Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu của quá trình tái sản xuất xã hội của mỗi nền kinh tế từ phạm vi một quốc gia đến phạm vi toàn cầu; với chúng ta, đó là tạo điều kiện thuận lợi để tiếp thu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của thế giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua từ song phương, khu vực đến đa phương, từ đầu tư đến thương mại, dịch vụ… đã được coi như một bộ phận rất quan trọng của quá trình đổi mới toàn diện đất nước, không những đã khẳng định giá trị Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Nước ta đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định song phương và đa phương sẽ dẫn đến việc thực hiện nhanh chóng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như các thách thức cạnh tranh quốc tế với sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, trong đó nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đã có mặt tại Việt Nam, đây là một trong những yếu tố kích thích phát triển DNNVV với vai trò là các nhà cung cấp sản phẩm đầu vào cũng như phân phối sản phẩm đầu ra.
- Đặc điểm của giai đoạn tới là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tác động sâu sắc tới quá trình điều chỉnh cơ cấu, cải cách kinh tế, cải cách hành chính, chất lượng và quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Việc cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh quốc tế sẽ ảnh hưởng tích cực đến sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh. Đây cũng là tác nhân quan trọng thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật công nghệ và hiệu quả kinh doanh của các DN trong nước, hơn thế nữa, nhân tố này còn bắt buộc Việt Nam phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất bằng cách cho ra đời các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh.
- Việc thực hiện đầy đủ các cam kết với tư cách một thành viên của WTO có tác dụng thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ ở trong nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế nhà nước và cải cách hành chính theo hướng hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống chính sách minh bạch, ổn định, dễ dự đoán và cơ chế quản lý công khai sẽ giúp tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế thông qua sự tăng trưởng thương mại đầu tư trong nước và nước ngoài.