Chính sách đào tạo nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 64 - 66)

Hoạt động trợ giúp DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã dành được sự quan tâm của Nhà nước cũng như các tổ chức trong và ngoài nước. Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV giai đoạn 2004-2008 theo Quyết định số 143/2004/QĐ-TTg ngày 10/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai tích cực ở các địa phương, hiệp hội. Ngày 03/08/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết hai năm thực hiện Chương trình và đề xuất những điều chỉnh hợp lý nhằm thực hiện Chương trình hiệu quả hơn.

Với các chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, năm 2005 đã tổ chức hơn 140 khóa đào tạo khởi nghiệp và quản trị kinh doanh cho nhiều DN và thanh niên tại 36 tỉnh, thành phố, 10 tổ chức hiệp hội và một số bộ ngành; tổ chức biên soạn và in ấn 26 chuyên đề cho các khóa đào tạo.

Với sự trợ giúp từ ngân sách nhà nước, trong năm 2006, các địa phương trực tiếp tổ chức triển khai các khóa đào tạo tại 19 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và 3 Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật DNNVV tổ chức thực hiện ở các địa bàn trong cả nước. Nhiều địa phương khác cũng đang tích cực tổ chức các khóa đào tạo cho DNNVV từ nguồn ngân sách địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu… Các khóa bồi dưỡng đã trang bị cho DN những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm quản trị điều hành trong nền kinh tế thị trường áp dụng với từng loại hình DN. Những vấn đề nhạy cảm, tác động lớn đến hoạt động DN, những rào cản chung và riêng của từng quốc gia cũng được cung cấp đầy đủ cho người học, từ đó áp dụng thực tiễn hoạt động của mình, hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Mặc dù đến nay, cả nước có hệ thống các trường đào tạo nghề từ các trường đại học đến các trung tâm dạy nghề khá lớn, trong đó có 269 trường trung học chuyên nghiệp, 174 trường dạy nghề, 300 trung tâm dạy nghề và hàng trăm lớp dạy nghề tư nhân, nhưng điểm yếu nhất của giáo dục đào tạo nghề là không gắn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động nói chung. Do vậy, tình trạng phổ biến hiện nay là các DN phải tự bỏ tiền đào tạo cả tay nghề cho công nhân và chủ DN.

Về việc triển khai chương trình đào tạo dành cho DNNVV: Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ còn quá hạn hẹp so với chi phí thực tế. Kinh phí đối ứng của các địa phương còn hạn chế, phần lớn các địa phương không bố trí ngân sách dành cho chương trình hoặc có hỗ trợ nhưng rất thấp. Thủ tục quyết toán lớp học còn rườm rà, phức tạp. Nhiều đơn vị tổ chức lớp học do chưa có kinh nghiệm nên công tác tổ chức, quản lý lớp học còn lúng túng, nhất là trong quá trình thông báo, chiêu sinh học viên.

Bên cạnh chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV sử dụng ngân sách nhà nước, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như ILO, UNIDO, GTZ, MPDF… cũng tài trợ cho một số dự án tiến hành hoạt động đào tạo về khởi sự DN và nâng cao năng lực cho các DNNVV đang hoạt động. Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức các

khóa huấn luyện và đào tạo cho DN về xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường kiểm định thiết bị; một số địa phương cũng tổ chức các khóa huấn luyện phổ biến văn bản pháp quy cho các DN trên địa bàn.

Việc định hướng đào tạo của các chương trình, dự án nói trên còn chưa thống nhất, việc tổ chức đào tạo chưa dựa trên những điều tra nhu cầu của DN; trừ một số khóa đào tạo do các nhà tài trợ quốc tế tổ chức, phần lớn các chương trình, nội dung đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của DN; chất lượng không đồng đều, thường tập trung nhiều vào lý thuyết, đào tạo đại trà; các DN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hầu như chưa tiếp cận được với khóa đào tạo này.

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 64 - 66)