Thứ nhất, về con đường hình thành và hình thức biểu hiện.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Xã hội nguyên thủy chưa có nhà nước, cũng chưa có pháp luật. Để tổ chức và quản lý đời sống xã hội, người nguyên thủy dùng đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo. Những quy phạm này điều chỉnh rất có hiệu quả đối với QHXH trong điều kiện một xã hội thuần nhất và lợi ích của các thành viên trong xã hội là đồng nhất. Khi trong xã hội có kẻ giầu người nghèo, sự phân hóa giai cấp sâu sắc thì các quy phạm xã hội này dần mất đi tác dụng do tính đa dạng của các loại lợi ích khác nhau trong xã hội. Để điều chỉnh các QHXH trong một điều kiện mới, thông qua nhà nước, hình thành một loại quy tắc xử sự mới, đó là pháp luật. Những quy tắc xử sự mới này được hình thành bằng ba con đường:
Một là, Nhà nước thừa nhận những quy tắc xử sự đang tồn tại phù hợp với điều kiện xã hội, không mâu thuẫn với lợi ích giai cấp cầm quyền và dùng quyền lực nhà nước đảm bảo cho nó được thực hiện trên thực tế.
Hai là, Nhà nước thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tế của các cơ quan nhà nước, lấy nó làm khuôn mẫu để giải quyết các việc có nội dung tương tự về sau.
Ba là, Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước ban hành những văn bản trong đó có chứa đựng các quy phạm pháp luật.
Như vậy, pháp luật hình thành là kết quả của hoạt động tự giác, tư duy tích cực của nhà nước, tổ chức đại diện chính thức cho toàn xã hội. Khi mới hình thành, pháp luật chủ yếu tồn tại ở dạng không thành văn. Sau này cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật ngày càng chủ yếu tồn tại dưới dạng văn bản QPPL.
Cũng như pháp luật, đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội, là kết quả tất yếu của cuộc sống con người. Tuy nhiên, đạo đức chủ yếu hình thành bằng con đường tự phát. Chúng xuất hiện và tồn tại không cần qua một thiết chế xã hội nào mà chỉ cần sự thừa nhận của cộng đồng. Ban đầu chỉ là xử sự của một chủ thể nào đó, do nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống mà dần dần người ta ý thức được đó là điều nên làm, không nên làm, cần phải làm hay không được làm. Những quan niệm, quan điểm đầu tiên về cách thức xử sự giữa con người với nhau trong cuộc sống vì vậy mà từng bước được hình thành.
Đạo đức cũng có thể được hình thành một cách tự giác, nó là kết quả hoạt động nhận thức thực tiễn và sáng tạo tích cực của những cá nhân tiêu biểu, những người có uy tín và địa vị trong cộng đồng xã hội. Xã hội nào cũng xuất hiện những cá nhân tiêu biểu, những vĩ nhân, những người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội. Nhờ có những cá nhân ưu tú đó mà trí tuệ, nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân được đúc kết lại và
được nâng lên một tầm cao mới. Khổng Tử, Thích Ca, Giê Su, Tôn Dật Tiên, Hồ Chí Minh... không chỉ là những tấm gương về đạo đức, mà còn là những người có đóng góp rất quan trọng vào việc hình thành những quan niệm, quan điểm, quy tắc đạo đức. Ngoài ra, những chuẩn mực đạo đức cũng có thể do các thiết chế xã hội đặt ra.
Hình thành chủ yếu bằng con đường tự phát, đạo đức thường tồn tại ở dạng không thành văn và được truyền khẩu từ người này sang người khác, từ vùng này sang vùng khác, từ đời này sang đời khác. Cách biểu hiện thông thường nhất của đạo đức là qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, hò vè, qua những phong tục, tập quán, thói quen ứng xử của một cá nhân, một cộng đồng dân tộc. Đạo đức còn được thể hiện trong kinh thánh, trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong các học thuyết về đạo đức, về chính trị - xã hội, trong các quy tắc, điều lệ, hương ước, khoán lệ của các thiết chế trong xã hội... Có thể nói, sự biểu hiện của đạo đức đa dạng và không có những hình thức đặc thù cho riêng mình.
Là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức bao gồm những quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức, trên cơ sở đó hình thành nên các quy phạm đạo đức, nó cũng bao gồm thái độ, tình cảm, sự đánh giá của cộng đồng xã hội cũng như bản thân chủ thể về hành vi đạo đức của họ... Như vậy yếu tố cơ bản của đạo đức, yếu tố cốt lõi hạt nhân của đạo đức là các quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức, chính các yếu tố đó là cơ sở, là chất liệu làm nên mọi yếu tố còn lại của đạo đức. Giáo dục đạo đức trước hết và cơ bản là giáo dục quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức. Các quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức bản thân nó không phải là những quy tắc xử sự, chúng không xác định rõ cách thức xử sự cho các trường hợp cụ thể, nhưng chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các QHXH. Chúng là những quan điểm chỉ đạo, những nhận thức chung cơ bản chi phối hành vi con người. Trên cơ sở
các quan niệm, quan điểm này mà các quy phạm đạo đức được hình thành, hay nói cách khác, ẩn đằng sau những quan điểm, tư tưởng đạo đức ấy chính là những quy phạm đạo đức.
Chẳng hạn với tư tưởng "đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại" cộng đồng xã hội muốn mọi người phải khoan dung độ lượng, mở ra con đường sống cho những kẻ lạc lối lầm đường, cho những kẻ ăn năn hối cải. Hoặc với quan niệm: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" thì lại hướng con người đến sự đoàn kết, tương thân, tương ái trong lao động, sản xuất, trong sinh hoạt đời thường cũng như trong gian nan, khổ cực, chiến tranh... Chỉ là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo giản dị ấy, nhưng trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, nó đã tạo nên sức mạnh vật chất khổng lồ. Đoàn kết dân tộc, cố kết làng xã chính là chìa khóa để giải đáp cho sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Pháp luật được hình thành bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng xu hướng chung là tồn tại một cách phổ biến dưới dạng các văn bản QPPL. Dưới hình thức tồn tại này, pháp luật thể hiện một cách tập trung nhất ý chí của nhà nước, đồng thời, khi đó nó cũng đảm bảo tính minh bạch, chính xác của pháp luật trong điều chỉnh các QHXH.
Nói đến pháp luật là nói đến các quy phạm pháp luật, dù tồn tại ở dạng thành văn hay không thành văn thì pháp luật cũng luôn được thể hiện dưới dạng các quy tắc xử sự - các quy phạm pháp luật. Chỉ trong một số trường hợp nhất định, khi thật cần thiết mà các QPPL chưa đầy đủ thì các quan niệm, quan điểm, tư tưởng pháp luật mới đóng vai trò bổ sung, thay thế cho các QPPL trong việc điều chỉnh hành vi con người.
Như vậy có thể thấy, con đường hình thành và hình thức thể hiện của pháp luật và đạo đức có sự khác biệt căn bản: Pháp luật hình thành từ hoạt động tự giác, đó là quá trình các chủ thể được nhà nước giao quyền chủ động,
tích cực xây dựng các quy tắc xử sự (QPPL) trên cơ sở khoa học lý luận, trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và phù hợp với điều kiện khách quan của cuộc sống. Nhờ vậy mà quá trình xây dựng các QPPL được thực hiện nhanh chóng, thể hiện chính xác ý chí của chủ thể quản lý trong quá trình điều chỉnh các QHXH phát triển theo định hướng thống nhất.
Ngược lại đạo đức chủ yếu hình thành bằng con đường tự phát. Do vậy quá trình thành những quy phạm đạo đức phải trải qua thời gian lâu dài, mang tính dàn trải, tản mạn. Nhiều khi phải qua thực tế kiểm nghiệm rất lâu mới xác định được tính đúng đắn, hữu ích của loại quy phạm đạo đức đó. Mặt khác, với hình thức biểu hiện qua các loại hình văn hóa nghệ thuật, được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, từ miền này sang miền khác, nội dung của các quy phạm đạo đức dễ bị sai lệch qua nhiều dị bản, người đọc có thể hiểu không thống nhất do tính đa nghĩa của loại hình ngôn ngữ này. Các quy phạm đạo đức không có hình thức biểu hiện đặc thù nên việc nghiên cứu, sưu tầm và hệ thống hóa loại quy phạm này là khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra các quy phạm đạo đức thường không xác định rõ cách thức xử sự cho từng trường hợp cụ thể mà chỉ đưa ra định hướng chung cho hành vi của con người, chúng cũng không chỉ rõ điều kiện, hoàn cảnh tác động cũng như dự liệu được các biện pháp chế tài cụ thể. Trong khi đó, con đường hình thành và hình thức biểu hiện của QPPL lại khắc phục được các yếu điểm này của quy phạm đạo đức. Bởi vậy nếu các giá trị tư tưởng, quan điểm, quan niệm đạo đức được kết hợp với pháp luật, được thể hiện các giá trị tiến bộ, tích cực của mình ngay từ giai đoạn xây dựng pháp luật và trong cùng một phương thức biểu hiện của QPPL thì hệ thống pháp luật đó sẽ phát huy được sức mạnh nội lực của cả pháp luật và đạo đức khi điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.
Biện pháp đảm bảo thực hiện được coi là một trong những điểm khác nhau rõ nét giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật do nhà nước ban hành nên nó được nhà nước đảm bảo thực hiện. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Nhà nước có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều biện pháp như tuyên truyền giáo dục, tổ chức thực hiện, các biện pháp kinh tế, hành chính và cuối cùng là cưỡng chế nhà nước. Thông qua bộ máy tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà nước, người dân nắm bắt được những quy định của pháp luật, từ đó họ chủ động điều chỉnh hành vi của mình đi theo một "hành lang pháp lý" mà Nhà nước định hướng sẵn. Nhà nước cũng trực tiếp tổ chức cho các chủ thể thực hiện pháp luật trong những trường hợp người dân không thể thực hiện được hoặc thực hiện không nghiêm chỉnh các quyết định của pháp luật. Bằng biện pháp khuyến khích về vật chất, tạo ra cho chủ thể sự quan tâm đến các lợi ích vật chất, Nhà nước làm cho các chủ thể tích cực tự giác thực hiện những quy định của pháp luật. Nhà nước cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm thực hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi VPPL. Hậu quả bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu do hành vi VPPL của họ có thể là về vật chất, về tinh thần, về tính mạng của chính chủ thể. Tuy nhiên, đó là những hậu quả bất lợi mà họ phải gánh chịu trong hiện tại và sự phán xét đánh giá từ phía nhà nước cũng chỉ trong một thời gian nhất định thông qua việc nhà nước quy định hiệu lực về thời gian của các QPPL. Tất cả những biện pháp nhà nước bảo đảm cho pháp luật thực hiện đều chỉ là sự tác động từ bên ngoài đối với chủ thể, thông qua một bộ máy chuyên môn với đầy đủ sức mạnh được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ngoài các biện pháp đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, việc đảm bảo thực hiện pháp luật còn được thực hiện bằng một số biện pháp xã hội khác như giáo dục trong gia đình, nhà
trường, trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, bằng sự tự nguyện, tự giác của chủ thể khi đạt tới "văn hóa pháp lý" của công dân.
Đối với đạo đức, Nhà nước cũng góp phần quan trọng làm cho nó được thực hiện, nhất là khi nó phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, của Nhà nước hay của cộng đồng xã hội; phù hợp với những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục của dân tộc mà Nhà nước thấy có ý nghĩa trong việc xây dựng nhân cách con người mới, trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, đảm bảo bằng nhà nước đối với việc thực hiện đạo đức không phải là biện pháp cơ bản và chủ yếu. Đạo đức được đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh, cơ bản và chủ yếu là nhờ các biện pháp phi nhà nước. Khác với pháp luật, "đạo đức được đảm bảo trước hết nhờ vào những yếu tố kích thích nội tâm của con người - sức mạnh từ bên trong, từ lương tâm, từ thói quen xử sự và từ sức mạnh bên ngoài - dư luận xã hội" [26, tr.13]. Một trong các biện pháp đảm bảo cho đạo đức được thực hiện, trước tiên phải kể đến biện pháp tuyên truyền giáo dục - biện pháp đầu tiên tác động vào tư duy, tình cảm nhận thức của con người. Đây là biện pháp có thể tiến hành bởi nhiều chủ thể, tại nhiều địa điểm, hoàn cảnh và đem lại hiệu quả lâu dài bởi chỉ bằng sự tự ý thức, tự cảm nhận, các chủ thể mới có khả năng tự điều chỉnh hành vi của mình một cách lâu bền, đặc biệt trong các mối QHXH có gắn với yếu tố tình cảm, tâm linh...
Chính thông qua giáo dục mà nhân cách con người được hình thành và xây đắp bổ sung. Môi trường xã hội chính là nơi để các chủ thể tự học hỏi và xây dựng "lương tâm" cho mình. Lương tâm của mỗi người không phải là phạm trù thiên bẩm có sẵn mà "phần nhiều do giáo dục mà nên" [21]. Có lương tâm, chủ thể nhận thức được ý nghĩa tích cực, tác dụng to lớn trong xử sự của mình, từ đó mà hào hứng, nhiệt tình hăng say, tự giác thực hiện một việc nào đó, hoặc kiềm chế không thực hiện một hành vi nào đó. Có thể ví
lương tâm của chủ thể như một vị quan tòa công minh, phán xét một cách khách quan các hành vi của chủ thể, nó như một người "chiến sĩ cảnh sát" luôn theo sát mỗi việc làm, mỗi hành động của chủ thể mà không một cơ quan hay bộ máy nào có thể sánh bằng.
Khác với các biện pháp cưỡng chế nhà nước, sự phán xét của "tòa án lương tâm" không chỉ diễn ra trong hiện tại mà nó "triền miên, day dứt, thậm chí trong suốt cả cuộc đời người vi phạm" [26, tr.17]. Vì thế mà trong dân gian luôn có câu:
"Trăm năm bia đá thì mòn, Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Dư luận xã hội là biện pháp đảm bảo rất quan trọng của đạo đức. Dư luận xã hội có sức mạnh rất to lớn trong việc tác động đến ý thức và hành vi con người. Trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức, dư luận đánh giá hành vi đó thiện hay ác, thật hay giả, tốt hay xấu... qua đó thể hiện thái độ đồng tình hay phản đối một hành vi nào đó. Sống trong cộng đồng, không ai có thể xa lánh hoặc trốn chạy dư luận mãi mãi, mỗi người đều nằm trong mối quan hệ đan xen mà buộc phải chấp nhận để có thể tồn tại. Người nào chỉ thoát ra khỏi mối quan hệ với xã hội khi họ không còn được coi là "tồn tại" theo đúng nghĩa của nó. Bởi vậy, dư luận xã hội đã trở thành biện pháp bảo đảm mãnh liệt và hiệu quả nhất. Dư luận xã hội có tác dụng cả ở hai mặt: khi đồng tình với hành vi nào đó của chủ thể nó có tác dụng khuyến khích to lớn, nó như là