Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động kết hợp pháp luật và đạo đức

Một phần của tài liệu KẾT HỢP PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 87 - 93)

Việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN không phải là vấn đề mới được nghiên cứu, triển khai trên thực tế. Đây là một phương thức quản lý truyền thống được các nhà nước Phương Đông trong đó có Việt Nam sử dụng có hiệu quả ngay từ trong mô hình nhà nước phong kiến. Tuy nhiên cho đến tận giai đoạn này, việc kết hợp pháp luật và đạo đức vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém làm giảm hiệu quả hoạt động QLNN, có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Một là, trong xã hội và đặc biệt là trong hoạt động QLNN nhiều lúc, nhiều nơi nhận thức không đúng đắn về vai trò của pháp luật và đạo đức, không phân biệt được một cách rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh, ưu điểm cũng như những hạn chế của mỗi loại phương tiện trong điều chỉnh các QHXH. Xuất phát từ mong muốn giữ gìn và phát huy các quan niệm, quan điểm đạo đức truyền thống, nhất là các quan niệm đạo đức trong gia đình nhưng do nhận thức không đúng đắn về vai trò của pháp luật nên các nhà làm luật đã pháp luật hóa cả những quan niệm đạo đức thực ra không nên pháp luật hóa. Ngoài ra, có sự hạn chế trên cũng còn có nguyên nhân là việc quá đề cao vai trò của pháp luật XHCN so với các kiểu pháp luật khác, giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước khác. Đây là biểu hiện của cơ chế cũ còn tồn tại, một hạn chế của không ít người nếu không muốn nói đó là hạn chế chung của tất cả chúng ta.

Hai là, mặc dù trong những năm qua, hoạt động lập pháp có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ soạn thảo các văn bản pháp luật, song so với các nước tiên tiến trên thế giới thì kỹ thuật lập pháp của ta vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, trình độ lập pháp của Việt Nam chưa ngang tầm đòi hỏi với sự phát triển chung của khu vực, của thế giới cũng như trước sự biến đổi mãnh liệt của các quan hệ quốc tế. Nhiều QHXH đang manh nha hình thành, phát triển, đang tìm cách thích ứng, ổn

định trong những điều kiện kinh tế mới đã làm cho hệ thống pháp luật của nước ta luôn có sự chậm chạp, theo đuôi sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cơ chế, trình tự, thủ tục xây dựng pháp luật ở nước ta còn nhiều điểm bất cập khiến cho sự việc trưng cầu ý dân đối với những văn bản pháp luật quan trọng còn mang tính hình thức. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng phải kể đến đó là do nhiều khi chúng ta quan niệm rằng: Văn bản pháp luật cần khái quát các vấn đề cơ bản, phần chi tiết sẽ được quy định trong văn bản dưới luật. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp lại không có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết, giải thích cụ thể hoặc nếu có phải mất một thời gian rất lâu sau đó, điều này dẫn đến tình trạng Luật luôn phải chờ văn bản hướng dẫn của cấp dưới. Những hậu quả về mặt nhận thức cũng như kết quả thực tế đằng sau Pháp lệnh dân số (2003) là một bài học đắt giá cho chúng ta về quy trình soạn thảo văn bản pháp luật. Ngày 1/5/2003, Pháp lệnh dân số có hiệu lực thi hành, nhưng phải chờ đến 3/10/2003 tức là 5 tháng sau Chính Phủ mới có Nghị định số 104/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số. Trong khoảng thời gian đó, với cách hiểu lệch lạc và không thống nhất về “quyền quyết định quy mô số con, khoảng cách giữa các lần sinh” (Điều 10) của các cặp vợ chồng và cá nhân đã khiến cho công tác dân số-KHHGĐ đứng trước nhiều gian nan, thậm chí nhiều khi giải thích của cán bộ dân số đi vào ngõ cụt.

Ngoài ra, cũng có thể do nhận thức chủ quan các nhà lập pháp cho rằng quy định như vậy là chặt chẽ, mọi người đều có thể hiểu được và hiểu đúng ý tưởng của nhà làm luật. Cách quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm và phiến diện, chủ quan. Đạo đức và pháp luật là hai hiện tượng khác nhau, một trong những thuộc tính của pháp luật là minh bạch, cụ thể, xác định. Vì vậy, khi thể chế hóa các quan niệm đạo đức thành pháp luật đòi hỏi phải rất cụ thể, đảm bảo các chủ thể xác định được một cách rõ ràng họ phải làm gì, làm như

thế nào hay không được làm gì khi ở trong những điều kiện hoàn cảnh xác định.

Ba là, công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và đạo đức còn một số bất cập về nội dung và hình thức.

Trong những năm qua, nhìn chung hoạt động giáo dục pháp luật, nâng cao và rèn luyện đạo đức đã được triển khai đồng bộ và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã trình bày ở phần trên, chúng ta cũng nhận thấy còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

* Về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật: Mặc dù các văn bản pháp luật đã được giới thiệu trên nhiều kênh: Sách, báo, tạp chí, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi tìm hiểu về Nhà nước, về Pháp luật, song điều này chỉ thật sự có ý nghĩa, tác động tới nhận thức của một bộ phận dân cư ở khu vực thành thị và nông thôn phát triển. Ở các khu vực miền núi, hải đảo, tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn vẫn là những gì xa lạ đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Người dân hầu như không tìm đến trụ sở của ủy ban nhân dân xã để tìm hiểu, mượn đọc các văn bản liên quan đến chính quyền lợi của họ. Tâm lý ngại ra “cửa quan” (ủy ban nhân dân) vẫn đè nặng lên tư duy của nhiều người. Trong các bưu điện văn hóa, nhà văn hóa xã, phường, tình trạng thiếu vắng người đọc các văn bản pháp luật cũng tương tự, nơi đây chỉ phục vụ cho thanh, thiếu niên với tủ sách Kim Đồng hoặc một vài ba đối tượng là sinh viên, cán bộ tìm đọc tài liệu. Các kênh truyền hình giới thiệu văn bản pháp luật mới hay các buổi trao đổi, tọa đàm về pháp luật còn ít thu hút người xem bởi tính khô khan, đơn điệu của chương trình bên cạnh các kênh phim truyện giải trí đầy ắp sắc màu cuộc sống.

Chương trình giáo dục pháp luật ở bậc phổ thông trung học còn mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”. Cả giáo viên và học sinh phần đông đều coi môn học “giáo dục công dân” trong nhà trường là “môn phụ”; môn “gỡ điểm” cho các môn học khác. Giáo viên giảng dạy môn học này nhiều khi là giáo viên chủ nhiệm dạy kiêm nhiệm luôn và họ đơn thuần cho rằng, đây là khoảng thời gian để nhắc nhở ý thức đạo đức học sinh hoặc tệ hơn là thời gian để giáo viên chủ nhiệm làm công tác quản lý lớp, sinh hoạt lớp.

* Về công tác giáo dục đạo đức. Trong nhà trường, ngay từ ở các lớp cấp dưới, chúng ta đã ra sức tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, về các tấm gương hi sinh quên mình vì Tổ quốc của những người đảng viên kiên trung, về ý thức công dân, về ý thức trách nhiệm của con người mới XHCN. Trong khi đó, luân lý, gia phong, nghĩa vụ, bổn phận làm con, làm em, làm học trò thì không được quan tâm đúng mức. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tấm gương về nền nếp gia phong, về việc bảo lưu truyền thống, thuần phong, mỹ tục của dân tộc ít thấy xuất hiện, ngược lại những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức như con cái lừa lọc chiếm đoạt tài sản, đẩy bố mẹ ra ngoài đường, học trò hành hung, mắng chửi thầy, cô giáo... lại được phơi bày khá phổ biến. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục đạo đức cho quần chúng nhân dân.

Bốn là, vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên trong thực hiện pháp luật, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống chưa thật sự có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của quần chúng nhân dân.

Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề cán bộ nhằm củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng cũng như vai trò của cán bộ đảng viên trong vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới ở địa phương, cơ sở. Về tiêu chuẩn của cán bộ, đảng viên (Tiêu chuẩn chung) đã được nêu ra trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 3,

Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Đó là yêu cầu chung đối với đội ngũ cán bộ Nhà nước, phải có đức, có tài, trong đó, đạo đức luôn là gốc. Trong điều kiện hiện nay, Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu về: Năng lực tổ chức thực tiễn và khả năng đoàn kết, quy tụ các cán bộ, lối sống trong sạch, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, đề cao sự gương mẫu của bản thân cán bộ, không lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình, người thân [6, tr.79-80].

Như vậy, trong những tiêu chuẩn chung này ta thấy vấn đề đạo đức của người cán bộ đảng viên luôn được chú trọng đề cao. Đối với người Phương Đông, một việc làm cụ thể, một hành động dắt tay, chỉ việc còn có ý nghĩa hơn 10 bài thuyết giáo. Bởi vậy mà mới có phương châm: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tuy nhiên, như phần thực trạng đã phân tích, trước sức ép của mặt trái KTTT, sự mở cửa hội nhập ồ ạt, rất nhiều cán bộ đảng viên đã mơ hồ, phai nhạt lý tưởng, dao động, thoái hóa, biến chất về lối sống, nghiêm trọng nhất là ở một số cơ quan QLNN thuộc lĩnh vực đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, cơ quan bảo vệ pháp luật. Chính những người “cầm cân nảy mực”, những người có quyền rao giảng làm gương về đạo đức lối sống này đã “nói một đằng, làm một nẻo” làm cho việc giáo dục đạo đức, làm gương mẫu mực cho quần chúng nhân dân không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng. Trông vào những “con sâu bỏ rầu nồi canh” ấy mà quần chúng nhân dân mất niềm tin vào Nhà nước, vào pháp luật hoặc tìm cách luồn lách kiếm lợi cho bản thân mình.

Một số đảng viên và gia đình đảng viên thiếu mối quan hệ tình cảm gắn kết với cộng đồng dân cư, ngại tham gia các hoạt động văn hóa khối, xóm. Nhiều nơi, việc thực hiện Quy định 76/QĐ-TW của Bộ Chính trị khóa VIII về giữ mối liên lạc đảng viên với địa phương còn mang tính hình thức, máy

móc... Tất cả những việc này đã khiến cho việc phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên đạt kết quả chưa cao như chúng ta mong muốn.

Tóm lại, trên đây là thực trạng của việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN ở Việt Nam thời gian qua. Việc đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại sẽ là cơ sở cho việc đề ra các giải pháp phù hợp, phát huy có hiệu quả yếu tố tích cực, giảm thiểu đến mức thấp nhất những hạn chế, khiếm khuyết trong việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN hiện nay.

2.2. NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO KẾT HỢP PHÁP LUẬT VÀĐẠO ĐỨC TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu KẾT HỢP PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w