2.1. THỰC TRẠNG KẾT HỢP PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG QUẢNLÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.1. Khái quát về sự kết hợp giữa pháp luật và đạo đức trongquản lý nhà nước ở Việt Nam quản lý nhà nước ở Việt Nam
Ra đời vào những thời điểm khác nhau của lịch sử, pháp luật và đạo đức luôn là phương tiện điều chỉnh phổ biến và cơ bản nhất đối với hành vi và các mối QHXH của con người. Vị trí, vai trò, tính chất của sự kết hợp giữa pháp luật và đạo đức được nhận thức, khai thác, sử dụng không hoàn toàn giống nhau, chúng luôn có sự biến đổi qua từng thời kỳ lịch sử.
Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, pháp luật phát triển chậm chạp, mờ nhạt hơn đạo đức và các quy tắc xã hội khác. Nhu cầu về pháp luật và vai trò của pháp luật ở Phương Đông nói chung, ở Việt Nam nói riêng không cao như ở Phương Tây cổ đại. Những đặc thù lịch sử, văn hóa, khí hậu địa lý, những đặc trưng của chế độ sở hữu ruộng đất làng xã đã tạo điều kiện cho sự tồn tại thuận lợi và phát huy sức mạnh của đạo đức, của phong tục tập quán, hương ước, tín điều tôn giáo. Đồng thời chính các quy phạm xã hội này lại là lực cản cho sự phát triển của pháp luật. Một căn nguyên khác cũng phải kể đến là các cuộc chiến tranh liên miên của Phương Bắc đối với Việt Nam đã khiến các triều đại phong kiến nước ta phải thường xuyên tập trung vào công
việc tổ chức chống ngoại xâm, xây dựng nền độc lập dân tộc. Do vậy, tư duy pháp lý của người Việt Nam còn thấp mà nặng về tư duy đạo đức, tư duy luân lý. Lối sống có nghĩa, có tình và cách nghĩ, cách ứng xử “bụng bảo dạ”, "lòng vả cũng như lòng sung" đã chi phối hầu hết các mối quan hệ cơ bản trong xã hội. Từ khi xã hội Việt cổ bước vào thời kỳ có nhà nước cho đến khi chính thức có pháp luật thành văn là một khoảng cách quá dài so với nhiều quốc gia khác. Mãi đến thời nhà Lý, nước ta mới chính thức có pháp luật thành văn (Bộ Hình thư ban hành năm 1042). Luật pháp Việt Nam ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của Nho giáo, mang đậm dấu ấn Nho giáo.
Trong số bốn bộ luật của thời kỳ phong kiến Việt Nam, bộ luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình luật) dưới thời Lê Thánh Tông được coi là tiêu biểu nhất. Bộ luật được xây dựng trên cơ sở đạo đức Nho giáo là cơ bản, ngoài ra cũng thể hiện các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Việc ghi nhận đó xét đến cùng chính là nghệ thuật cai trị xã hội của Nhà nước, là điều kiện đảm bảo sự tồn tại của chính bản thân pháp luật, là chính sách thông minh, dũng cảm của các nhà làm luật Triều Lê [29, tr.13].
Do những điều kiện khách quan về địa lý, khí hậu, đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp, đấu tranh liên miên... nên trong giai đoạn này, đạo đức chiếm ưu thế hơn trong việc điều chỉnh các QHXH. Lối sống tình nghĩa “thương người như thể thương thân” là triết lý phát triển đạo đức Việt Nam. Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, ý thức cộng đồng dân tộc là nền tảng cho sự hình thành và phát triển những nhân tố tích cực trong pháp luật của Nhà nước phong kiến Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Nhìn từ một góc độ khác, với ưu thế điều chỉnh của đạo đức, con người dường như hòa tan vào cộng đồng, vai trò cá nhân ít được thể hiện. Sự cấu kết của cá nhân với cộng đồng trở thành yêu cầu đạo đức, chính nó quy định ý nghĩa cuộc đời mỗi cá nhân. Người ta coi thực hiện bổn phận đạo đức đối với người
khác, với xã hội là niềm vui, là nhu cầu cuộc sống. Đức hy sinh, sự cam chịu, phục tùng thụ động đã được coi là những phẩm chất nổi trội của cá nhân con người trong xã hội cổ truyền. Con người hầu như không có khái niệm về quyền pháp lý mà chủ yếu là bổn phận, đạo đức. Pháp luật đối với người dân quá xa lạ và đồng nghĩa với trừng phạt nên họ thường thờ ơ, chống đối, không có thói quen sống theo pháp luật, coi trọng tục lệ hơn pháp luật. Cuộc sống với những QHXH thuần nhất, giản đơn về cơ bản được điều chỉnh bằng đạo đức và tập tục.
Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, luật và lệ luôn song hành. Các Nhà nước phong kiến và các chính quyền đô hộ đều phải thừa nhận sự tồn tại của hệ thống luật tục người Việt. Tính buộc phải thích ứng với tục lệ là một đặc điểm to lớn của lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam. Phạm vi can thiệp của pháp luật không rộng lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực quốc gia như: Quân sự, an toàn hoàng tộc, sưu thuế, binh dịch... Trong tiến trình lịch sử, nhà nước vừa hạn chế sự phát triển của hương ước vừa phải sử dụng hương ước như một nguồn luật của Nhà nước để thực thi ở làng xã. Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp thực hiện cuộc “cải cách hương chính” nhưng do sự cố kết bền vững của hương ước nên cuộc cải biến đó đã không thu được kết quả, chính quyền thực dân buộc phải chấp nhận sử dụng một bộ phận hương ước song song với pháp luật của chính quốc để điều chỉnh các QHXH trong thời điểm bấy giờ.
Trong thời kỳ cơ chế quản lý tập trung bao cấp, do nhận thức về Chủ nghĩa xã hội còn có nhiều hạn chế nên mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức cũng chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Do vậy, chúng chưa được sử dụng có hiệu quả cao trong QLNN. Ở thời kỳ này, nhận thức về pháp luật là hai khuynh hướng: Hoặc quá đề cao pháp luật, coi pháp luật là công cụ vạn năng có thể xác lập hay xóa bỏ một thành phần kinh tế nào đó, sử dụng mệnh lệnh hành chính thay cho pháp luật; hoặc đề cao quá mức một số quan niệm, quan điểm đạo đức mới như tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần mỗi người vì
mọi người… Quá nhấn mạnh cái “chúng ta” mà quên mất “cái tôi”, có sự ảo tưởng, nhầm lẫn cơ bản khi cho rằng chỉ cần “ mo cơm quả cà, tấm lòng cộng sản” là có thể xây dựng thành công CNXH. Trong khi đó, một số quan niệm đạo đức truyền thống của dân tộc có phần bị coi nhẹ, xem thường, thậm chí bị coi là tàn dư của chế độ cũ cần phải bị loại bỏ.
Khuynh hướng chung của việc điều chỉnh pháp luật thời kỳ này là tập trung khẳng định và củng cố nền kinh tế hiện vật, phương pháp lãnh đạo hành chính bao cấp, mệnh lệnh, là việc đề ra vô số những cấm đoán và hạn chế, tiêu diệt tính năng động, tự chủ, sáng tạo của con người. Con người từ phương diện pháp lý và đạo đức chủ yếu được quan tâm, đánh giá với tư cách là một thực thể xã hội, nặng về nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm với tập thể. Nhìn chung, các văn bản pháp luật không tạo được động lực cho sự phát triển xã hội, phát triển cá nhân một cách toàn diện. Công tác xây dựng pháp luật chủ yếu mang tính giải pháp tình thế và áp đặt chủ quan, nhiều khi thoát ly thực tế. Thực trạng kinh tế, xã hội và pháp luật đó đã dẫn đến một hệ quả về mặt ý thức là sự coi thường, thờ ơ, bất chấp pháp luật, tâm lý ngại ra pháp luật, ra pháp luật đồng nghĩa là xấu, là liên lụy, phạm pháp.
Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, dưới tác động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, pháp luật và đạo đức đều có sự biến đổi mạnh mẽ. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngày càng mở rộng, dần khẳng định được vị thế, chiếm lĩnh được “thị phần” xã hội của mình trong tương quan với đạo đức. Ngày càng có nhiều các QPPL để điều chỉnh các QHXH cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Nhiều lĩnh vực pháp luật trước đây trong cơ chế kinh tế cũ, không có hoặc không có điều kiện phát triển thì nay đã phát triển một cách mạnh mẽ. Các ngành luật phát triển tương đối đồng bộ, kỹ thuật lập pháp ngày được nâng cao. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật được hạn chế một cách cơ bản. Pháp luật được xây dựng không chỉ
phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện thực mà còn phù hợp với truyền thống đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc, phản ánh đầy đủ và chính xác ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Pháp luật thực sự là công cụ hữu hiệu nhất để tổ chức và quản lý các mặt khác nhau của đời sống xã hội, là công cụ hữu hiệu để bảo đảm và bảo vệ các quyền, lợi ích của công dân. Nhờ vai trò tích cực đó của pháp luật, nền kinh tế xã hội nước ta trong hai chục năm qua đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Do nhu cầu hợp tác và hội nhập nền kinh tế, do ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, pháp luật của nhà nước ta trong điều kiện hiện nay chịu ảnh hưởng khá lớn của pháp luật các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực đạo đức, các quan niệm, quan điểm đạo đức cách mạng, nhất là các quan điểm đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò tích cực của chúng. Đó là các quan điểm, tư tưởng cán bộ, đảng viên phải trung thành với sự nghiệp của Đảng, trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân, một lòng một dạ, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, đồng thời phải “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” [23, tr.438].
Cùng với việc khẳng định các quan niệm, quan điểm, đạo đức cách mạng, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được củng cố, giữ gìn và phát huy. Trải qua thực tiễn cuộc sống, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, ông cha ta đã đúc kết được những quan niệm, quan điểm truyền thống vô cùng quý báu, đó là tình thương yêu đoàn kết gắn bó, tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân. Là tư tưởng coi trọng cộng đồng, đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng; coi trọng gia đình, đề cao quan hệ huyết tộc; tư tưởng hiếu học, tôn sư trọng đạo; tư tưởng uống nước nhớ nguồn; nhân nghĩa thủy chung; kính trên nhường dưới… Những quan niệm,
quan điểm đạo đức này không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn có giá trị to lớn trong hiện tại và tương lai.
Bên cạnh những quan điểm đạo đức truyền thống này, nhiều quan điểm mới có ý nghĩa tích cực đối với đời sống, phản ánh các QHXH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang từng bước được hình thành, đó là những quan điểm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; quan điểm làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội; quan điểm cạnh tranh lành mạnh...
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, tích cực thì nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái của nó. Nền kinh tế thị trường dễ làm con người chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp đạo lý, tình cảm. Không ít trường hợp vì đồng tiền mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, anh em, bè bạn. Vì đồng tiền, người ta bất chấp tất cả, thậm chí bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của mình, cũng vì nó mà con cái có thể đẩy cha mẹ ra ngoài đường, anh em đánh chửi nhau, bạn bè lừa gạt nhau. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ… đang gây phương hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, một số quan niệm, quan điểm cũ, lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để. Đó là tư tưởng gia trưởng, coi thường phụ nữ; tư tưởng coi thường lớp trẻ “trứng khôn hơn vịt”, “già lên lão làng”… Đồng thời, một số quan niệm đạo đức lệch lạc, không phù hợp với truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc đang có xu hướng thịnh hành như hôn nhân thử nghiệm, lựa chọn giới tính thai nhi... Tình hình VPPL có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Trong xã hội xuất hiện những hành vi VPPL một cách man rợ, chúng không chỉ xảy ra ở ngoài xã hội mà từng bước thâm nhập và hoành hành ngay trong bộ máy nhà nước, đặc biệt có cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tình trạng tham nhũng đã trở thành
quốc nạn mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX phải cảnh báo đó là một trong bốn nguy cơ chệch hướng XHCN ở Việt Nam [7, tr.67].
Đứng trước thực trạng đó, việc nhìn nhận, đánh giá vai trò kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Pháp luật, không tạo ra bản thân các giá trị đạo đức mà chỉ có thể tác động đem lại những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành những quan niệm, những chuẩn mực đạo đức mới tiến bộ, loại bỏ dần những quan niệm đạo đức cũ phản tiến bộ. Nếu không có được sự hài hòa giữa đạo đức và pháp luật thì không thể có sự phát triển bền vững của xã hội. Khi đạo đức đã xuống cấp thì dù pháp luật có hay đến mấy cũng trở nên vô nghĩa. Con người không hiểu biết về các chuẩn mực đạo đức thì càng dễ dàng VPPL. Ngược lại, sự VPPL, hay pháp luật không nghiêm lại là tiền đề làm rối loạn kỷ cương, đạo đức xã hội. Do vậy, vấn đề mà xã hội quan tâm và đặt ra bây giờ không chỉ là đầu tư tăng cường pháp luật hay đạo đức nhiều hơn, mà còn là phải biết kết hợp cả pháp luật và đạo đức để tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ, có hiệu quả nhất trong quản lý xã hội nói chung và QLNN nói riêng.
2.1.2. Những kết quả đã đạt được và một số hạn chế tồn tại của việckết hợp pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay