cảm thật của bản thân. Do thiếu kinh nghiệm và hiểu biết, đôi khi tình cảm của học sinh THCS mâu thuẫn, tiêu cực và bộc phát. Các em trở nên khó hiểu, khó gần và khó giáo dục nếu người lớn không hiểu và không thông cảm với trạng thái tâm lý bất thường của các em.

Sự phát triển của tự ý thức của học sinh THCS

Sự phát triển mạnh mẽ tự ý thức là một trong những đặc điểm đặc trưng trong sự phát triển nhân cách của thiếu niên. Trên cơ sở tự nhận thức và tự đánh giá (hai quá trình của tự ý thức) được mình, học sinh THCS có khả năng điều khiển, điều chỉnh hoạt động của bản thân cho phù hợp với yêu cầu của khách quan, mới giữ được quan hệ, giữ được vị trí xứng đáng trong xã hội, trong lớp học, trong nhóm bạn.

Những biến đổi về thể chất cũng như trong hoạt động học tập và sự biến đổi về vị thế của học sinh THCS trong gia đình, nhà trường, xã hội … đã làm các em nảy sinh nhận thức mới. Đó là nhận thức về sự trưởng thành của bản thân, xuất hiện “cảm giác mình đã là người lớn”. Học sinh THCS cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa dù các em cũng cảm thấy mình chưa thật sự là người lớn nhưng sẵn sàng trở thành người lớn. Các em bắt đều biết quan tâm và phân tích một cách có chủ định những đặc điểm về trạng thái, phẩm chất tâm lý, tính cách của bản thân. Các

em quan tâm đến những cảm xúc mới, tự phê phán những tình cảm mới của bản

thân. Các em cũng bắt đầu biết chú ý đến khả năng, năng lực của bản thân làm nảy sinh một hệ thống nguyện vọng, các giá trị hướng tới người lớn.

Tuy nhiên, không phải tất cả những phẩm chất nhân cách đều được học sinh THCS ý thức cùng một lúc. Bước đầu, các em nhận thức về dáng vẻ bề ngoài, hành vi bên ngoài của mình. Tiếp đến, các em nhân thức các phẩm chất đạo đức, tính cách và năng lực của bản thân trong các phạm vi khác nhau theo thứ tự ưu tiên như sau: những phẩm chất liên quan đến học tập, những phẩm chất thể hiện thái độ của bản thân với người khác, những phẩm chất thể hiện thái độ đối với bản thân và cuối

cùng là những phẩm chất phức tạp, thể hiện mối quan hệ nhiều mặt của nhân cách như tinh thần trách nhiệm, lương tâm, danh dự…

Nhu cầu nhận thức bản thân của học sinh THCS phát triển mạnh, làm nảy sinh xu thế độc lập đánh giá bản thân. Ban đầu, các em tự đánh giá dựa vào sự đánh giá của người khác, đặc biệt là người có uy tín, gần gũi với các em, dần dần, các em mới hình thành khả năng độc lập phân tích và đánh giá bản thân. Học sinh THCS thường có xu hướng đánh giá cao hơn hiện thực trong khi người lớn lại đánh giá thấp khả năng của các em. Điều này vừa làm cho học sinh THCS cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị thiếu tôn trọng và đôi khi các em trở nên tự ti, thụ động, sống trong “vỏ ốc” vừa có thể là động lực để thôi thúc các em rèn luyện, vươn lên chứng minh khả năng để được người lớn thừa nhận.

Do khả năng đánh giá và tự đánh giá phát triển, thiếu niên đã hình thành phẩm chất nhân cách quan trọng là sự tự giáo dục. Học sinh THCS biết tự tác động đến bản thân, tự giáo dục ý chí, tự tìm tòi những chuẩn mực nhất định, tự đề ra mục đích, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng mẫu hình cho bản thân trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, ở nhiều em, sự tự giáo dục còn chưa có hệ thống, chưa có kế hoạch, chưa có biện pháp thích hợp nên trong quá trình thực hiện tự giáo dục, các em gặp không ít khó khăn và vì vậy, các em rất cần sự hỗ trợ từ người lớn để quá trình tự giáo dục cũng như sự phát triển ý thức có kết quả cao.

Sự phát triển đạo đức của học sinh THCS

Do sự phát triển tự ý thức, do có sự mở rộng các quan hệ xã hội, đạo đức của học sinh THCS phát triển mạnh mẽ. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy, nhìn chung trình độ nhận thức đạo đức của học sinh THCS là cao. Các em hiểu rõ những khái niệm đạo đức vừa sức đối với tuổi các em, chẳng hạn như tính trung thực, kiên trì, dũng cảm, tính độc lập… Tuy nhiên, cũng có một số học sinh có thể ngộ nhận,

hiểu biết phiến diện, không chính xác về một số khái niệm đạo đức, những phẩm

chất riêng biệt của cá nhân ,vì vậy, các em đã phát triển những nét tiêu cực trong tính cách.

Do sự phát triển của trí tuệ và tự ý thức, hành vi đạo đức của học sinh THCS bắt đầu chịu sự chỉ đạo của những nguyên tắc riêng, những quan điểm, sáng kiến riêng và niềm tin của bản thân. Những nguyên tắc, chuẩn mực riêng này đôi khi phù hợp với chuẩn mực của người lớn, của xã hội và đôi khi trở nên xa lạ mà người lớn không hiểu nổi, không giải thích được. Với những chuẩn mực phù hợp với nhu cầu xã hội, học sinh THCS sớm khẳng định được sự lớn lên, trưởng thành của mình, còn ngược lại, các em có thể xung đột, mâu thuẫn với người lớn, mâu thuẫn với chính nhu cầu được thừa nhận và tôn trọng của bản thân.

Tóm lại:

Lứa tuổi học sinh THCS là một lứa tuổi có một ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời mỗi người, vì nó chuyển từ thời kỳ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Sự chuyển tiếp này tạo nên nội dung cơ bản và sự khác biệt đặc thù, phức tạp về mọi mặt của lứa tuổi, nói cách khác, sự chuyển tiếp đã hình thành những cấu tạo mới về chất trong tất cả mọi mặt của lứa tuổi. Sự biến đổi của cơ thể, của tự ý thức, của kiểu quan hệ với người lớn và bạn cùng tuổi, của hoạt động học tập, hoạt động xã hội… đã làm xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành. Quá trình hình thành cái mới thường diễn ra không đồng đều giữa các học sinh THCS và cũng diễn ra khác nhau giữa các mặt trong bản thân mỗi học sinh. Điều này không chỉ tạo nên tính phức tạp mà còn tạo ra nhiều khó khăn, thử thách cho các em. Với bối cảnh xã hội hiện nay, chính những khó khăn, thách thức này làm nảy sinh trong các em một nhu cầu mới: nhu cầu tham vấn tâm lý.

CHƯƠNG 2

KẾT QUẢ KHẢO SÁT NHU CẦU THAM VẤN TÂM LÝ CỦA HỌC SINH THCS HUYỆN BÌNH CHÁNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong chương này, các phần sau đây được trình bày:

• Thể thức và phương pháp nghiên cứu

• Kết quả khảo sát trên giáo viên

• Kết quả khảo sát trên học sinh

• Kết quả khảo sát trên phụ huynh

Một phần của tài liệu khảo sát nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh thành phố hồ chí minh (Trang 51 - 55)