Từ thực trạng của việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN, chúng ta nhận thấy rằng, kết hợp pháp luật và đạo đức đã thực sự trở thành một yêu cầu, một nguyên tắc trong QLNN ở Việt Nam hiện nay. Hoạt động này không chỉ là trách nhiệm từ phía các cơ quan nhà nước (Chủ thể quản lý), mà còn là đòi hỏi từ phía quần chúng nhân dân (Chủ thể bị quản lý) trong việc nâng cao nhận thức, chủ động phối hợp thực hiện tốt mối quan hệ này. Có như vậy việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN mới được triển khai sâu rộng và hiệu quả trên thực tế, giúp cho lý luận kết hợp pháp luật và đạo đức không trở thành lý thuyết, sách vở. Tuy nhiên việc kết hợp này phải được quán triệt trên cơ sở một số quan điểm chỉ đạo sau đây:
Một là, phải kết hợp chặt chẽ pháp luật và đạo đức trong QLNN ở giai đoạn hiện nay, tập trung chú trọng vào giai đoạn xây dựng pháp luật. Khi đã có một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp với đạo đức tiến bộ của nhân dân lao động, sẽ giúp cho quá trình thực hiện pháp luật được thuận lợi nhanh chóng bằng sự tự giác, sự tự ý thức về vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội; quá trình bảo vệ pháp luật cũng sẽ nghiêm minh trên cơ sở ủng hộ, giúp sức từ phía quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm pháp luật.
Hai là,coi trọng thể chế hóa đạo đức truyền thống dân tộc, đạo đức cách mạng trong xây dựng pháp luật XHCN.
Pháp luật XHCN phải được xây dựng phù hợp với lợi ích thống nhất của nhân dân lao động, phải được kế thừa trên nền tảng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đạo đức cách mạng, đồng thời có sự tiếp thu tinh hoa nhân loại trong kỹ thuật lập pháp. Trong điều kiện xây dựng nhà nước Pháp quyền XHCN, chúng ta tiến tới QLNN bằng pháp luật, lấy pháp luật làm chuẩn mực cao nhất cho xử sự của con người, vì vậy mà các giá trị đạo đức tốt đẹp phải có được vị trí tồn tại hợp pháp, đó chính là việc chúng ta đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thể chế hóa các giá trị đạo đức thành các chuẩn mực xử sự chung mang tính bắt buộc cho mọi người.
Ba là, cán bộ, công chức phải coi trọng trách nhiệm pháp lý đi đôi với đề cao đạo đức công vụ.
Trong hoạt động quản lý, cán bộ công chức là chủ thể được nhà nước giao quyền QLNN thông qua hoạt động công vụ của mình. Chính vì vậy, đây trở thành đối tượng đầu tiên và trước hết phải nhận thức được yêu cầu cũng như ý nghĩa của việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN. Cán bộ, công chức phải là người am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật, có trách nhiệm cao, hoạt động trước hết vì lợi ích cộng đồng, thực thi nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn đã được phân cấp. Song song với đó là nâng cao đạo đức công vụ, lấy tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự tận tụy, tận tâm phục vụ nhân dân, giữ vững bản lĩnh chính trị, chiến thắng mọi cám dỗ về vật chất và tinh thần, dám đương đầu với khó khăn thách thức… làm thước đo đạo đức công vụ.
Bốn là, phải coi trọng việc giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức công dân.
Kết hợp giáo dục pháp luật và đạo đức công dân là công việc hết sức quan trọng, là nền móng cho hoạt động kết hợp pháp luật và đạo đức trong
QLNN, bởi nhận thức có thông thì hành động mới trúng. Việc kết hợp giáo dục này thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nhân cách công dân trong vai trò là chủ thể quyền lực nhà nước. Người công dân trong nhà nước Pháp quyền XHCN là chủ thể của quyền lực chính trị, từ vị trí này đòi hỏi mỗi công dân phải nắm vững và vận dụng pháp luật một cách chính xác, nêu cao trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng. Đồng thời đây cũng là quá trình giúp người dân bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt trong điều kiện mở cửa, giao lưu và hội nhập. Do đó coi trọng giáo dục pháp luật phải được tiến hành song song với công việc giáo dục đạo đức, bổn phận công dân, có như vậy pháp luật và đạo đức mới có điều kiện phát huy sức mạnh của mình với tư cách là hai công cụ cơ bản để QLNN.
Trên cơ sở những quan điểm mang tính chất chỉ đạo trên, tác giả luận văn mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN ở Việt Nam như sau: